TPHCM: Nguồn nước sạch thiếu trầm trọng

Thứ Năm, 12/02/2009, 08:20
Nhu cầu sử dụng nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn thành phố hiện đã ở mức xấp xỉ 2 triệu m3/ngày đêm và dự kiến đến năm 2010, nhu cầu này sẽ tăng lên 2,2 triệu m3. Trong lúc việc sản xuất, cung cấp nguồn nước chỉ đáp ứng được khoảng 1,2 triệu m3, số còn lại hiện đang phải sử dụng từ nguồn khai thác nước ngầm.

Để hạn chế việc khai thác tài nguyên nước ngầm, tháng 5/2007 Sở TNMT đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành quy định quản lý, cấp phép khai thác nước ngầm. Trong đó hạn chế cấp phép khai thác đối với 13 khu vực đã có mực nước ngầm tụt xuống độ sâu 40m.

Đối với việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước ngầm của doanh nghiệp trong các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX - KCN), từ cách đây 2 năm, Sở TNMT cũng đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp phải có trách nhiệm cung cấp đủ nước từ nguồn nước mặt cho các cơ sở sản xuất của mình; các cơ sở trong KCX - KCN đang khai thác nước ngầm để phục vụ sản xuất đến mốc thời gian này cũng phải thay đổi nguồn nước sử dụng.

Sau thời gian này, sở chủ quản sẽ không cấp phép khai thác nước ngầm trong KCX - KCN. Nhưng do nguồn cung cấp nước sạch không đủ và những lý do khác, trong số 38 giấy phép khai thác nước ngầm đã được cấp cho doanh nghiệp trong KCX - KCN trước năm 2007 thì trong năm 2007 sở TNMT vẫn phải cấp mới 1 giấy phép và gia hạn cho 12 giấy phép; năm 2008 tiếp tục gia hạn cho 9 giấy phép khai thác nước ngầm.

Với gần 100.000 giếng khoan lấy nước sinh hoạt của các hộ dân cũng vậy, do chưa có đường ống cung cấp nước sạch hoặc áp lực nước yếu, người dân hàng ngày vẫn phải hút một lượng nước ngầm khổng lồ lên để sử dụng.

Trước tình hình trên, nhằm quản lý và cung cấp nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn, nhất là đối với nguồn tài nguyên nước ngầm, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở TNMT cùng các Sở Y tế, Sở NN và PTNT tiến hành tổng kiểm tra tình hình khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm và cung cấp nguồn nước mặt trên địa bàn.  

Đối với 13 khu vực hạn chế khai thác nước ngầm theo quy định của UBND thành phố, sau 1,5 năm triển khai, đến nay báo cáo của Sở TNMT cho thấy: Quận 5 hiện còn 30 hộ gia đình và 47 đơn vị đang khai thác nước ngầm để phục vụ sinh hoạt và sản xuất; quận 6 hiện còn 693 tổ chức, cá nhân đang khai thác. Một số quận huyện chưa thể tiến hành điều tra, khảo sát và nhiều giếng khoan ở những vị trí đất mặt bị sụt lún gây trồi ống hiện cũng chưa được trám lấp do thiếu kinh phí. Quận Tân Phú đã tiến hành điều tra thực trạng khai thác nước ngầm trên địa bàn, nhưng để hạn chế khai thác nước ngầm thì đề nghị của quận đưa ra là phải tăng mạng cấp nước...

Theo Sở TNMT, kết quả điều tra, khảo sát sơ bộ tình hình khai thác sử dụng nước ngầm mới đây còn cho thấy: Số lượng giếng khoan khai thác nước ngầm tại thành phố tiếp tục tăng thêm. Chỉ riêng trên địa bàn 3 quận huyện là Gò Vấp, Củ Chi và Bình Chánh đã có 99.675 hộ dân khai thác. Cộng với số liệu báo cáo chưa đầy đủ của các quận, huyện khác thì còn có khoảng 220.000 hộ gia đình và 9.000 cơ sở sản xuất dịch vụ ở quy mô nhỏ khai thác nước ngầm.

Như vậy, ít nhất lưu lượng khai thác nước ngầm tại thành phố hiện đã ở mức 550 - 600 ngàn m3/ngày đêm và điều này đã cho thấy, hệ thống cung cấp nước máy ở thành phố hiện còn cách xa nhu cầu sử dụng nước một khoảng cách rất lớn.

Việc khai thác nguồn tài nguyên nước ngầm phục vụ sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn thành phố với mức độ lớn trong một thời gian dài đã khiến tầng nước ngầm ở nhiều khu vực không chỉ sụt giảm nhanh mà còn bị ô nhiễm. Lưu lượng khai thác nước ngầm lớn, nhưng ngược lại, việc thu phí sử dụng nguồn tài nguyên này không đáng kể, khoản thu phí đối với các hộ dân sử dụng nguồn nước giếng khoan hầu như còn bỏ ngỏ.

Một cán bộ của Sở TNMT phân trần: "Ngay cả ở những khu vực mực nước ngầm đã xuống thấp và có nước máy, nhưng với những tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng nước cho việc tưới cây, rửa xe… thì cơ quan quản lý vẫn phải xem xét, cấp phép bởi trong lúc nguồn nước máy không đủ sử dụng cho sinh hoạt, chẳng lẽ lại để cho người dân đưa vào sử dụng với những mục đích như vậy?". Vì vậy, tăng năng lực cung cấp nguồn nước máy để hạn chế khai thác nước ngầm là đang vấn đề đặt ra với thành phố hiện nay

Đức Thắng
.
.
.