Tấm lòng một người mẹ ở làng trẻ Hữu Nghị

Thứ Năm, 03/05/2012, 09:49
5 năm trong nghề là 5 năm mẹ tận tụy chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho các con. Thì ra, ẩn chứa bên trong dáng vẻ gầy gò và khuôn mặt khắc khổ là một trái tim đầy tình yêu thương với những đứa trẻ bất hạnh.

Tiếp chúng tôi vào một ngày mưa phùn rả rích là mẹ Hiền - chủ nhiệm nhà T2 của làng trẻ Hữu Nghị (xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Vừa tất bật chuẩn bị cho các con đi học vào ca chiều, mẹ vừa vui vẻ tâm sự về công việc mà mình đang gắn bó.

Trước khi là mẹ của hơn 20 đứa trẻ tại làng trẻ Hữu Nghị, mẹ Hiền từng là công nhân của Bộ Quốc phòng. Sau một thời gian ngắn thì đơn vị bị giải thể. Năm 2006, qua sự giới thiệu tình cờ của một người quen mà mẹ Hiền trở thành nhân viên ở đây.

Theo lời kể của mẹ Hiền, lúc mẹ mới vào thì làng trẻ có tất cả 11 mẹ được phân công quản lý 4 khu nhà… Hầu hết các mẹ nuôi làm việc ở làng trẻ đều sống ở các xã quanh trường và trên 40 tuổi. Bởi "phải tuổi đó mới có thể gắn bó và toàn tâm yêu thương những đứa trẻ ở đây bằng tấm lòng của một người mẹ ruột" - mẹ Hiền giải thích.

Từ năm 2009 đến nay, mẹ Hiền phụ trách nhà T2 - nhà của 22 em bị nhiễm chất độc da cam thuộc mọi lứa tuổi. 22 đứa trẻ tính cách và số phận khác nhau. Nhưng đối với những đứa trẻ khuyết tật và thiểu năng ấy, mẹ Hiền vừa là một người mẹ, vừa là một người bạn tri kỷ.

Không những hiểu được suy nghĩ, nhớ được quê quán, gia cảnh của từng em mà mẹ còn thuộc tính cách của trẻ các nhà khác. Chỉ vào một bé trai nhỏ thó với khuôn mặt nhăn nhúm, mẹ Hiền giới thiệu: "Đó là Đức, sinh năm 1996, quê ở Vĩnh Phúc. Nó là đứa dễ gần và láu cá nhất trong nhà. Đức bị thiểu năng nên trong sinh hoạt cá nhân mẹ phải nhắc nhở thường xuyên. Dạo trước, có mấy anh lái xe vào thăm trường. Nó quấn quýt với các anh ấy lắm. Lúc tôi gọi nó vào ngồi bô, mấy anh lái xe tròn mắt hỏi: "Sao ở đây 27 tuổi vẫn phải ngồi bô hả mẹ?". Tôi chỉ biết cười trừ.

Mẹ Hiền - chủ nhiệm nhà T2.

Hằng ngày, trách nhiệm của mẹ là chăm sóc, hướng dẫn các em làm những công việc đơn giản trong sinh hoạt, mẹ vui vẻ: "Khó khăn nhất là dạy các em bị thiểu năng. Dạy trước các em lại quên sau. Có những em, mẹ bảo đi lấy hót rác thì lại đi lấy chổi, bảo lấy cái áo thì lấy nhầm cái chậu. Do đó, cần phải thật kiên trì và nhẫn nại".

Ngoài ra, đối với những em bị khuyết tật, dị dạng, mẹ Hiền phải từ từ tìm hiểu và gần gũi. Mẹ còn học thêm ngôn ngữ ký hiệu để có thể giao tiếp với các em một cách thuận tiện. Theo mẹ, những em khuyết tật thường rất tự ti và khó hòa nhập cùng các bạn. Mẹ sẽ đóng vai trò như sợi dây để kết nối các em lại với nhau, giúp các em tìm được niềm vui khi tiếp xúc với các bạn khác.

Đáp lại sự quan tâm ấy là những tình cảm trìu mến mà những đứa con dành cho mẹ. Phùng Văn Bách (lớp giáo dục đặc biệt 5) cho biết: "Từ lâu, em và các bạn khác của nhà T2 đều coi mẹ như người mẹ ruột của mình".

Mẹ Hiền và các mẹ làm việc trong làng trẻ có kinh tế không hề khá giả. Họ, trước khi đến với công việc này, đều từng là công nhân hoặc những người làm nông thuần túy. Với các mẹ, chăm sóc những đứa trẻ kém may mắn là việc đem lại cho họ nhiều niềm vui.

Theo tâm sự của mẹ Hiền, trước đây lương của các mẹ là 1,3 triệu. Sau đó, nhờ sự quan tâm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, mức lương này được nâng lên 2 triệu. Các mẹ đều rất cảm ơn Bộ trưởng vì điều này.

Khi được hỏi về mong muốn của mình, mẹ Hiền chân thành chia sẻ: "Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được nhiều sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để cuộc sống của các cháu được nâng cao hơn. Làm ở đây, tôi và một số mẹ không có bảo hiểm. Công việc này làm theo dự án nên khi nghỉ hưu thì sẽ không được hưởng lương. Mong muốn của tôi cũng như những mẹ khác là được đóng bảo hiểm tự nguyện. Không cần tới lương hưu, chỉ cần mỗi năm được Nhà nước trả cho một tháng lương để chúng tôi đỡ tủi thân sau những năm gắn bó với các cháu".

Hy vọng rằng một ngày gần đây, với sự quan tâm của các cá nhân và đoàn thể, mong muốn giản đơn của mẹ Hiền sẽ trở thành hiện thực.

Hoàng Anh
.
.
.