Tách nước thải khỏi sông Tô Lịch: Lời giải là vốn

Thứ Sáu, 18/07/2008, 08:17

Theo ông Nguyễn Lương Ngọc, trưởng phòng Kỹ thuật công nghệ, Công ty Thoát nước Hà Nội, khi đưa nước sông Hồng vào sông Tô Lịch sẽ làm dâng hạ lưu, phải cải tạo lại cả một hệ thống thoát nước khu vực phía Tây Bắc. Về kỹ thuật, chúng ta hoàn toàn có thể làm được, chỉ lo về vấn đề kinh tế.
>> Ý tưởng nối sông Tô Lịch với sông Hồng của một chiến sĩ an ninh

"Nước sông Tô vừa trong vừa mát" đã là quá khứ xa vời, song vẫn có người mơ ước một ngày nào đó, sông Tô Lịch trở lại như xưa. Người ta lý luận rằng trong thực tế con người đã làm được những việc dời non, lấp biển, tại sao Thủ đô Hà Nội, một trung tâm kinh tế, văn hóa lớn lại không khôi phục được con sông vốn là long mạch của đất Kinh kỳ.

Chúng tôi đã trao đổi với nhà văn hóa, chuyên gia về môi trường, thoát nước để biết quan điểm của họ.

Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: Sông nội thành khi xưa tấp nập thuyền bè

Khi chúng tôi hỏi về việc sông Tô Lịch có trở lại như xưa, nhà Hà Nội học bảo rằng ông chưa từng nghĩ đến điều này. Sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu trong ký ức của ông là những con sông thuyền bè tấp nập qua lại. Những người bạn cùng tuổi ông sống ở ven những con sông này khi xưa vẫn tắm, vẫn bắt cá, ốc lên ăn. Thuyền bè vẫn từ miền Nam ra theo sông Đáy đi vào sông Tô Lịch cập bến mạn Thụy Khuê trao đổi hàng hóa. Khi xưa, người dân mạn Thường Tín theo sông Sét lên Hà Nội xuống Hà Nam… Tiếc rằng, những con sông đóng vai trò giao thông đường thủy nối vùng nội đô Hà Nội với các tỉnh lân cận nay không còn nữa!

Ông cũng mơ đến một ngày nào đó, đi trên sông Tô Lịch được nghe những câu ca về nó như: "Sông Tô nước chảy trong ngần. Con thuyền buồm trắng chạy gần chạy xa"…

Với tư cách là một nhà nghiên cứu, ông cho rằng, bài toán cải tạo các con sông trên theo hướng nào dành cho các nhà quy hoạch, các nhà lãnh đạo thành phố.

Phó Giáo sư Nguyễn Thế Thôn (nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật Môi trường, Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học): Quy hoạch môi trường phù hợp với trình độ phát triển nhất định.

Phó Giáo sư Nguyễn Thế Thôn năm nay ngoài 70 tuổi nhưng ông luôn bận rộn với công việc giảng dạy ở các trường đại học: Khoa học tự nhiên; Lâm Nghiệp; Thăng Long; Đà Lạt; Huế… Là một trong những chuyên gia về quy hoạch môi trường, ông có nhiều công trình khoa học đóng góp cho công tác này. Điển hình phải kể đến cuốn "Quy hoạch môi trường phát triển bền vững".

Trao đổi với ông về ảnh hưởng của các con sông nội thành Hà Nội đang bị ô nhiễm nặng đến môi trường, sức khỏe, ông viện dẫn cho chúng tôi biết thực trạng ô nhiễm nước ngầm ở thành phố. Ô nhiễm nước mặt ở các con sông này vốn ở mức báo động nhưng ô nhiễm nước ngầm còn đáng sợ hơn.

Giải pháp nào khắc phục tình trạng trên?

Hà Nội từng định đưa nước sông Cầu về sử dụng nhưng biện pháp này không khả thi khi con sông này đang bị ô nhiễm trầm trọng do nước thải từ sản xuất công nghiệp nơi nó chạy qua.

Hà Nội đang tiến hành lấy nước sông Đà, theo ông là biện pháp khá tốt. Ngoài ra, ông nêu giải pháp kè, lót đáy 4 con sông nội thành để giảm sự thẩm thấu. Đồng thời, xây dựng các trạm xử lý nước thải tại các khu dân cư, trên từng khúc sông để xử lý ô nhiễm.

Nói về việc có thể tái tạo dòng Tô Lịch như xưa, ông cho rằng rất khó để phục hồi nguyên bản. Tuy nhiên, vẫn có thể làm sạch dòng chảy sông Tô bằng công nghệ môi trường như cách ông nêu ở trên.

Ông Nguyễn Lương Ngọc (Trưởng phòng Kỹ thuật Công nghệ, Công ty Thoát nước Hà Nội): Tách nước thải ra khỏi sông Tô Lịch, bài toán có lời giải nhưng cần vốn.

Cả 4 con sông nội thành Hà Nội hiện đang thực hiện chức năng thoát nước thải. Các con sông này đều gom nước thải ra từ các khu dân cư rồi đổ vào sông Tô Lịch đoạn cuốn nguồn rồi chảy ra Trạm bơm Yên Sở và đập Thanh Liệt, theo sông Nhuệ, sông Đáy ra biển. Bởi thế, trong Dự án thoát nước giai đoạn I chú trọng đến việc cải tạo lưu vực sông Tô Lịch. Đó là việc: Nạo vét, cải tạo, mở rộng mặt cắt của 4 sông; xây dựng cụm công trình đầu mối Yên Sở; cải tạo 4 hồ, hệ thống cống nội thành; 10 điểm co thắt trên các mương...

Muốn để con sông này trở về nguyên sơ, ông Ngọc cho rằng cần tách nước thải sinh hoạt ra khỏi con sông Tô Lịch. Nếu vậy, Hà Nội sẽ phải làm một hệ thống cống bao để tách nước, gom về xử lý ở các trạm xử lý nước thải. Khi đã tách được nước thải sinh hoạt ra khỏi sông Tô Lịch, con sông này sẽ rơi vào tình trạng cạn. Vì vậy, giải pháp tiếp theo là dẫn nước sông Hồng về sông Tô Lịch vào mùa cạn là phương án hợp lý.

Tuy nhiên, để làm được điều đó thì chúng ta phải có số vốn lớn để thực hiện cũng như duy tu sau khi đã hoàn thành (vì nếu dẫn nước sông Hồng vào thành công thì sẽ có một lượng lớn phù sa bồi lắng). Chúng ta không phải lo đến sự ảnh hưởng của nước sông Hồng đối với an toàn cho dân cư vì sẽ dẫn nước thông qua các đập thuỷ lợi, hệ thống điều tiết... Chỉ có điều, khi đưa nước sông Hồng vào sông Tô Lịch sẽ làm dâng hạ lưu, phải cải tạo lại cả một hệ thống thoát nước khu vực phía Tây Bắc. Về kỹ thuật, chúng ta hoàn toàn có thể làm được, chỉ lo về vấn đề kinh tế.

Hiện trong quyết định Phê huyệt Dự án thoát nước giai đoạn II, thành phố đã giao cho Ban Quản lý dự án công trình giao thông công chính (nay là Ban quản lý dự án thoát nước thuộc Sở Xây dựng Hà Nội) triển khai lập báo cáo Dự án xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn cho khu vực trung tâm nội thành Hà Nội như một dự án độc lập. Đây là tín hiệu đáng mừng để nước sông Tô Lịch trong tương lai bớt ô nhiễm

C.Hồng - V.Hà (Thực hiện)
.
.
.