TP HCM: Vẫn nhiêu khê thủ tục hành chính

Thứ Hai, 13/07/2009, 19:48
Thực trạng quá tải trong việc giải quyết các loại thủ tục hành chính công tại nhiều cơ quan, công sở ở TP Hồ Chí Minh suốt thời gian qua đã khiến hầu hết các cơ quan, đơn vị này chỉ dám… thống kê tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn làm thước đo hiệu quả hoạt động của đơn vị mình...

Từ tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn luôn đạt mức trên trung bình trở lên như vậy, các cơ quan cung cấp dịch vụ hành chính công phục vụ người dân và doanh nghiệp nghiễm nhiên tự cho đó là thành tích. Điều này cũng khiến doanh nghiệp, người dân lầm tưởng, tự an ủi mình chỉ là một trong số ít những trường hợp kém may mắn thuộc tỷ lệ ít ỏi hồ sơ không được giải quyết đúng hẹn mà quên rằng: Trong rất nhiều loại thủ tục hành chính, để được cán bộ thụ lý chấp nhận hồ sơ là cả một quãng đường dài với "năm lần bảy lượt" hành trình.

Lo chế độ cho người lao động, doanh nghiệp cũng gặp rắc rối

Trước khi được giao cho đi làm thủ tục nộp bảo hiểm xã hội cho cán bộ, nhân viên công ty, chị D đã được một người bạn từng làm qua công việc này cho một công ty liên doanh tại quận Tân Phú tư vấn rằng "Quá nhiều loại thủ tục giấy tờ, sẽ rắc rối và mất nhiều thời gian, nếu có điều kiện thì nên nhờ dịch vụ…".

Người dân chờ đến lượt làm hồ sơ, giấy tờ tại Sở Kế hoạch-Đầu tư TP HCM.

Quả đúng như vậy, sau 2 tháng với 5 lần chạy vòng qua vòng lại từ trụ sở công ty đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) quận Gò Vấp rồi sang Bảo hiểm xã hội quận mà vẫn chưa giải quyết xong thủ tục đăng ký danh sách lao động, thang bảng lương… để được nộp bảo hiểm. Điều khiến chị D. bức xúc là "Không được cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn hết, cứ mỗi lần đến ngày hẹn trả hồ sơ là phải bổ sung, sửa chữa này nọ khiến thời gian lo chế độ cho người lao động bị kéo dài". Không dừng lại ở đó, khi hồ sơ hoàn tất ở Phòng LĐ-TB&XH, sang tới Bảo hiểm xã hội quận, chị D lại phải… về làm lại bởi mẫu tờ khai 2A mà chị đã làm trước đó từ ngày 1/7 được Bảo hiểm xã hội đổi thành mẫu 1A và 3A.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù đây là quy định bắt buộc đối với chủ sử dụng lao động, nhưng chính vì thủ tục quá rắc rối; cách làm việc thì một phần do quá tải, một phần do tắc trách của những người có trách nhiệm này đã dẫn đến một thực trạng: Tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động ở quận Gò Vấp khá thấp. 

Càng gộp, càng phân cấp lại càng gây quá tải, phiền hà

Trước tình trạng trên, chúng tôi đã tiến hành tìm hiểu tại Phòng LĐ-TB&XH quận Gò Vấp. Tại tổ Lao động - Tiền lương, mặc dù phụ trách vấn đề chính sách cho người lao động của khoảng 2.400 doanh nghiệp đã tham gia thực hiện, nhưng tổ này chỉ có tổng cộng… 3 người, trong đó 1 cán bộ là phó phòng và 2 chuyên viên, tất cả cùng ngồi làm việc, tiếp, hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp trong một căn phòng rộng chừng 20m2. Lãnh đạo phòng ngoài việc giải quyết còn phải lo họp hành, dành thời gian cho các công tác chuyên môn của phòng; hai cán bộ thì phân công ra một người chuyên lo việc đi kiểm tra dưới cơ sở, một người lo tiếp khách, hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và cùng giải quyết hồ sơ... Cán bộ thiếu, nên việc giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp cũng mất rất nhiều thời gian.

Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, việc phân cấp giải quyết hồ sơ về cho cấp phường, quận và việc nộp hồ sơ theo quy trình liên thông một cửa tại thành phố thời gian qua đã dẫn đến tình trạng quá tải, nhất là ở UBND cấp quận. Trong khi có nhiều cơ quan hành chính Nhà nước cấp Sở thì bộ phận giải quyết hồ sơ luôn vắng hoe, thậm chí việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của Sở Xây dựng trong ngày thứ 7 đang phải xem xét có nên tiếp tục hay không bởi lý do không có khách. Phòng tư pháp các quận cũng đều thưa vắng…

Một nguyên nhân khiến nhiều loại hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân phải trả về nhiều lần là chất lượng thẩm định hồ sơ quá thấp: Cán bộ tiếp nhận hồ sơ thuộc văn phòng UBND quận thì chỉ cần có xem hồ sơ có đủ các loại giấy tờ cần thiết là nhận; chuyên viên giải quyết hồ sơ cấp Phòng do khối lượng công việc nhiều, phải gần đến ngày trả hồ sơ mới có thời gian xem đến hồ sơ.

Vì vậy, chỉ cần thiếu một loại giấy tờ là hồ sơ bị trả về bổ sung, nộp lại và người dân, doanh nghiệp phải chờ thêm 20 ngày làm việc nữa… Vì vậy, UBND thành phố cần đặt ra chế tài đối với trách nhiệm của cán bộ tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và chuyên viên giải quyết hồ sơ

Đức Thắng
.
.
.