Tái diễn tình trạng dùng côn đồ, cò mồi tranh giành khách trên QL5

Thứ Sáu, 15/08/2014, 10:24
Tuyến vận tải Hải Phòng - Hà Nội hiện có 16 doanh nghiệp đang khại thác với trên 200 phương tiện đang hoạt động. Từ tháng 6/2013 đến nay, tần suất phương tiện vận tải hành khách tuyến cố định Hải Phòng - Hà Nội đã được điều chỉnh còn 374 chuyến xe/ngày (giảm 6 chuyến so với thời điểm trước đó). Sản lượng vận tải hành khách xuất phát tại bến xe bình quân đạt trên 7.000 hành khách/ngày, tương ứng với hệ số sử dụng ghế xe thấp, chỉ đạt khoảng 42%, chưa khai thác hết công suất năng lực phương tiện của các đơn vị, nhất là vào ngày thường. Điều này dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tình hình TTATGT, ANTT trên tuyến.

Sau một thời gian tạm lắng, thời gian gần đây, tình hình vi phạm quy định trên tuyến vận tải hành khách Hải Phòng - Hà Nội gây mất ANTT có biểu hiện tái diễn, phức tạp và tinh vi hơn. Một số doanh doanh nghiệp sử dụng các đối tượng cò mồi côn đồ chèo kéo khách, đe dọa đánh đập lái, phụ xe các doanh nghiệp khác; bắt chặn, dừng xe nhằm mục đích tranh giành khách trên đường; chèn ép giờ, lốt, dừng, đỗ ngay trước cửa các bến xe sau khi xe đã xuất bến, gây lộn xộn tại các bến xe như Tam Bạc, Lương Yên.

Xe ôtô vận tải hành khách tuyến cố định Hải Phòng - Hà Nội.

Doanh nghiệp vẫn để phương tiện vi phạm quy định thực hiện chất lượng dịch vụ, cố tình niêm yết sai nội dung bến đi, bến đến, chạy sai hành trình, gây lộn xộn, mất ANTT, ảnh hưởng đến các bến xe khác như tại Bến xe Cầu Rào. Có tình trạng buông lỏng, thiếu quản lý, giám sát lái xe, phụ xe tại một số doanh nghiệp. Bộ phận giám sát thuộc Sở GTVT đã phát hiện có hiện tượng thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên các phương tiện bị ngắt hoạt động một cách có chủ ý, làm cho dữ liệu truyền dẫn bị ngắt quãng mang tính chất chu kỳ, gây khó khăn cho cơ quan quản lý tuyến theo dõi hoạt động của phương tiện. Ngoài ra, trên tuyến vận tải hành khách Hải Phòng - Hà Nội và ngược lại đã xuất hiện tình trạng xe dù lợi dụng hình thức xe chở khách theo hợp đồng.

Hằng ngày, từ 3-5h sáng, trên địa bàn các huyện: Thủy Nguyên, An Lão, Tiên Lãng, An Dương, TP Hải Phòng xuất hiện khoảng 20 xe khách loại 16 ghế ngồi lợi dụng hình thức vận tải khách theo hợp đồng nhưng hoạt động chạy dù tuyến cố định, vận chuyển hành khách đi sâu vào khu vực nội thành Hà Nội.

Từ năm 2013 đến nay, Sở GTVT Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm tại các bến xe khách thuộc địa bàn Hà Nội và tuyến QL5. Cụ thể, lực lượng thanh tra đã xử lý 70 trường hợp xe vi phạm, phạt tiền 80.400.000 đồng. Các lỗi chủ yếu gồm: hoạt động không đúng hành trình theo quy định; mở cửa khi xe đang chạy; dừng, đỗ sai quy định… Các đơn vị vận tải có vi phạm nhiều là: Công ty CPVT&TM Anh Huy, Công ty CPXK Thanh Long, Công ty TNHH Đoàn Xuân…

Trong năm 2013, Sở GTVT Hải Phòng đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với 4 phương tiện, gồm: xe ôtô BKS 16L-6245 (Công ty CP VT&DVMT Công Lý) do không trích xuất được dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, 2 xe ôtô BKS 53S-5326 và 53S-7583 (Công ty TNHH Thương mại Đoàn Xuân) do hoạt động không đúng hành trình chạy xe, xe ô tô BKS 16L-4186 (Công ty cổ phần Xe khách Thanh Long) do hoạt động không đúng hành trình chạy xe. Ngoài ra, Sở GTVT Hải Phòng ra thông báo xử lý vi phạm 19 phương tiện thuộc các đơn vị: Công ty CPXK Thanh Long, Công ty TNHH Hoàng Ngân, Công ty CP Ôtô khách Hải Phòng,  Công ty TNHH Đoàn Xuân với các lỗi vi phạm như: dừng, đỗ sai quy định trước cửa bến xe; chạy sai hành trình; vi phạm tốc độ vượt quá 20% số lượt xe hoạt động; thiết bị giám sát hành trình không đảm bảo việc truyền dẫn dữ liệu theo đúng quy định. Có văn bản cảnh cáo, chấn chỉnh 5 đơn vị vận tải khác có 33 phương tiện vi phạm tốc độ chạy xe, tuy nhiên chưa đến mức phải đình chỉ hoạt động. Đồng thời, ngày 23-5-2013, Cục CSĐT tội phạm về TTXH, Bộ Công an có văn bản gửi Sở GTVT các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng đề nghị phối hợp tăng cường công tác phòng ngừa tội phạm hình sự hoạt động trên tuyến QL5 Hà Nội - Hải Phòng, tạm thời dừng việc chấp thuận cho các phương tiện đăng ký mới, bổ sung trên các tuyến vận tải hành khách Hà Nội - Hải Phòng và ngược lại.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do một số đơn vị vận tải, nhất là đơn vị không quản lý tập trung; buông lỏng quản lý, điều hành hoạt động, khoán trắng, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra các vi phạm trong quá trình hoạt động, gây ảnh hưởng đến ANTT, tạo dư luận xấu. Công tác quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát hoạt động của phương tiện tại một số bến xe chưa nghiêm túc, chưa kiên quyết xử lý vi phạm. Lực lượng Thanh giao thông chưa chủ động xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm, chưa phối hợp với các lực lượng như: Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Công an các địa phương tổ chức tuần tra, kiểm soát liên ngành trên tuyến. Ngoài ra, do tuyến vận tải hành khách Hải Phòng - Hà Nội đi qua 4 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng là tuyến có mật độ và tần suất phương tiện vận tải hoạt động rất lớn, hệ số có khách của các phương tiện hoạt động còn thấp, tính cạnh tranh rất quyết liệt nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về ANTT.

Để lập lại trật tự TTATGT, ANTT trến tuyến vận tải hành khách Hải Phòng - Hà Nội, một số doanh nghiệp và các cơ quan chức năng kiến nghị cần sớm thu hồi tuyến đối với những doanh nghiệp vi phạm, xử lý nghiêm đối với những lái xe cố tình chạy chậm gần bến xe để đón khách. Lực lượng Công an đấu tranh ngăn chặn tình trạng “đầu gấu” dọa nạt, hành hung lái, phụ xe. Đồng thời, khẩn trương tổ chức khảo sát, quy hoạch và xác định các điểm dừng đón trả khách trên địa bàn 2 thành phố Hà Nội và Hải Phòng để tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách đón xe. Đây cũng là cơ sở để cơ quan chức năng xem xét việc xử lý vi phạm của phương tiện về dừng, đỗ trong quá trình hoạt động. Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan chức năng, địa phương thì các bến xe, doanh nghiệp cũng cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật

Đăng Hùng
.
.
.