TP Hồ Chí Minh: Tổng kiểm tra quy hoạch, sử dụng đất

Thứ Năm, 24/08/2006, 13:20

UBND TP Hồ Chí Minh vừa giao cho các Sở, ngành tiến hành tổng kiểm tra tình hình quy hoạch, sử dụng đất và công tác đền bù giải tỏa tại các dự án trên địa bàn thành phố (TP). Theo đó, các đơn vị được giao sẽ rà soát lại các khâu lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch.

Xác định các dự án giao đất nhưng không đưa vào sử dụng, tiến độ sử dụng đất chậm… để đề xuất thu hồi các dự án chủ đầu tư không có khả năng thực hiện. Giải quyết khiếu nại của người dân liên quan đến các dự án…

Vào khoảng thời điểm những năm 1999 - 2000, khi TP thực hiện "xã hội hóa" công tác quy hoạch thì đó cũng là thời điểm việc "phân lô hộ lẻ" phát triển ồ ạt. Chưa bao giờ giới "đầu nậu" làm ăn mạnh như trong thời điểm bấy giờ. Đất ở các khu vực vùng ven như: Bình Chánh, Bình Tân, Tân Bình, Thủ Đức… được giới đầu nậu săn lùng, mua sạch và "ôm" để đó chờ bán lại với giá cao.

Thực tế, việc quy hoạch trong khoảng thời điểm này đó là: Cơ sở hạ tầng không đồng bộ, nhà được xây dựng trái phép thi nhau mọc lên… Nhìn tổng thể, các khu đất được "quy hoạch" theo kiểu nham nhở, chắp vá vì mạnh ai nấy làm.

Từ năm 2002, TP ngưng chủ trương này và khắc phục hậu quả của quá trình phân lô hộ lẻ. Tuy nhiên, việc giải quyết từ đó đến nay vẫn còn nhiều bất cập vì có quá nhiều dự án sai phạm. Điển hình như dự án Khu công nghiệp Bình Hòa (phường 13, quận Bình Thạnh) đã được Chính phủ phê duyệt với diện tích đất được giao là 125ha. Trong đó, diện tích dùng để làm khu công nghiệp là 38,15ha, phần còn lại sử dụng làm khu kho cảng, khu dân cư, khu cây xanh mặt nước, hệ thống hạ tầng cơ sở…

Nhưng qua nhiều lần tự điều chỉnh, diện tích sử dụng làm khu công nghiệp từ 38,15ha cuối cùng đã "biến mất" và phần diện tích này được chủ dự án tự ý phân lô, bán nền (trái với Quyết định của Chính phủ). Tại khu "dân cư" mới này, xuất hiện hàng loạt dự án chậm triển khai và  mặt bằng quy hoạch đã bị phá nát, quyền lợi của người dân đã bị xâm hại.

Và hiện nay, người dân TP cũng đang rất bất bình về một dự án treo "kỷ lục" trong suốt gần 20 năm qua. Đó là dự án mở rộng Cảng Bến Nghé do Công ty TNHH 1 thành viên Cảng Bến Nghé (thuộc Samco) làm chủ đầu tư. Dự án được phê duyệt năm 1988, với tổng vốn đầu tư 9,8 tỷ đồng nhưng do việc đền bù, giải tỏa chậm nên kinh phí của dự án tăng lên 205,3 tỷ đồng (tăng hơn 20 lần so với tổng mức đầu tư ban đầu).

Số hộ bị giải tỏa cũng theo đó tăng lên gấp 3 lần, từ 130 hộ ban đầu nay đã ở con số 400 hộ, và kéo theo chi phí đền bù giải tỏa tăng từ 4 tỷ đồng lên 170,1 tỷ đồng.

Trong buổi làm việc Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hồ Chí Minh với chủ đầu tư dự án ngày 14/8, nhiều hộ dân trong vùng dự án "treo" cũng đã kéo đến bày tỏ những bức xúc và nguyện vọng muốn chuyển đi nơi khác vì từ bao năm nay, họ sống trong cảnh tạm bợ; hạ tầng, nhà cửa xuống cấp; môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng…

Người dân đang mong đợi một cuộc "tổng kiểm tra"

Việc TP phân cấp giao cho các quận, huyện làm quy hoạch trong thời gian qua cho thấy mỗi nơi thực hiện một kiểu, không thống nhất nên nhìn chung việc quy hoạch bộ mặt của TP còn rất nham nhở, và việc thực hiện quy hoạch chi tiết còn chậm, (hiện nay chỉ có khoảng 30% diện tích đất cần quy hoạch chi tiết được công bố).

Nhìn lại việc quy hoạch trong thời gian qua, trong hội thảo về "Thúc đẩy đầu tư vào thị trường bất động sản", Tiến sĩ Trần Du Lịch - Viện trưởng Viện Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng: "Việc phân lô xong để đó chính là việc biến đất nông nghiệp sang đóng băng. Nhà nước cần thực hiện các chính sách điều tiết bằng thuế, các loại phí phù hợp chứ không chỉ áp dụng biện pháp hành chính".

Cũng theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế để đất sử dụng có hiệu qủa, TP nên thực hiện quy hoạch chi tiết, đền bù giải tỏa, xây dựng cơ sở hạ tầng rồi đấu thầu khai thác. Nhà đầu tư chỉ được tham gia đấu thầu xây dựng các công trình dân sinh. Còn việc quy hoạch thì giao cho các quận, huyện thực hiện là hợp lý, nhưng Sở Quy hoạch - Kiến trúc nên có trách nhiệm trong tổ chức, thiết kế, khi thực hiện xong các phần này rồi mới giao cho các quận, huyện thực thi...

Cũng để giải quyết những tồn tại trong lĩnh vực đất đai thời gian qua, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã có kế hoạch giao cho các Sở, ngành tiến hành tổng kiểm tra tình hình quy hoạch, sử dụng đất và công tác đền bù giải toả tại các dự án trên địa bàn TP.

Theo đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ rà soát lại các khâu lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, thực hiện quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch các khu dân cư và xác định rõ những khu vực quy hoạch "treo" đã công bố nhưng không khả thi.

Sở Tài nguyên - Môi trường rà soát lại tất cả các dự án đầu tư kinh doanh nhà ở, khu dân cư, khu đô thị đã được giao đất hoặc cho thuê đất và xác định dự án nào không đưa vào sử dụng đất trong thời hạn 12 tháng, dự án nào có tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng để đề xuất thu hồi đất đối với các dự án chủ đầu tư không có khả năng thực hiện.

Sở Tài chính kiểm tra rà soát lại các dự án đã có quyết định thu hồi đất nhưng trì trệ trong đền bù giải tỏa, xác định nguyên nhân để có hướng giải quyết. UBND TP cũng giao cho thanh tra TP và văn phòng tiếp công dân rà soát, tổng hợp tình hình khiếu nại liên quan đến các dự án trên địa bàn. Đây là những tồn tại từ nhiều năm nay khiến cho việc quy hoạch trên địa bàn TP bị nham nhở

Thúy Hà
.
.
.