TP HCM: Quản lý xe buýt… chưa chặt

Thứ Ba, 20/11/2007, 08:00
Chấn chỉnh hoạt động của xe buýt là một trong những nhóm giải pháp cấp bách nhằm kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông tại TP HCM.

>> Hoạt động của xe buýt tại TP HCM: Bài toán đầu tư kém hiệu quả

Sau 1 tháng thực hiện chỉ đạo của thành phố, Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng (Trung tâm), đơn vị quản lý trực tiếp đối với hoạt động của xe buýt, đã có báo cáo kết quả khảo sát, đề xuất phương án và triển khai sơ bộ. Xung quanh kết quả khảo sát cũng như đề xuất của Trung tâm này còn nhiều vấn đề cần xem xét lại.

Cắt giảm, điều chỉnh đến đâu?

Theo báo cáo, trong số 12 nhóm đường có bề mặt đường hẹp, dưới 6m với tần suất ít nhất là 60 chuyến, nhiều nhất đạt 240 chuyến/ngày/tuyến được Trung tâm đề xuất không điều chỉnh với lý do đang dùng loại xe buýt nhỏ hoặc đường ngoại thành; nhóm đường có bề rộng mặt đường từ 6 - 8m gồm 70 đoạn cũng với lý do đang bố trí xe buýt nhỏ hoặc trung nên không điều chỉnh.

Đối với 17 tuyến đường 6 - 8m đang bố trí loại xe buýt lớn, từ 38 - 80 ghế hoạt động, tiếp tục được Trung tâm đề nghị nên giữ ổn định lộ trình của các tuyến này.

Lý do Trung tâm đưa ra lại càng không thuyết phục bởi có đến 8 đường hẹp, ngắn và hầu hết các tuyến này đều chạy trong khu vực nội thành hoặc ngang qua khu vực trung tâm với tần suất thấp nhất là 70 chuyến, cao nhất lên tới 372 chuyến/ngày/tuyến.

Việc Trung tâm bố trí xe buýt chạy lệch giờ ở hai đầu bến đối với 29 tuyến có trợ giá cũng vậy. Mục đích để cho phù hợp với luồng hành khách nhưng lại "điều chỉnh lưu lượng xe tập trung vào giờ cao điểm", không hiểu tình trạng ùn tắc giao thông do xe buýt gây ra hiện nay sẽ được Trung tâm đề xuất giải quyết như thế nào?

Bên cạnh đó, là đơn vị trực tiếp xây dựng biểu đồ, quản lý hoạt động trên các tuyến xe buýt đã nhiều năm, Trung tâm thừa biết rằng tỷ lệ trùng tuyến trên một đoạn đường dài là khá cao...

Ngoài ra còn hàng loạt các tuyến cần phải thay thế lộ trình để giảm tuyến, giảm trùng lắp theo hướng trung chuyển từ từng chặng, điểm trung chuyển là các bến xe, nhà ga nhưng vẫn không được Trung tâm đề xuất giảm ngay mà còn phải tiếp tục chờ khảo sát?

Lấy sản lượng vận chuyển khách bằng xe buýt trên toàn hệ thống đạt 726.097 lượt người/ngày chia bình quân cho tổng số đầu xe thì mỗi xe chỉ đạt khoảng 220 lượt khách/ngày mà không phải khách nào cũng đi suốt tuyến.

Chia tiếp cho số ghế bình quân là 38 ghế/xe và mỗi xe chạy 5 chuyến/ ngày (10 lượt, cả đi và về) để thấy rằng xe buýt luôn… trống khách khi chạy trên đường và phát biểu của một vị cán bộ làm trong ngành GTVT "phải tiếp tục điều chỉnh, cắt giảm từ 1/4 đến 1/3 số tuyến, số chuyến" là có lý!

Xe buýt được trợ giá vẫn chưa buông tha ngân sách

Có hàng loạt nguyên nhân dẫn đến việc ngân sách thành phố cứ phải gồng mình trợ giá cho các hoạt động kém hiệu quả của xe buýt như: chậm triển khai đấu thầu tuyến (mới chỉ có 1 tuyến được đấu thầu); triển khai quảng cáo trên thân xe buýt chậm; chậm điều chỉnh cắt giảm…

Không những thế, tình trạng xe buýt phóng nhanh, vượt ẩu, giành khách chủ yếu là do trên một tuyến, ngành chủ quản đã cho phép không chỉ một mà có thể tới vài ba đơn vị cùng được tham gia "xâu xé" miếng bánh trợ giá từ ngân sách!

Việc điều chỉnh lộ trình của 65 tuyến, tránh đi qua các đoạn đường của 21 công trình đang thi công đã làm tăng mật độ xe trên nhiều đoạn đường, chi phí trợ giá tăng thêm do kéo dài lộ trình đã tính bằng tiền tỷ.

Một điều vô lý dễ nhận thấy nữa khi so sánh giữa hơn 100 tuyến xe buýt có trợ giá và 30 tuyến không trợ giá 9 tháng đầu năm 2007: Xe có trợ giá chỉ tăng 14,9% về sản lượng khách, trong lúc xe không trợ giá tăng đến 56,6% so với cùng kỳ! 

Việc bố trí đưa 835 xe nhỏ 12 chỗ (xe lam) vào khai thác ồ ạt trên 24 tuyến có trợ giá, đạt 39.500 lượt khách/ngày. Trung bình mỗi xe vận chuyển được gần 50 khách/ ngày, chỉ bằng 6,3% tổng sản lượng khách nhưng chiếm đến 9,8% số tiền trợ giá (4,4 tỷ đồng/tháng).

Tính ra, mỗi đầu xe hưởng trợ giá trên 5 triệu đồng/tháng, đã cho thấy tình trạng lãng phí ngân sách suốt thời gian qua mà việc điều chỉnh hay cắt giảm không hề được đề cập đến.

Dự kiến trong năm nay, ngân sách trợ giá cho xe buýt giảm được khoảng 30 tỷ, xuất phát từ việc cắt giảm các tuyến xe buýt nói trên. Như vậy, đã đến lúc thành phố cần áp dụng những biện pháp mạnh đối với việc đầu tư cho hoạt động xe buýt liên tục tăng nhưng kém hiệu quả hiện nay

Đức Thắng
.
.
.