Tái diễn nạn “vàng tặc” ở Tam Lãnh

Thứ Bảy, 18/08/2018, 10:59
Sau thời gian ngưng hoạt động, giờ đây, vàng tặc lại ngang nhiên đem máy móc vào khu vực đồi núi thôn Đàn Thượng, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, khai thác vàng trái phép. Sự việc diễn ra rầm rộ nhưng chính quyền địa phương vẫn không hay biết gì.


Che mắt tinh vi để khai thác

Sáng 15-8, men theo con đường mòn chúng tôi tìm vào Núi Gò Gai (thôn Đàn Thượng) để tìm hiểu về vấn nạn khai thác vàng trái phép tại khu vực này. Bao bọc bên ngoài khu vực núi Gò Gai là dòng sông Quế Phương xanh, bốc mùi xyanua. Tiến vào sát con đường mòn lên núi, lần theo dấu bánh xe tải còn in hằn, chúng tôi tiến sâu vào trong gần 1km.

Từ con đường mòn này nhìn vào, rất khó để nhận biết khu vực này người dân khai thác vàng trái phép bởi bao bọc xung quanh là một khu trồng cây ăn quả và vườn keo lá tràm xanh tươi. Tuy nhiên, giữa vườn cây này là một lán trại với những đống đất, quặng rất mới, được che bạt rất kỹ lưỡng. Tại lán trại này có 2 hồ chứa xái, mỗi hồ rộng gần hơn 10m2, nước vẫn còn được đưa vào hồ. 

Điểm khai thác vàng trái phép tại núi Gò Gai, Tam Lãnh.

Khu lều nấu ăn nồi niêu vẫn còn trên bếp, thức ăn vẫn còn để sẵn, đồ dùng sinh hoạt vẫn còn nguyên. Ngoài lán, nhiều bao vôi chất đống, ngổn ngang các vật dụng khác phục vụ cho việc khai thác vàng. Con đường vào lán trại lầy lội sau cơn mưa, dấu bánh xe tải chở quặng, đất vào vẫn còn rất mới. Chứng tỏ hoạt động khai thác vàng vẫn vừa mới diễn ra và phục vụ cho việc hoạt động lâu dài.

Rời khu vực lán trại này, lần theo tiếng máy nổ, chúng tôi tiến vào sâu khu vực núi. Cách lán trại đầu chưa đến 400 mét, chúng tôi tiếp tục phát hiện một “công trường” khai thác vàng nham nhở, được che giấu tinh vi khi nằm lọt thỏm, xen lẫn cùng lán trại chăn nuôi heo của ông Huỳnh Thanh Dũng (trú thôn Đàn Thượng) rất khó nhận biết.

Tại đây, có rất nhiều thanh niên xăm trổ tập trung khu vực này đang nghỉ trưa trong các lán trại. Ngay từ đường đi vào, phía trước nhà ông Dũng, các đối tượng ngang nhiên đào một hồ nước sâu 1m, rộng 10m và dùng một chiếc máy bơm có công suất lớn hút đất lên máng lọc vàng sa khoáng. 

Tiếp tục đi vòng ra sau khu trang trại của ông Dũng, một “công trường” khai thác vàng trái phép với diện tích gần 1000m2 được đào xới nham nhở. Nhiều hồ hóa chất vừa mới được xây dựng, nhiều máy móc vẫn còn ở hiện trường, có dấu hiệu vừa sử dụng xong, vẫn còn hơi nóng. Nhiều miệng hầm sâu vẫn còn hoạt động.

Ngay trong khu vực này, một láng trại được dựng lên, lúc này có hai đối tượng vẫn đang ăn cơm và sinh hoạt tại đây. Tìm cách tiếp cận, hai người này cho biết họ là công nhân làm thuê tại bãi vàng này. Vừa mới vào đây. Và không biết bãi vàng này hoạt động từ bao giờ.

