Tái diễn cảnh thiếu điện, thiếu nước là có lỗi với nhân dân
Tại buổi kiểm tra tình hình cung cấp điện, nước phục vụ nhân dân trong mùa hè (ngày 6/6) tại Trung tâm điều độ thông tin của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội; sản xuất nước tại nhà máy nước Yên Phụ và trực tiếp xem xét tại chỗ kết quả xét nghiệm chất lượng nước của dự án nâng cấp cải tạo mạng lưới cấp nước khu vực quận Đống Đa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, thời gian tới, các đơn vị cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, kêu gọi mọi người dân trên địa bàn thành phố nâng cao ý thức tiết kiệm điện, nước…
Cùng với tuyên truyền, cần tăng giá nước theo lộ trình phù hợp. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định, việc tăng giá nước không phải để “tăng thu cho ngân sách thành phố”, mà để “có nguồn lực đầu tư các dự án nước sạch khác” nhằm mở rộng phạm vi phục vụ, có thêm nhiều người dân trên địa bàn thành phố được dùng nước sạch so với hiện nay.
“Trong bối cảnh dân số Thủ đô tăng nhanh, nhu cầu ngày càng lớn sẽ tỷ lệ thuận với khối lượng, trách nhiệm ngành điện, ngành nước. Thời kỳ bao cấp, chúng ta đã phải khổ thế nào khi thiếu điện, thiếu nước. Bây giờ đang hiện đại hóa, hội nhập rồi mà còn để tái diễn hình ảnh đó thì sẽ rất có lỗi với dân”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội kiểm tra việc cung cấp nước sạch tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa. Ảnh: Tú Anh. |
Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, kêu gọi các nguồn lực xã hội đầu tư vào điện, nước để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân. Các đơn vị thi công, chủ đầu tư các dự án cung cấp nước sạch đang triển khai trên địa bàn Thủ đô cần đẩy nhanh tiến độ nhằm sớm đưa dự án vào hoạt động, góp phần giảm tải “áp lực” về nước sạch trên địa bàn Hà Nội vào mùa hè.
Tham gia buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, giá nước sạch sẽ tăng theo lộ trình đề ra để cuối năm 2015, ngân sách không phải bù lỗ cho ngành nước nữa. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, dự kiến, trong năm 2015 sẽ khởi công dự án xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng. Tiếp đến là nhà máy nước mặt sông Đuống. Trên cơ sở đó, đến năm 2020, trên địa bàn Thủ đô sẽ đảm bảo nguồn nước sạch cung cấp tăng thêm 600 nghìn m³/ngày-đêm.
Theo báo cáo của Công ty Nước sạch Hà Nội, hiện tại, nguồn nước ngầm của Công ty khai thác chỉ đạt 585-620 nghìn m³/ngày-đêm. Do vậy, lượng nước thiếu hụt so với nhu cầu thực tế 40-60 nghìn m³/ngày-đêm. Dự báo, trong những ngày nắng nóng hoặc sự cố mất điện, sẽ có khoảng 60 điểm xảy ra thiếu nước cục bộ trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, từ ngày 4/5 đến 13/5, do thời tiết nắng nóng, các sự cố về điện, giếng phát sinh một số khu vực mất nước cục bộ trên địa bàn các quận nhưng đã được khắc phục kịp thời, gồm: quận Ba Đình 7 điểm, Hoàn Kiếm 2 điểm, Hai Bà Trưng 8 điểm, Hoàng Mai 9 điểm, Cầu Giấy 3 điểm. Từ ngày 13/5 đến nay, do liên tục có những đợt nắng nóng kéo dài xảy ra nên nhu cầu sử dụng nước của nhân dân tăng cao, dẫn đến một số khu vực bị mất nước cục bộ trên địa bàn một số quận.
Công ty Nước sạch Hà Nội đã phải đấu tăng cường nguồn nước mặt sông Đà cho nhà máy nước Mai Dịch; đấu tăng cường nguồn cho các khu vực khó khăn nước tại quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng; vận hành mạng điều tiết hợp lý, phân khu cấp nước, cấp nước theo giờ, một số khu vực phải cấp nước xe téc…