Tái xuất hiện bệnh liên cầu lợn ở người

Thứ Ba, 04/05/2010, 16:13
Trong tuần qua, mỗi ngày Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 1-2 bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn với bệnh cảnh khá nguy hiểm.

Xuất hiện bệnh nhân nặng

TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, 4 bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn phải nhập viện điều trị, trong đó 2 trường hợp rất nặng phải thở máy.

Người nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn có thể có 1 trong 3 biểu hiện viêm màng não mủ đơn thuần, nhiễm trùng huyết đơn thuần hoặc phối hợp cả hai loại. Trường hợp thể bệnh phối hợp giữa viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết, người bệnh sẽ có biểu hiện rất nặng nề như nhiễm trùng huyết, sốt cao, xuất hiện hoại tử dưới da, suy chức năng hô hấp, tuần hoàn, thận, gan...

Trường hợp mắc bệnh thể viêm màng não thường có biểu hiện sốt cao, đau đầu, nôn, sau đó có thể bị hôn mê nhưng không bị xuất huyết bên ngoài. Nếu được phát hiện sớm, việc điều trị sẽ khả quan, nhưng nếu phát hiện muộn, bệnh nhân có thể bị phù não, để lại các di chứng nặng như động kinh và có thể tử vong.

Bệnh nhân mắc liên cầu lợn đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Đặc biệt, người bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn thường có biểu hiện giống nhiều bệnh khác như nhiễm khuẩn huyết, sốt xuất huyết, viêm màng não mủ... nên dễ gây chẩn đoán nhầm, dẫn đến bệnh nhân bị điều trị sai và muộn.

Hiện bệnh chưa thành dịch, nhưng người dân cần cảnh giác phòng bệnh, bởi đây là bệnh lây dễ dàng từ lợn sang người, rất nguy hiểm và nguy cơ gây tử vong.

Nhận biết và phòng bệnh thế nào?

Đây là bệnh lây từ lợn sang người, thông qua đường tiêu hóa, do thịt lợn nhiễm khuẩn liên cầu không được chế biến chín, đảm bảo vệ sinh trước khi ăn. Điều đáng lo ngại là các bệnh nhân rải rác ở nhiều địa phương đang có dịch trên đàn lợn.

Theo TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế), để phòng bệnh, người dân tuyệt đối không ăn thịt lợn chưa chế biến chín, hợp vệ sinh, vì vi khuẩn có thể tồn tại trong thịt lợn chế biến tái; không giết mổ, tiêu thụ lợn có biểu hiện ốm bệnh. Thịt lợn bị nhiễm khuẩn liên cầu thường không có biểu hiện khác thường và giống với thịt chứa nhiều bệnh truyền nhiễm khác trên lợn, nên rất khó phát hiện bằng mắt thường. Chỉ có cách lấy mẫu thịt để xét nghiệm bằng các chẩn đoán vi trùng học rất phức tạp mới phân biệt chính xác thịt nhiễm liên cầu.

Các chuyên gia thú y cảnh báo người dân cảnh giác, nếu thấy thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề thì tuyệt đối không ăn. Người chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn cũng cần áp dụng các phương tiện bảo hộ lao động như đeo găng tay, khẩu trang… vì khuẩn liên cầu có thể lây từ lợn sang người qua đường hô hấp

Thanh Loan
.
.
.