TP HCM: Phân luồng chỗ này, kẹt xe chỗ khác

Thứ Tư, 25/06/2008, 14:52
Nhìn lại những tuyến đường ngành GTCC TP HCM đã can thiệp bằng biện pháp phân lại luồng, điều chỉnh lại tuyến lưu thông thời gian qua đều thấy kết quả đạt được hết sức manh mún do không giải quyết được triệt để nguyên nhân: Cứ phân luồng để giảm kẹt xe chỗ này thì ùn tắc lại xảy ra ngay chỗ kia.

Với quyết tâm "không để tình hình ùn tắc giao thông nội thị tại TP Hồ Chí Minh diễn biến xấu hơn, đồng thời có sự cải thiện một bước nhất định, sau năm 2010, tình hình giao thông đô thị của thành phố phải có cải thiện rõ rệt", Sở GTCC đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành kế hoạch thực hiện chương trình chống kẹt xe nội thị trên địa bàn.

Kết quả thực hiện trong giai đoạn từ 2001 đến 2007 như thế nào thì người dân đã thấy rõ. Việc thực hiện trong giai đoạn tiếp theo, từ năm 2008 - 2010, định hướng đến năm 2020 tiếp tục có hàng loạt giải pháp được đưa ra.

Tuy nhiên, những vấn đề giữ vai trò then chốt, mang tính tổng thể lại vẫn chưa thấy đâu. Trong lúc, tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ, kẹt xe vẫn tiếp tục xảy ra trên diện rộng, diễn biến hết sức phức tạp và căng thẳng bất kể giờ giấc.

Mật độ phương tiện dày đặc tại một đường phố trung tâm. Ảnh: Đ.T.

Việc mở rộng hệ thống đường sá khu vực nội thành, ở những tuyến đường trọng điểm đã không khả thi trong lúc các loại hình giao thông khác còn chưa hiện hữu; việc rào chắn đào đường để phát triển, nâng cấp hạ tầng đô thị của thành phố tiếp tục diễn ra trên diện rộng khi sẽ có trên 120km đường nội thành nội thị với hàng nghìn vị trí tiếp tục bị rào chắn để đào xới. Cộng với áp lực gia tăng dân số, gia tăng phương tiện tham gia giao thông… sẽ càng khiến tình trạng kẹt xe trên địa bàn thêm trầm trọng.

Kế hoạch chống kẹt xe trên địa bàn lại không gắn kết chặt chẽ được với vấn đề phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. Vì vậy, hàng loạt giải pháp chống kẹt xe đã không đạt hiệu quả như mong muốn suốt thời gian qua và sẽ còn kéo dài trong những năm sắp tới.

Trước thực trạng hạ tầng giao thông tại TP Hồ Chí Minh đã trở nên quá tải gấp nhiều lần, việc can thiệp bằng các giải pháp kỹ thuật hữu hiệu nhất là thực hiện phân lại luồng, điều chỉnh lại tuyến lưu thông để khắc phục tình trạng ùn tắc tạm thời trước mắt.

Nhưng nhìn lại những tuyến đường ngành GTCC đã can thiệp bằng biện pháp này thời gian qua đều thấy kết quả đạt được hết sức manh mún do không giải quyết được triệt để nguyên nhân: Cứ phân luồng để giảm kẹt xe chỗ này thì ùn tắc lại xảy ra ngay chỗ kia.

Cụ thể, khi thực hiện phân luồng cho 2 tuyến Võ Văn Tần và Nguyễn Đình Chiểu, tình trạng kẹt xe lập tức chuyển qua đường Nguyễn Thị Minh Khai; tại tuyến cửa ngõ ra vào thành phố là đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và Đinh Bộ Lĩnh đã được ngành GTCC phân luồng thành một chiều nhưng tình trạng kẹt xe vẫn xảy ra triền miên bởi ngoài lượng xe 2 bánh lưu thông gia tăng; lượng xe khách, xe buýt, hành khách và hàng hóa ra vào bến xe Miền Đông hàng ngày đã khá lớn.

Trong lúc tuyến đường Điện Biên Phủ ra đến QL52 còn khá thông thoáng nhưng không hề có biển báo quy định xe cơ giới loại nào phải lưu thông theo hướng Xa lộ Hà Nội để giảm tải.

Tương tự, khi giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông cho đường Nguyễn Kiệm bằng cách phân luồng thành một chiều, thì cả đường Hoàng Văn Thụ và hàng loạt các tuyến đường khác bị kẹt cứng do lượng xe quanh khu vực đổ dồn về…

Tiếp đến là xe buýt, mặc dù trợ giá từ ngân sách cho loại hình vận chuyển khách công cộng này tăng một cách chóng mặt những năm qua. Dự kiến năm 2008, số tiền trợ giá cho hoạt động của xe buýt sẽ lên đến 700 tỷ đồng nhưng mục tiêu đặt ra đã không đạt được khi chỉ đáp ứng được khoảng 6% nhu cầu đi lại của người dân.

Các giải pháp khác như bố trí học tập và làm việc lệch ca, lệch giờ, hạn chế phát triển lượng xe cá nhân 2 bánh; kế hoạch quản lý vỉa hè... đều không đạt được mục tiêu đề ra.

Tiếp tục chương trình tái cấu trúc đô thị, giãn dân để giảm áp lực lên hệ thống giao thông nội thị là một trong những giải pháp được đưa ra áp dụng trong kế hoạch chống kẹt xe giai đoạn 2008 - 2010 và định hướng đến năm 2020 của thành phố. Theo đó, sẽ tiến hành đẩy nhanh tiến độ di dời cụm cảng biển khu vực trung tâm thành phố ra khu vực cảng Hiệp Phước và cảng Cái Mép trước và sau năm 2010.

Như vậy, từ nay đến mốc thời hạn này, tình trạng kẹt xe trong nội thị do ôtô ra vào cảng chở hàng hóa gây ra người dân vẫn phải gánh chịu. Một giải pháp quan trọng nữa được đưa ra thực hiện là "Hạn chế việc mở rộng, phát triển  thêm và từng bước di dời 90 trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp cũng như các Bệnh viện lớn ở khu vực nội đô ra ngoại vi thành phố".

Nhưng với quy hoạch phát triển thêm hàng trăm cao ốc tại 20 ô phố trung tâm; trên 150 chung cư cũ sẽ được đập bỏ để xây mới với số tầng cao hơn trong giai đoạn này; mỗi năm thành phố thiếu hụt khoảng 300 ngàn lao động phải thu hút từ các tỉnh ngoài về… Trong lúc, theo định hướng, thành phố sẽ phát triển đạt trên 10 triệu dân sau năm 2010 thì mục tiêu giãn dân số tại khu vực nội thành, nhất là khu vực trung tâm thành phố sẽ không đạt được.

Mặt khác, mặc dù lượng xe cá nhân tăng khá nhanh nhưng việc quy hoạch các bãi đậu xe ngầm tại khu vực trung tâm thành phố mới chỉ có 2/7 vị trí đang… nằm trên giấy; hệ thống bến bãi còn lại hiện vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu...

Đức Thắng
.
.
.