Tái chế phế liệu gây ô nhiễm môi trường

Thứ Tư, 03/03/2010, 20:46
Từ năm 1980, làng Phù Lưu, xã Bắc Hà (nay là phường Tràng Minh, quận Kiến An, Hải Phòng) đã hình thành các hoạt động thu gom, mua bán phế thải như: bao dứa, thùng phuy, nhựa, đồ đồng nát... Khi cơ chế thị trường, hoạt động thu gom, mua bán phế liệu có quy mô lớn hơn. Tuy kinh tế hộ gia đình được cải thiện nhưng môi trường ngày càng ô nhiễm trầm trọng.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Trần Ngọc Hưởng, Tổ trưởng Tổ dân phố Vinh Quang 2 cho biết: "Nhiều cơ sở thu gom, tái chế phế liệu ngang nhiên xả nước thải, vứt phế liệu thậm chí axít, chì ắc quy hỏng cũng được đổ xuống mương. Nhưng do họ đổ trộm vào ban đêm nên địa phương khó kiểm soát được. Những người buôn bán phế liệu từ nơi khác đến thì trực tiếp đổ xuống đất hoặc đổ xuống cống thoát nước. Cống thoát nước không có nơi xử lý hoặc đầu thoát nên sau mỗi trận mưa to, nguồn nước trở nên đen đặc tràn lên đường". Do nhận thức kém, một số người dân đã đổ rác và thải nước sinh hoạt xuống sông Đa Độ - nguồn cung cấp nước sạch của thành phố.

Theo quan sát của chúng tôi tại khu Kiến Thiết 1, 2, khu dân cư số 4, những ống khói nhả khói đen đặc bay lơ lửng trên đầu, bám vào áo có mùi hăng hắc, khét rất khó chịu. Chính quyền địa phương đã và nhắc nhở và bắt được 26 vụ đốt dây đồng. Tình trạng người lao động bị ngất khi đang làm trong xưởng cũng hay xảy ra. 

Nguồn nước và không khí bị ô nhiễm là một trong những  nguyên nhân dẫn đến số lượng người mắc và chết do ung thư ngày càng tăng. Bên cạnh đó, số người lớn và trẻ em mắc các bệnh về hô hấp cũng tăng lên. Hầu hết bệnh nhân đều trong độ tuổi thanh niên và trung niên.

Trao đổi với PV, ông Bùi Lâm Hiển, Chủ tịch UBND phường Tràng Minh cho biết: "Hiện vẫn chưa có kết luận của các cơ quan chức năng về vấn đề môi trường tại phường Tràng Minh. Do đó, các hoạt động của các hộ tái chế, kinh doanh phế liệu vẫn diễn ra bình thường".

Nguyện vọng của người dân phường Tràng Minh là di chuyển gần 300 hộ kinh doanh phế liệu tập trung tại khu vực xa khu dân cư. Mặc dù địa phương đã xây dựng nhà tái chế phế liệu tập trung, nhưng nay đã bỏ hoang vì không phù hợp. Đã đến lúc các cơ quan chức năng của thành phố nên sớm có những biện pháp cụ thể, trả lại môi trường sống trong lành cho người dân ở đây

Đăng Hùng
.
.
.