Tai nạn đường thủy rình rập tại các gầm cầu

Thứ Bảy, 17/10/2009, 18:43
Vừa qua, tại Hà Nội, một nghiên cứu cho thấy, tai nạn giao thông đường thủy (TNGTĐT) có thể xảy ra bất cứ lúc nào, khi đi qua một số cây cầu như cầu Long Biên, Cầu Chương Dương, Cầu Đuống... Bởi đây là những cây cầu có khoảng tĩnh không thấp. Về mùa lũ phương tiện tàu thuyền rất khó qua lại, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.

Hiện nay, hệ thống cầu trên địa bàn Hà Nội nằm rải rác trên 4 tuyến sông do Trung ương quản lý và 4 tuyến sông do địa phương quản lý với chiều dài 120km. Tuy nhiên, chỉ tính riêng sông Hồng và sông Đuống (có chiều dài 60km) thì đã có 6 cầu vượt sông và 2 cầu đang xây dựng, ngoài ra còn có tới 61 kè, 5 cảng lớn và 84 bến thủy nội địa.

Điều này cho thấy, sự phát triển không ngừng của giao thông đường thủy TP Hà Nội trong thời gian qua. Thế nhưng, đối lập với sự phát triển về phương tiện, các bến bãi đường thủy thì hệ thống cơ sở hạ tầng vẫn chưa theo kịp.

Phương tiện thủy qua cầu Long Biên vào mùa mưa lũ nếu không cẩn thận sẽ dễ gặp nạn.

Qua phân tích các vụ TNGT đường thủy xảy ra tại địa bàn Hà Nội từ những năm trước cho thấy, các vụ TNGT xảy ra tại khu vực cầu vượt sông chiếm tới 80%. Thời gian chủ yếu xảy ra vào mùa bão lũ, từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm.

Nguyên nhân chủ quan cũng có, nhưng nguyên nhân khách quan tác động trực tiếp đến quá trình gây ra TNGT là các khoang thông thuyền có khoảng tĩnh không thấp, khẩu độ nhỏ thường chỉ khoảng 100m. Về mùa lũ nước chảy xiết, sức máy không thắng nổi sức nước, phương tiện qua lại một số cầu rất dễ xảy ra TNGT nhất là cầu Đuống và cầu Long Biên.

Xuất phát từ tình hình thực tiễn đó, ngành GTVT đã có phương án bố trí lực lượng và phương tiện điều tiết sự đi lại ở các cầu vượt sông. Trong phương án khống chế điều tiết hàng năm trên các tuyến sông ở Hà Nội được các cơ quan chức năng đưa ra, đó là: Ngoài quy định biển hiệu chỉ dẫn thì việc cấm luồng, chỉnh trị luồng… phải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người tham gia giao thông biết khi điều khiển các phương tiện qua các cầu vượt sông. Đồng thời, quy định điểm tập kết phương tiện cách vị trí các cầu phải từ 2 km trở lên để khi có sự cố, việc xử lý tình huống được dễ dàng hơn...

Thế nhưng theo Thiếu tướng Nguyễn Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục CSGT đường thuỷ, thì để duy trì kết quả và làm tốt công tác phối hợp điều tiết, khống chế nhằm làm giảm thiểu TNGT, các đơn vị quản lý đường sông cần nghiên cứu đầu tư các loại phương tiện hiện đại hơn sao cho vừa có tính năng điều tiết, vừa có tính năng cứu hộ, cứu nạn để thay thế các phương tiện cũ, ít công dụng hiện nay, nếu không giải pháp trên chỉ mang tính nhất thời.

Sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự ATGT đường thuỷ nội địa

Nhằm đảm bảo giữ gìn ATGT đường thủy, Sở GTVT vừa được UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ từ nay đến cuối năm phải chủ trì, phối hợp với Công an TP, UBND các quận, huyện kiểm tra việc cấp phép mở bến, kiểm tra việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông thủy. Kiên quyết không cấp phép mở bến không đủ điều kiện theo quy định, đình chỉ các phương tiện thủy nội địa không đăng ký, đăng kiểm và không đảm bảo an toàn kỹ thuật theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, phải kiên quyết đình chỉ hoạt động các cơ sở lắp ráp, tự chế tạo các loại phương tiện giao thông thủy trái phép theo Nghị định 32/CP của Chính phủ. Chủ động phối hợp với Sở Xây dựng, Công an TP, lực lượng của Bộ GTVT, Bộ Công an để xử lý các vi phạm về công trình bến bãi, phương tiện để đảm bảo ATGT đường thủy nội địa. Đồng thời, tập trung rà soát việc cấp giấy phép khai thác tài nguyên, khoáng sản để chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm nhằm đảm bảo an toàn cho đê, kè, luồng, lạch…

PV

T.Huyền
.
.
.