TP Hồ Chí Minh: Còn nhiều thách thức cho "hậu cai nghiện"

Thứ Hai, 26/11/2007, 11:23
Việc tiếp tục thực hiện những mục đích tốt đẹp của đề án "Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện" vẫn còn là một hành trình đầy thách thức. Sự kỳ thị với những người tái hòa nhập, nhiều doanh nghiệp e ngại không muốn tiếp nhận họ vào làm việc...

Sau 4 năm đi vào đời sống, đề án "Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện" được thực hiện thí điểm tại TP Hồ Chí Minh, đã kết thúc chặng đường đầu tiên với trên 11.000 con người từng một thời lầm lỗi trở lại tái hòa nhập cộng đồng nhờ những nỗ lực đóng góp xây dựng, thực hiện đề án trong suốt thời gian qua.

Nghỉ học khi vừa hết lớp 6, ở nhà phụ giúp gia đình làm kinh tế, giao du với bạn bè không tốt, Huỳnh Trọng Tâm bị lôi kéo vào con đường nghiện hút khiến gia đình nhiều phen điêu đứng.

Sau 5 năm cai nghiện, học tập, lao động tại Trung tâm Cai nghiện ma túy Bình Đức thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, Tâm trở về hòa nhập với cộng đồng với bao bỡ ngỡ, e ngại, mặc cảm về lỗi lầm của bản thân.

Nhờ có sự động viên, giúp đỡ kịp thời của thầy cô tại trung tâm và đoàn thể tại địa phương, Tâm được bảo lãnh về làm công nhân của Công ty May Đại Việt rồi được đào tạo thêm về chuyên môn, trở thành kỹ thuật viên có tay nghề cao, có thu nhập ổn định, tránh xa cám dỗ của ma túy.

Huỳnh Trọng Tâm chỉ là một trong số hàng vạn cựu học viên trong các trung tâm cai nghiện ma túy của TP Hồ Chí Minh vừa được trở về tái hòa nhập cộng đồng sau 4 năm thành phố được chọn là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện thí điểm đề án "Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện".

Sau 4 năm thực hiện đề án, đã có trên 11.000 người sau cai được tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó, trên 7.000 người đã được giúp đỡ, tạo việc làm ổn định, có thu nhập bình quân từ 800.000 đồng đến 1.500.000 đồng/tháng.

Hàng loạt các câu lạc bộ, đội nhóm đã được thành lập để giúp đỡ người sau cai tại các địa phương với nhiều tên gọi khác nhau: Gia đình hạnh phúc, Lá chắn, Niềm tin… Đến nay, mới xác định 428 người tái nghiện tại cộng đồng.

Tuy nhiên, việc tiếp tục thực hiện những mục đích tốt đẹp của đề án vẫn còn là một hành trình đầy thách thức. Sự chênh lệch và hạn chế về trình độ học vấn, tay nghề, sức khỏe của người sau cai nghiện không đáp ứng được yêu cầu của thực tế, gây khó khăn cho công tác đào tạo.

Sự kỳ thị với những người tái hòa nhập, nhiều doanh nghiệp e ngại không muốn tiếp nhận họ vào làm việc. Các quy định pháp lý về công tác cai nghiện, phục hồi, giáo dục và giải quyết việc làm chưa thực sự phù hợp.

Tại các trường, trung tâm có nhiều đối tượng thường xuyên vi phạm kỷ luật, phá rối trật tự, thẩm lậu ma túy, cần bị xử lý nghiêm khắc nhưng mức phạt kỷ luật không đủ sức răn đe, trong khi trung tâm không được phép chuyển sang quản lý tại cơ sở giáo dục của lực lượng Công an vì pháp luật quy định không được đưa người vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở chữ bệnh, vừa thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục vào quản lý tập trung tại cơ sở giáo dục…

PV
.
.
.