Tai nạn giao thông vì xe mất phanh chủ yếu do tài xế

Thứ Hai, 08/09/2014, 08:08
Nhiều vụ tai nạn ôtô gần đây gây ra hậu quả nghiêm trọng, nguyên nhân tìm thấy do xe mất phanh (tuột thắng), đã dấy lên sự cảnh báo một vấn đề nghiêm trọng mà lâu nay không được bàn đến nhiều trong khi tham gia lưu thông tại các đường đèo dốc cao. Đặc biệt là đường xuống các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc hầu như tai nạn thường xảy ra do xe xuống đèo, mất phanh.

Sau vụ tai nạn nghiêm trọng ở Lào Cai, chuyên gia kỹ thuật của hãng Ford Việt Nam cho biết: Trên thực tế, hoàn toàn có thể khẳng định nếu người lái sử dụng phanh không đúng cách sẽ dẫn tới mất phanh. Khi đổ đèo, xuống dốc nếu sử dụng chân phanh quá nhiều hoặc rà phanh kéo dài sẽ làm cho hệ thống phanh bị quá nhiệt (quá nóng) gây ra hiện tượng bị cháy phanh thậm chí làm lộn cupen xilanh phanh khi đạp phanh mạnh, gấp.

Hiện trường vụ TNGT ở Lào Cai.

Với từng vụ việc cụ thể, hiện tượng xe mất phanh đột ngột, tài xế lập tức hoảng hốt, mất bình tĩnh, không xử lý tốt tình huống dẫn đến tai nạn. Mới đây không lâu vào ngày 5/8,tài xế Phạm Thành Long (49 tuổi, quê Long An) điều khiển xe khách 45 chỗ BKS 53N-7893 chạy hướng Nha Trang-Đà Lạt theo đường 723. Khi đến địa phận xã Đại Chai, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) bất ngờ bị mất phanh rồi lao vào rào chắn bên trái đường, húc đổ lan can cầu, có nguy cơ lao xuống suối. Tình thế cấp bách, tài xế Phạm Thành Long đã quyết định đánh lái cho xe lao vào vách núi, tông vào tảng đá. Hành động dũng cảm của tài xế Long nhằm giảm thiểu thương vong cho hành khách trên xe, chấp nhận hy sinh bản thân. Hậu quả 3 người tử vong tại chỗ, trong đó gồm tài xế Long và 2 hành khách, nhưng hàng chục hành khách đã may mắn thoát chết.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia đã gửi thư biểu dương sự dũng cảm và gửi lời chia buồn tới gia đình tài xế dũng cảm Phạm Thành Long, khẳng định hành động của anh Long là “hành động anh hùng” và “Tấm gương quên mình của anh Long mãi mãi xứng đáng để tất cả chúng ta noi theo, như một bài học đạo đức lớn về sự xả thân cho đồng bào, không bao giờ thôi tỏa sáng”. Sự bình tĩnh, sáng suốt xử lý và hành động đạo đức, dũng cảm của tài xế khi xe mất phanh đã giảm thiểu thiệt hại đối với hành khách. Tương tự trước đó vào ngày 21/5, tại dốc Phòng Thuế, TT Cát Bà (Cát Hải, Hải Phòng), xe khách 45 chỗ mang BKS 15B- 00253, chạy hướng Hải Phòng - Cát Bà bất ngờ mất phanh khi đang xuống dốc lao đi với tốc độ cao khiến cho gần chục hành khách trên xe và người đi đường hoảng loạn. Đặc biệt, cách đó khoảng 80 mét là khu chợ chiều đang họp có rất đông người. Tài xế đã nhanh trí đánh lái đâm vào trước trụ sở NM nước Cát Bà rồi dừng lại, để tránh gây tai nạn. Vụ tai nạn khiến lái xe và phụ xe bị thương, các hành khách vẫn an toàn.

Hiện trường vụ ôtô tự đâm vào sườn núi của tài xế dũng cảm Phạm Thành Long.

