TP Hồ Chí Minh: Tăng cường công tác phòng chống bệnh nhiễm chủng virut Corona(MERS –CoV)

Thứ Năm, 12/06/2014, 01:30
Thực hiện chỉ đạo của Cục Y tế dự phòng, Bộ y tế về việc tăng cường phòng chống bệnh nhiễm chủng vi rút mới Corona gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp(MERS-CoV), Sở y tế TP HCM vừa có văn bản gửi tới các đơn vị gồm Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế, Trung tâm Y tế dự phòng(TTYTDP) TP, Trung tâm truyền thông sức khỏe, các bệnh viện(BV) Nhi đồng 1, 2, BV Bệnh Nhiệt Đới, BV Đa khoa thành phố, và TTYTDP 24 Q/H…chỉ đạo việc tăng cường các biện pháp phòng, chống không để bệnh lan truyền vào Việt Nam.

Theo đó, Trung tâm  Kiểm dịch Y tế Quốc tế có nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ với những khách nhập cảnh tại tất cả các cửa khẩu, đặc biệt lưu ý các hành khách du lịch trở về từ các quốc gia có dịch bệnh và các quốc gia vùng Trung Đông. Sử dụng máy theo dõi thân nhiệt từ xa tại các cửa khẩu. Nếu phát hiện trường hợp có biểu hiện sốt, viêm đường hô hấp cấp không rõ nguyên nhân phải tổ chức cách ly, khám, lấy mẫu xét nghiệm, chuyển viện theo qui định.

TTYTDP TP và 24 Q/H có nhiệm vụ giám sát chặt các trường hợp có biểu hiện hoặc nghi ngờ viêm đường hô hấp cấp không rõ nguyên nhân, đặc biệt là những người gần đây có tiền sử đi du lịch hoặc trở về từ các quốc gia đang có dịch bệnh trong vòng 14 ngày để có các biện pháp khám xác định và quản lý kịp thời.

Các cơ sở điều trị thành phố và y tế Q/H cần thực hiện nghiêm túc việc phòng chống nhiễm khuẩn trong các BV, đặc biệt yêu cầu nhân viên y tế sử dụng các phương tiện bảo hộ cá nhân cần thiết khi khám, chữa bệnh để đề phòng việc lây nhiễm MERS-CoV và các bệnh truyền nhiễm khác. Đồng thời chủ động phối hợp với Viện Pasteur TPHCM về giám sát dịch bệnh, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ, có tiền sử đi về từ vùng có dịch và tiếp xúc với bệnh nhân MERS-CoV để chuyển tới Viện Pasteur TPHCM chẩn đoán, xác định.

Để chủ động trong công tác phối hợp, các cơ sở y tế cần kiểm tra, bổ sung trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc …phục vụ cho công tác giám sát , điều trị, truyền thông. Đơn vị nào thiếu cần có văn bản đề xuất Sở y tế ngay hoặc có văn bản xin kinh phí bổ sung cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Ngày 11/6 Cục y tế dự phòng cũng cho biết, hiện số trường hợp nhiễm MERS-CoV theo thông báo của Who tính đến ngày 04/6/2014, toàn thế giới ghi nhận 681 trường hợp nhiễm MERS-CoV, trong đó có 204 trường hợp tử vong. Riêng tại Ả rập Xê út, từ ngày 19/5/2014 đến ngày 2/6/2014 đã ghi nhận 44 trường hợp nhiễm MERS-CoV. Trong đó theo Who, đánh giá nguy cơ cho thấy 75% trường hợp mắc bệnh được báo cáo bị lây nhiễm thứ phát do có sự lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc gần và đã xuất hiện các chùm ca bệnh. Và phần lớn các ca lây nhiễm thứ phát này là các cán bộ y tế đang làm việc tại các cơ sở y tế bị lây bệnh khi tiếp xúc và điều trị cho bệnh nhân nhiễm MERS-CoV. Đáng chú ý là trong đó, nhiều trường hợp không có triệu chứng. Who nhận định, trong thời gian tới sẽ ghi nhận thêm trường hợp nhiễm MERS-CoV tại các quốc gia do có sự giao lưu văn hóa và du lịch với các nước đang có dịch bệnh. Nhất là tại Malaixia và Philippines đã ghi nhận các trường hợp nhiễm MERS-CoV sau khi trở về từ khu vực Trung Đông 

H.Nga
.
.
.