TP HCM: Xe buýt vẫn đang chờ một cuộc "đại phẫu"

Thứ Bảy, 22/10/2011, 16:30
Trong năm 2011, tổng số tiền ngân sách TP Hồ Chí Minh dự kiến chi trợ giá, bù giá dầu và các hoạt động khác của xe buýt đã lên tới 1.200 tỷ đồng. Tiền trợ giá tăng nhanh qua từng năm trong khi tỷ lệ hành khách đi xe buýt không tăng tương ứng và chất lượng xe ngày càng xuống cấp.

Xung quanh câu chuyện khai thác xe buýt không hiệu quả, ngoài lượng khách không đạt còn một loạt các vấn đề khác cũng đang bị để lãng phí hoặc chưa được hoàn chỉnh. Điều này khiến hành khách ngày càng tỏ ra ít quan tâm đến xe buýt.

"Ngắt" tuyến dài, dành đường để xe buýt chạy 2 chiều

Hiện tại, hướng chính của hệ thống tuyến xe buýt vẫn là các tuyến hướng tâm theo hình nan quạt, tập trung về nhà ga đầu mối duy nhất là Bến Thành và các tuyến đi xuyên trung tâm thành phố. Với cấu trúc tuyến như vậy, cự ly tuyến xe buýt quá dài, nên dù còn đến 3.000 đầu xe buýt với 18.000 chuyến xe ngược xuôi mỗi ngày, xe buýt cũng không thể phủ kín được hết các tuyến đường lớn, nhỏ.

Theo khảo sát của Ths Hoàng Thị Kim Chi, cán bộ Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, có đến 61,7% cho rằng đi xe buýt phải đi bộ xa và chờ đợi lâu. Đi xe buýt đã chậm hơn xe máy do kẹt xe, lại còn phải đón xe lòng vòng, tốn tiền như vậy nên đây chính là nguyên nhân khiến người dân chê xe buýt, chọn xe gắn máy để đi lại. Về mặt kinh tế, tình trạng tuyến xe buýt quá dài, không phủ kín chỉ có lợi cho những người đi suốt tuyến, với những hành khách phải đi nhiều chặng thì chi phí đi xe buýt sẽ cao hơn đi xe máy. 

Do cấu trúc tuyến chỉ dồn vào các trục chính như vậy, nhiều tuyến xe buýt trùng nhau trên một đoạn đường khá dài. Tình trạng trên đặt ra yêu cầu phải khẩn trương "ngắt" bớt cự ly các tuyến xe buýt. Đồng thời tổ chức một loạt trạm đầu mối trung chuyển khách ở đầu các giao lộ lớn, các điểm trùng lắp để tránh lãng phí chỗ; tránh kẹt xe cũng như phát triển xe hệ thống buýt nhỏ vào tận ngõ ngách trong khu dân cư.

Xe buýt chắn đường xe máy, xe máy vây lại xe buýt để tất cả cùng kẹt.

Trước thực trạng mặt đường hẹp, quá tải mật độ ôtô, xe máy nên nhiều tuyến đường tại khu vực nội thành đã phải đổi thành đường một chiều. Lúc đi có xe, lúc về phải đi hướng khác càng khiến hành khách kém mặn mà với xe buýt dù đi xe máy phải đội nắng, dầm mưa...

Đấu thầu theo khu vực để khai thác tuyến ngắn 

Trong khi việc cho phép quảng cáo trên một phần thân xe, thành xe buýt hằng năm sẽ cho nguồn thu trên dưới 100 tỷ đồng, thì cho đến nay TP Hồ Chí Minh vẫn giữ quan điểm: cho phép quảng cáo trên xe buýt sẽ gây sự chú ý với người đi đường từ đó dễ dẫn đến kẹt xe hoặc TNGT!

Trên thực tế, các địa phương lân cận như Đồng Nai, Bình Dương… đã cho phép quảng cáo trên xe buýt từ lâu và trong số này có nhiều xe hằng ngày vẫn chạy qua địa bàn thành phố. Mặt khác, chính thành phố từ lâu cũng đã cho phép quảng cáo tại các trạm dừng chờ xe buýt; cho đặt bảng quảng cáo ngoài trời to đùng tại các giao lộ, tòa nhà…

Theo kết quả phân tích nguyên nhân dẫn đến TNGT của lực lượng CSGT Công an thành phố, đến nay chưa từng có vụ TNGT hay ùn tắc giao thông nghiêm trọng nào có nguyên nhân từ việc người đi đường "mải miết nhìn" biển hiệu quảng cáo gây ra cả.

Theo ông Lê Hồng Việt, Phó chánh thanh tra Sở GTVT, với xe buýt có thể cho quảng cáo khắp thân xe và cả quảng cáo luôn trong xe. Lý do, khi cho quảng cáo trên xe buýt, ngoài nguồn thu đem về cho chủ xe và ngân sách. Tài xế, tiếp viên trên xe buýt cũng sẽ được doanh nghiệp quảng cáo chi trả một khoản tiền để chăm sóc, lau chùi phần quảng cáo hằng ngày nên thân xe buýt lúc nào cũng được giữ sạch sẽ. Định kỳ thay quảng cáo, thân xe còn được đơn vị quảng cáo sơn sửa, làm mới chứ không để tình trạng cũ xì như hiện nay.

Trong khi đó, để làm mới hình ảnh của xe buýt, mới đây Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng còn đưa ra giải pháp thay đổi màu sơn cho xe buýt theo từng khu vực. Nhiều ý kiến đã cho rằng phương pháp này vừa tốn tiền, vừa không hiệu quả, bởi người đi xe buýt chỉ nhớ số tuyến chứ khó có thể phân biệt được các màu sơn xe cứ xanh na ná như nhau.

Sau khi thực hiện thí điểm đấu thầu được một vài tuyến, thu về cả tỷ đồng/ tuyến/năm, việc này đã bị khựng lại. Trong số 148 tuyến xe buýt hiện có, vẫn còn đến 110 tuyến được hưởng trợ giá. Việc đấu thầu tuyến diễn ra chậm chạp đã khiến tiền trợ giá cho xe buýt càng tăng cao và tạo sự bất bình đẳng giữa các tuyến trợ giá và không trợ giá.

Để giảm gánh nặng chi phí cho xe buýt và giúp hệ thống xe buýt phủ kín địa bàn, theo ông Lê Hồng Việt, nên cho đấu thầu hoạt động xe buýt theo từng khu vực quận, huyện. Các đơn vị vận tải có thể liên kết với nhau để cùng khai thác chung, nhất là trong việc đầu tư xe buýt nhỏ để phủ kín các tuyến ngắn, đường hẹp còn trống; đưa xe vào sâu trong các khu dân cư để phục vụ khách. Làm được điều này, ngay cả những nhánh tuyến xe buýt nhỏ chỉ dài chừng 2 - 3km cũng sẽ được tận dụng khai thác để thu gom, trung chuyển khách ra tuyến chính. Từ đó tạo điều kiện cho xe buýt lớn tăng số lượng khách và giảm lượng phương tiện cá nhân

Đức Thắng
.
.
.