Tình trạng mất phanh xe cũng xảy ra khi hệ thống phanh trên xe không đạt tiêu chuẩn an toàn cũng là một nguyên nhân do không được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ, má phanh có thể bị mòn nhiều, bị trơ, thiếu dầu thủy lực hoặc hệ thống đường ống dầu phanh bị rò rỉ… Về nguyên lý, phanh không bị hỏng (vật lý) mà bị vô hiệu hoá do hiện tượng quá nhiệt gây nên, khiến mất áp suất dầu phanh. Theo các chuyên gia kỹ thuật ôtô cho biết, hiện tượng mất phanh là một trong những sự cố kỹ thuật cực kỳ nguy hiểm, dễ gặp khi xe ôtô liên tục phải đổ đèo vài chục km với tải trọng lớn. Với những xe hộp số tự động, khi mất phanh, bình tĩnh gạt cần số về số R (số lùi) để khóa chặt các bánh xe, hãm tốc độ bằng cách gạt cần số sang chế độ lái số sàn, chuyển từng số một: D3, D2, D1... căn cứ tốc độ xe tại thời điểm mất phanh. Tiếp theo là kéo phanh tay, tắt điều hòa để vòng tua máy không cao, khi ở số L, tốc độ giảm còn dưới 20km/h, tiếp tục kéo mạnh phanh tay nhấp, nhả. Mất phanh thường xảy ra với những xe chạy đường đồi núi, địa hình hiểm trở. Do lái xe thường sử dụng phanh quá nhiều, trong khi hệ thống phanh của hầu hết các xe đều được dẫn truyền lực phanh bằng dầu, nên khi rà phanh liên tục dễ sinh nhiệt. Nhiệt lượng sinh ra làm trơ lì má phanh, khiến dầu phanh trong xilanh có thể bị sôi, làm lộn cupen ở xilanh phanh và mỗi lần đạp phanh làm dầu phanh thất thoát ra ngoài, dẫn đến mất phanh.

Bên cạnh đó, nguyên nhân khác gây mất phanh còn do xe xuống đèo ở số 3 trở lên cũng nguy hiểm vì lúc đó tốc độ máy kết hợp với quán tính sẽ đẩy tốc độ xe tăng thêm ít nhất 40% so với bình thường. Trong trường hợp này tài xế cần phải tuân thủ việc dừng nghỉ làm mát phanh sau đó sẽ vận hành như bình thường. Từ rất xa xưa, khi chưa có ôtô, con người khi qua một đèo, dốc hiểm trở, cheo leo bao giờ cũng có trạm dừng nghỉ dưới chân và trên đỉnh, giữa lưng chừng. Nhưng do chủ quan, tự tin vào tay lái và lực hãm phanh ôtô nên các tài xế thường chủ quan, bất chấp. Ngoài việc người sử dụng xe phải đảm bảo đúng chế độ bảo dưỡng định kỳ của nhà sản xuất, trước các chuyến đường dài hay đường đèo dốc cần phải được kiểm tra kỹ hệ thống an toàn nói chung và hệ thống phanh nói riêng. Phải chọn tốc độ an toàn khi vận hành đường đèo dốc với số thấp 1 hoặc 2 với xe số sàn và chế độ bán tự động/số ảo với xe số tự động/vô cấp. Phải sử dụng chân phanh nhấp nhả nhẹ nhàng để giảm tốc, không đạp phanh kéo dài gây nóng và cháy phanh.

Tài xế Lê Văn Trang (phường 12, quận 10, TP Hồ Chí Minh) với gần 50 năm kinh nghiệm chạy xe đường dài Bắc - Nam cho biết: Khi mất phanh, hãy bình tĩnh kéo phanh tay, sau đó cố gắng gạt cần số trở về vị trí số 1 để xe giảm tốc xuống mức chậm nhất. Nếu “sinh tử” tài xế nên đạp nhồi chân phanh liên tục nhiều lần để có thể phục hồi tạm thời áp suất thủy lực trong đường ống bị rò rỉ. Sau đó, cho xe dừng hẳn bằng cách dựa vào các thanh hộ lan, lan can thép, bờ tường, lề đường, vách núi… Xe mất phanh thường xảy ra ở cuối đèo dốc là do tài xế non kinh nghiệm chạy nhanh ở số 3 hay 4. Mỗi lần vào cua là lại rà phanh. Nhất là những xe chở khách nặng, rà phanh liên tục dẫn đến nóng tămbua, trơ lì má phanh, thậm chí sôi cả dầu phanh làm cho hệ thống phanh vô tác dụng đột ngột không báo trước gây ra tai nạn nghiêm trọng.

Về nguyên lý, lý thuyết và kỹ thuật hầu hết các tài xế đều biết và hiểu nhưng khi cầm vô lăng điều khiển, tâm lý thường chịu tác động khách quan lẫn chủ quan kích thích nên bỏ qua mọi yêu cầu phải tuân thủ đảm bảo an toàn, do đó mà thường xuyên trên những cung đường đất nước, tai nạn nghiêm trọng trên đường đèo dốc vẫn xảy ra cho các loại ôtô, xe tải…

Hoàng Châu
.
.
.