Tấm lòng của thầy giáo “làng” với trẻ em vạn đò
Chúng tôi đến thăm lớp học của thầy Hòa vào một ngày đông mưa dầm rét mướt. Trong lớp học rộng chưa đầy 30m2, nằm gần cuối khu vạn đò Đập Góc, hàng chục em học sinh có khuôn mặt đen nhẻm vì nắng gió sông nước, đang chăm chú nhìn vào sách giáo khoa và lắng nghe bài tập đọc của thầy giáo Hòa. Dường như hình ảnh này đã quá đỗi thân thuộc với bà con miền quê nghèo Phú Mỹ.
Tranh thủ phút giải lao giữa giờ, ngồi nhìn ra khu đầm Sam rộng lớn đối diện với những căn nhà san sát ở khu vạn đò Đập Góc, thầy Hòa bắt đầu kể cho chúng tôi nghe câu chuyện ra đời của lớp học “đặc biệt”... Ngày trước, do sống bằng nghề “theo đuôi con tôm, con cá” nên gia đình thầy Hòa cùng hàng chục hộ dân làm nghề sông nước có hộ khẩu thường trú ở xã Phú Mỹ và Phú An (Phú Vang) đã dạt về khu đầm Sam này mưu sinh. Vì quá nghèo khó nên vợ chồng thầy Hòa không thể kiếm đủ số tiền cho 2 người con đến trường học chữ. “Bản thân tôi lúc đó chỉ có trình độ đến lớp 8 thôi. Nhưng vì thương các con và trẻ con xóm vạn đò “khát” con chữ quá nên đầu năm 1990, tôi quyết định mở một lớp học dạy chữ cho tụi nhỏ miễn phí ngay tại nhà. Ban đầu, vì nhiều phụ huynh không tin tưởng nên số trẻ theo lớp chỉ được vài ba đứa. Nhưng chỉ hơn 1 năm sau, lớp học đã có đến 30 em từ 6 đến 12 tuổi...”, thầy Hòa tâm sự.
Thầy giáo Trần Văn Hòa cần mẫn “gieo chữ” cho trẻ em nghèo ở khu tái định cư Đập Góc. |
Thấy được tấm lòng nhân ái của thầy Hòa, hơn 13 năm trước, Hội Cứu trợ trẻ em không cha không mẹ của Hoa Kỳ (Hội ACWP) đã tài trợ xây một phòng học ngay cạnh căn nhà của thầy và đầu tư thêm trang thiết bị, cơ sở vật chất để giúp đỡ trẻ vạn đò có điều kiện học tập tốt hơn. Bà Phạm Thị Diệu Hiền, Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ cho biết, để giúp trên 100 hộ dân ở khu Đập Góc ổn định cuộc sống định cư, năm 2009, xã đã kiến nghị lên các cấp và UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế xin hỗ trợ 13,5 triệu đồng/1 hộ dân nhằm giúp bà con xây nhà tái định cư. Tuy nhiên, do thu nhập chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy sản nên cuộc sống của các hộ dân ở khu Đập Góc vẫn còn lắm khó khăn, do đó mà điều kiện đến trường của con trẻ cũng bị hạn chế rất lớn.
“Nhờ sự nỗ lực của thầy Hòa mà cơ bản trẻ em ở khu tái định cư đều đọc thông, viết thạo, thậm chí có em còn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Mới đây, lớp học của thầy Hòa đã được sáp nhập vào trường Tiểu học Phú Mỹ 2, thầy Hòa cũng học thêm để nhận bằng tốt nghiệp THPT nên được Phòng GD&ĐT huyện Phú Vang “đặc cách” làm giáo viên hợp đồng để dạy cho 17 trẻ đang theo học chương trình từ lớp 1 đến lớp 4 do thầy đứng lớp”, bà Hiền nói thêm.
Ngoài sự tận tâm, tận lực để truyền đạt kiến thức, dạy từng con chữ cho lũ trẻ ở khu tái định cư vạn đò Đập Góc, thầy Hòa còn trở thành “cầu nối” với các nhà hảo tâm để giúp đỡ các em có thêm cuốn vở, cây bút. Số tiền lương mỗi tháng 2,5 triệu đồng nhiều khi cũng được thầy Hòa “cắt xén” để mua áo quần hay gói quà, gói bánh cho các em nhỏ trong lớp học. Và ít ai ngờ được rằng, trong số những học sinh ở khu tái định cư Đập Góc được thầy Hòa đứng lớp, nay lại có nhiều em thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học. Điển hình là năm 2007, em Trần Văn Muống thi đỗ vào trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Năm 2010, em Phạm Văn Thành và Trần Văn Mậu thi đỗ vào trường Đại học Nông Lâm Huế. Hay mới đây nhất, em Phạm Tranh nghị lực vượt khó thi đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Huế...
Dù vậy nhưng trong lòng người thầy giáo giàu lòng nhân hậu này luôn canh cánh nỗi lo: “Mặc dù nhà trường đã quan tâm, miễn 100% tiền học phí và các khoản thu khác cho các em học sinh ở Đập Góc này nhưng tôi luôn lo sợ có một ngày, các em bỏ học để theo cha mẹ ra phá đặt lừ, bủa lưới mưu sinh. Nhưng dù thế nào đi nữa, tôi cũng sẽ cố gắng gắn bó với lớp học này đến cuối đời!”