Bà Nguyễn Thị C (60 tuổi, trú thôn 3, xã Tiên Lập, huyện Tiên Phước) cho biết, hơn 3 tháng trở lại đây, mỗi ngày có khoảng từ 3 đến 5 chiếc xe chở đất, quặng vào khu vực rừng thôn Đàn Thượng, đi ngang qua khu vực này nhưng bà không biết để làm gì. “Trước đây còn thấy chính quyền đi kiểm tra khu vực này nhưng thời gian này thì thấy ít đi kiểm tra” – bà C chia sẻ.

Ngoài làm vàng, lọc vàng trong khu vực rừng thôn Đàn Thượng, hiện nay, một số đối tượng còn ngang nhiên đổ xái phế thải trong khu dân cư, ngay sát đường đi gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Ông Phan Như Phi - Bí thư, kiêm Thôn trưởng thôn Đàn Thượng cho biết, trước đây, một số đối tượng lén lút ban đêm đổ từng bao xái phế thải xuống đường. 

Thời gian gần đây, họ đổ nguyên cả hàng khối xái thải xuống ngay sát đường khu dân cư. “Đổ như thế này thì rất độc hại, ảnh hưởng đến hơn 20 hộ dân trong thôn. Nhất là khu vực này sát sông, đổ xuống sông sẽ rất nguy hiểm. Do các đối tượng chở, đổ vào ban đêm nên việc bắt quả tang rất khó” – ông Phi chia sẻ.

Cần giải pháp xử lý triệt để nạn “vàng tặc”

Trung tá Văn Công Đoàn – Trưởng Đồn Công an Tam Lãnh, Công an huyện Phú Ninh cho biết, khu vực này thuộc quản lí của UBND xã Tam Lãnh nhưng Đồn vẫn thường xuyên phối hợp kiểm tra, đẩy đuổi. Phân công cán bộ nắm từng khu vực. 

Khi phát hiện đẩy đuổi ngay. Lán khai thác vàng tại trại heo ông Dũng là của ông Lê Thanh Danh (trú thôn Đàn Thượng). Ngày 3-8 vừa qua, Đồn vừa mới kiểm tra, phá hủy máy móc, đốt dụng cụ khai thác vàng trái phép tại khu vực này.

“Tam Lãnh là địa bàn có khoáng sản rộng, hiểm trở, đi lại khó khăn, nhiều điểm làm sâu bên trong hầm lò nên không thể vào xử lý được. Nhiều khu vực đã xử lý nhưng vẫn tái diễn. Hơn nữa, người dân địa phương đã gắn bó với nghề này lâu dài, thu nhập thấp nên vẫn đi theo nghề này để kiếm thêm thu nhập. Bây giờ chỉ có đưa xe múc vào cào xới, san lấp thì mới hi vọng không tái phát hoạt động” – Trung tá Đoàn nói.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cho biết địa bàn Tam Lãnh có khoảng 4000ha đất có vàng, riêng thôn Đàn Thượng có gần 800ha. Trong khi đó, lực lượng chức năng tại chỗ quá mỏng, cứ đẩy đuổi chỗ này thì họ lại chạy chỗ kia. 

Hơn nữa, mỗi đợt truy quét phải điều rất nhiều Công an thực hiện với kinh phí rất cao, chính quyền xã Tam Lãnh không thể thực hiện truy quét thường xuyên được. “Sau khi báo chí thông tin về việc xã sẽ tổ chức lực lượng truy quét nhằm sớm lập lại trật tự trên địa bàn xã Tam Lãnh. 

Riêng đối với việc đổ quặng xái trong địa bàn dân cư, thời gian vừa qua xã đã vận động người dân giao nộp, thu hồi hơn 110 khối quặng thải chở vào đập thải Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu để xử lý môi trường” - ông Vinh nói.

Chuyện khai thác vàng trái phép tại khu vực xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đã diễn ra trong nhiều năm nay, các cấp chính quyền cũng đã thực hiện truy quét, đẩy đuổi nhiều lần nhưng dường như chỉ là giải pháp trước mắt còn về lâu về dài chính quyền ở đây vẫn chưa có giải pháp triệt để giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Hà Vy
.
.
.