Tại sao vẫn ít Trái phiếu doanh nghiệp?

Thứ Hai, 04/12/2006, 14:18
Doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam chủ yếu đăng ký vốn kinh doanh ở mức 1 - 3 tỷ đồng nên không đủ điều kiện về vốn để phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Thời gian qua, ngoài kênh huy động vốn truyền thống từ các tổ chức tín dụng - ngân hàng thì trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn quan trọng đối với doanh nghiệp. Nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ của chúng ta (đạt 500 ngàn doanh nghiệp vào năm 2010) trước những "thế lực tài chính" của các tập đoàn kinh tế nước ngoài trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay.

Cho đến nay, hàng loạt các văn bản pháp luật về hoạt động này đã ra đời, tức là khung pháp lý đã "mở đường" cho doanh nghiệp trong kênh huy động vốn này. Nhưng để doanh nghiệp phát hành được trái phiếu ra công chúng, lợi ích của doanh nghiệp dung hòa được với quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu thì còn nhiều vấn đề chúng ta cần xem xét: Mới chỉ có 3 trái phiếu doanh nghiệp (ngân hàng chiếm 2) được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh đã cho thấy điều đó!

Trái phiếu doanh nghiệp thực chất là một loại "chứng khoán vay nợ" do doanh nghiệp phát hành, mà ở đó đã xác nhận nghĩa vụ trả cả gốc lẫn lãi của doanh nghiệp đối với chủ sở hữu nó. Trường hợp xấu nhất, khi doanh nghiệp tuyên bố phá sản hoặc giải thể thì trái phiếu cũng giống như các khoản nợ vay khác, sẽ được ưu tiên giải quyết trước.

Khác với những kênh huy động vốn truyền thống là phụ thuộc rất nhiều vào những xét duyệt mang tính áp đặt, chủ quan của tổ chức cho vay, việc phát hành trái phiếu sẽ cho phép doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, phương thức và thời gian trả nợ.

Chưa kể khoản vay theo phương thức này thường lớn gấp nhiều lần so với kênh vay vốn truyền thống, lại đảm bảo kịp thời nhu cầu về vốn cho doanh nghiệp. Nhất là trong thời điểm hiện nay, khi mà các ngân hàng thương mại đang phải đồng loạt tăng vốn dưới nhiều hình thức trước thực trạng nhu cầu về vốn tăng quá nhanh của doanh nghiệp.

Như vậy, mục tiêu quan trọng của hình thức huy động vốn này đã rõ: Doanh nghiệp và người sở hữu trái phiếu cùng có lợi! Theo dõi qua các phiên giao dịch chứng khoán đều thấy, tổng khối lượng giao dịch trái phiếu luôn cao gấp 2 đến 3 lần khối lượng giao dịch cổ phiếu phổ thông. Nhưng đến nay chỉ có rất ít doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng, điều đó dường như là một nghịch lý.

Theo quy định, hiện nay có hai hình thức phát hành trái phiếu, đó là phát hành riêng lẻ (cho dưới 50 người) và phát hành ra công chúng (cho từ 50 người trở lên). Và mặc dù điều kiện quy định trong khung pháp lý đã "mở" hết sức thoáng: chỉ cần có thời gian hoạt động tối thiểu 1 năm kể từ ngày doanh nghiệp chính thức đi vào hoạt động; có báo cáo tài chính của năm liền kề trước năm phát hành được kiểm toán; kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm liền kề năm phát hành phải có lãi... thì nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận được với hình thức này bởi nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của chúng ta chủ yếu đăng ký vốn kinh doanh ở mức 1 - 3 tỷ đồng nên không đủ điều kiện về vốn.

Ngay như tại TP Hồ Chí Minh, nơi có số lượng doanh nghiệp hùng hậu thì tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký vốn trên 10 tỷ đồng cũng chỉ có 3.333 doanh nghiệp các loại.

Tỷ lệ phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu không chuyển đổi hoặc tỷ lệ lãi suất cũng là vấn đề cần cân nhắc. Hiện nay chúng ta chưa có mốc cụ thể mà chỉ dựa vào tổng mức vốn đăng ký, phương án phát hành và cho doanh nghiệp tự quyết định tùy theo uy tín, thương hiệu của mình.

Vì vậy sẽ rất khó đảm bảo được lợi ích tối đa của tổ chức, cá nhân sở hữu trái phiếu bởi doanh nghiệp phát hành sẽ luôn tính toán các tỷ lệ này ở mức làm sao để họ có lợi nhất. Như vậy sẽ không kích thích được các nhà đầu tư, để rồi từ đó kìm hãm sự phát triển của loại hình huy động vốn này

Đức Thắng
.
.
.