Tạm thời cấm ôtô qua cầu Việt Trì để bảo đảm an toàn công trình

Thứ Bảy, 18/06/2016, 09:15
Ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, cầu Việt Trì là cầu đường sắt đi chung với đường bộ, phần đường sắt đi ở giữa đã bị yếu, thường xuyên rung lắc, bị vỡ các tấm bê tông cốt thép lắp ghép mặt cầu phần đường bộ.


Ngày 17-6, ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hiện tại, cầu Việt Trì là cầu đường sắt đi chung với đường bộ, phần đường sắt đi ở giữa, phần đường bộ đi ở hai cánh gà hai bên, mỗi chiều chỉ có một làn xe đi chung cả ôtô lẫn xe máy nên rất chật hẹp đã bị yếu, thường xuyên rung lắc, bị vỡ các tấm bê tông cốt thép lắp ghép mặt cầu phần đường bộ.

Mặt khác do cầu hẹp, phương tiện cơ giới, thô sơ đi chung một làn nên tình hình va chạm, tai nạn giao thông, ùn tắc vào các ngày, giờ cao điểm xảy ra. Căn cứ kết quả kiểm định cầu, để đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình, duy trì tuổi thọ công trình, ưu tiên cho vận tải đường sắt, Bộ GTVT đã tạm thời cấm xe ôtô lưu thông qua cầu (các phương tiện xe thô sơ, xe máy và tàu hỏa vẫn đi lại bình thường); điều này được thực hiện tương tự như với trường hợp cầu Long Biên tại Hà Nội.

Đồng thời giao cho Tổng Công ty Đường sắt có kế hoạch sửa chữa cầu Việt Trì.  Theo ông Lăng, việc xây dựng cầu Hạc Trì (cạnh cầu Việt Trì) là nằm trong quy hoạch GTVT. Trong điều kiện nguồn ngân sách khó khăn, Bộ GTVT đã triển khai xây dựng cầu Hạc Trì bằng hình thức BOT đã đáp ứng được yêu cầu phát triển giao thông vận tải quốc gia nói chung và khu vực nói riêng.

Trong quá trình lưu thông, các phương tiện giao thông đường dài hoàn toàn có thể lựa chọn hành trình cho phù hợp chứ không nhất thiết phải qua cầu Hạc Trì. Chẳng hạn như nếu đi các tỉnh Tây Bắc như: Phù Yên, Bắc Yên (Sơn La), Yên Bái, Thanh Sơn (Phú Thọ) có thể qua cầu Trung Hà về Hà Nội; đi các tỉnh phía Bắc như: Tuyên Quang, Hà Giang có thể đi QL2C về Vĩnh Phúc hoặc qua cầu Hạc Trì hay ngược lại tuỳ theo lộ trình phù hợp…

Phạm Huyền
.
.
.