TP HCM chịu cảnh ngập nước, kẹt xe thêm 4 năm?

Thứ Sáu, 05/12/2008, 10:04
Theo Giám đốc Sở GTVT TP HCM thì đến năm 2012 nội thành TP HCM cơ bản sẽ không còn bị ngập sau khi thực hiện “đại dự án” thủy lợi có tổng kinh phí gần 12.000 tỷ đồng. Mà không còn ngập nước thì cũng có nghĩa là không còn cảnh đào đường hàng loạt, tình trạng kẹt xe cũng sẽ được giải tỏa.
Sáng 4/12, kỳ họp lần thứ 14 HĐND TP Hồ Chí Minh khóa VII diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn giám đốc 4 Sở là GTVT, Tài nguyên - Môi trường, Xây dựng và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Trong số này, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Phượng được các đại biểu HĐND và cử tri thành phố "quan tâm" nhiều nhất với hai vấn nạn muôn thuở ở TP HCM là chuyện ngập nước và kẹt xe.

Nguyên nhân chính gây kẹt xe ở TP HCM trong thời gian vừa qua được xác định là do các "lô cốt" chiếm dụng mặt đường. Dẫu biết rằng việc dựng lên "lô cốt" là để đào đường thực hiện dự án vệ sinh môi trường, tiêu thoát nước của TP, song với cách làm kéo rê, dựng "lô cốt" không đúng quy cách, tái lập mặt đường cẩu thả khiến người dân hết sức bất bình.

Bản thân Giám đốc Phượng cũng cảm thấy không yên bởi 234 rào chắn hiện hữu cũng là nguyên nhân dẫn đến hình thành 172 điểm kẹt xe và góp phần làm cho năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị 2008 không đạt được mục tiêu đề ra.

Kẹt xe do lô cốt.

Xuất phát từ thực tế đó, trong năm 2008, Sở GTVT đã kiên quyết xử lý những rào chắn không đúng quy cách cũng như các đơn vị thi công chậm trễ. Kết qủa đến nay đã xử phạt 2.300 sai phạm và đề xuất UBND TP loại bỏ nhà thầu là Tổng công ty Bạch Đằng.

Ông Phượng cho hay, từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ cố gắng tháo dỡ 127 "lô cốt", chủ yếu ở các tuyến đường chính như Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng, Châu Văn Liêm… Để giảm bớt phần nào tình trạng kẹt xe, quy định mới của Sở GTVT là "lô cốt" mới chỉ dài tối đa 100m (trước đây là 200m) và thời gian thực hiện chỉ kéo dài trong 60 ngày. Việc này người dân có thể giám sát và phản ánh đến cơ quan chức năng nếu đơn vị thi công không thực hiện đúng.

Về chuyện ngập nước, theo Giám đốc Phượng thì đến năm 2012 nội thành TP HCM cơ bản sẽ không còn bị ngập sau khi thực hiện dự án công trình thủy lợi, tiêu thoát nước mà Chính phủ đã phê duyệt với tổng kinh phí gần 12.000 tỷ đồng.

Để giải thích chất vấn của đại biểu Trương Trọng Nghĩa thay cho ông Trần Quang Phượng, ông Nguyễn Phước Thảo, Giám đốc Trung tâm Điều hành chống ngập nước cho hay, trước khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì các cơ quan chuyên môn của Trung ương và địa phương đã nghiên cứu rất kỹ đề án cũng như phương thức thực hiện nhanh chóng và chất lượng.

Theo đó từ nay đến năm 2012 sẽ xây dựng hệ thống đê bao (kết hợp đường giao thông) kéo dài từ Bến Xúc (TP HCM) đến Tỉnh lộ 8 thuộc tỉnh Long An. Đồng thời xây dựng 12 cống ngăn triều lớn để kiểm soát triều và hàng lọat hệ thống cống nhỏ…

Nhiều đại biểu hỏi thẳng thắn: Trong cơn mưa lớn vào ngày 1/8/2008 TP HCM có 87 điểm ngập. Còn đợt triều cường đỉnh điểm tháng 11 vừa qua (dâng cao 1,56m) nhiều khu vực của TP cũng chìm trong biển nước. Vậy nếu như TP HCM gặp cơn mưa lớn như ở Hà Nội vừa rồi liệu có bị ngập 5 - 7 ngày? 

Ông Nguyễn Phước Thảo khẳng định: Không. Vì địa bàn TP HCM giống như một cái đĩa lật ngược nên nước sẽ chảy tràn ra khu vực lân cận. Mặt khác TP HCM còn có lợi thế chế độ bán nhật triều nên sẽ không bị ngập lâu như Hà Nội.

Còn đối với triều cường, khi đã thực hiện xong phần việc xây dựng đê bao và 12 cống ngăn triều thì dù nước có dâng đến 2,2m cũng chẳng ăn thua. Mà không còn ngập nước thì cũng có nghĩa là nội thành TP HCM sau năm 2012 sẽ không còn cảnh đào đường hàng loạt như hiện nay, tình trạng kẹt xe cũng sẽ được giải tỏa 

Tiến độ thi công một số công trình trọng điểm

- Đại lộ Đông - Tây: Hiện đang thi công tất cả các gói thầu xây lắp (4,5,6), ước khối lượng thực hiện toàn công trình đạt 60%. Về đốt nứt các hầm dìm hiện Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã thuê đơn vị tư vấn độc lập để kiểm định chất lượng các đốt hầm và khắc phục vết nứt. Dự kiến công trình hòan thành vào quý I-2010.

- Cầu Thủ Thiêm (giai đoạn 2): Đang thi công các hạng mục còn lại thuộc giai đoạn 1, khối lượng thực hiện chung cho giao đoạn 1 đạt 82%. Dự kiến hoàn thành trong năm 2009.

- Đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (nâng cấp, mở rộng): Khối lượng thực hiện đạt 57%, dự kiến hoàn thành quý II năm 2009.

- Cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Văn Thánh (sửa chữa) dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2009 còn cầu Phú Mỹ khối lượng đạt 60%, sẽ hoàn thành vào cuối năm 2009.

(nguồn: UBND TP Hồ Chí Minh)

M.T.P.
.
.
.