TP HCM: Nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông

Thứ Hai, 20/07/2009, 09:49
Người lưu thông trên đường phố TP HCM phải nhích từng mét một do vướng lô cốt, do đào đường rồi ùn tắc nhưng trong 6 tháng đầu năm 2009 trên địa bàn TP HCM vẫn xảy ra gần 600 vụ TNGT làm 452 người chết, 262 người bị thương. So với thời điểm năm 2008, số vụ TNGT tăng 44 vụ, số người chết giảm 15 người nhưng số người bị thương tăng đột biến (88 người). Tại sao lại có tình trạng này?

Quận huyện ngoại thành TNGT tăng cao

Nếu so sánh số người chết từ các vụ TNGT 6 tháng đầu năm 2009 với 6 tháng đầu năm 2008 thì số người chết giảm (15 người) cho thấy nhiều mặt tích cực của các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng CSGT các quận huyện trong việc kiểm tra, điều phối lưu thông trên mọi tuyến đường. 16/24 quận huyện giảm được số người chết vì TNGT nhưng vẫn còn con số quá cao… Trong đó chỉ qua 6 tháng có 7 quận huyện số vụ TNGT và số người chết tăng cao, đặc biệt là các quận huyện ngoại thành quận Bình Tân, Hóc Môn, Tân Phú…

Theo ghi nhận của PV Báo CAND qua các vụ TNGT trên địa bàn thành phố, tại quận Bình Tân có tuyến quốc lộ 1A, là nơi cửa ngõ của TP HCM nên các loại phương tiện giao thông muốn ra vào TP HCM phải đi qua quận Bình Tân. Ngoài ra, Bình Tân còn tập trung nhiều khu công nghiệp như Tân Tạo, Vĩnh Lộc… với hơn 10.000 công nhân làm việc tại đây.

Lưu thông chở 3, không đội MBH vượt ẩu gây tai nạn cho chính mình.

Mặc dù có đường hầm đi bộ, có cầu vượt nhưng giờ tan ca dường như không một công nhân nào tuân thủ đi vào các con đường dành riêng cho người đi bộ mà thoải mái băng ngang đường. Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng TNGT tăng cao là do đường sá đang trong quá trình đô thị hóa, bị đào xới lên làm mới lại thêm các loại phương tiện chuyên chở vật liệu liên tục di chuyển tại khu vực này với tốc độ cao nên rất dễ xảy ra TNGT.

Vấn đề kế tiếp là ý thức tuân thủ Luật Giao thông của người dân nơi đây rất yếu. Phương tiện di chuyển chủ yếu tại các quận huyện ngoại thành là xe hai bánh nên những vụ TNGT giữa những người điều khiển phương tiện này khá cao...

Các nguyên nhân chủ yếu là do các phương tiện không lưu thông đúng phần đường, vượt quá tốc độ cho phép, tránh vượt không đúng qui định, lưu thông vào đường cấm ngược chiều, vượt đèn đỏ, say rượu, không nhường đường ưu tiên...

Theo một cán bộ Phòng CSGT đường bộ - Công an TP thì nguyên nhân chủ yếu vẫn là ý thức chấp hành luật giao thông của người lưu thông trên đường. Người dân vẫn còn giữ thói quen đối phó. Các phương tiện lưu thông trên đường chỉ "chấp hành tốt" khi thấy có mặt lực lượng CSGT trên đường...

Làm gì để giảm TNGT tại TP HCM

Trước diễn biến phức tạp  về TTATGT tại TP HCM, thành phố đã đặt chỉ tiêu kéo giảm 15% số vụ TNGT, kéo giảm ít nhất 0,7% số người chết, 15% số người bị thương. Để đạt được mục tiêu đề ra này, không chỉ riêng gì lực lượng CSGT mà tất cả các ban ngành tại TP HCM phải vào cuộc. Ban ATGT thành phố tổ chức nhiều buổi khảo sát, kiểm tra về điều kiện bảo đảm ATGT tại nhiều tuyến đường và các đơn vị chức năng có liên quan khắc phục nhanh những điểm là nguyên nhân dẫn đến TNGT.

Trong khi đó, Đoàn thanh niên của các quận huyện tiếp tục duy trì các đội hình thanh niên xung kích giữ gìn TTATGT tại các giao lộ, các khu vực phức tạp về tình hình ATGT. Sở GTVT TP HCM với những kế hoạch duy tu, sửa chữa cầu, đường bộ, đèn chiếu sáng, biển báo hiệu, biển báo hướng dẫn giao thông… bị hư hỏng. Sở GTVT đã triển khai kế hoạch tập huấn, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho lái xe và tiếp viên xe buýt.

Phòng CSGT đường bộ chủ động phối hợp với lực lượng TNXP xây dựng phương án bố trí lực lượng tại 129 chốt trên các tuyến thuộc Phòng đảm trách, phối hợp với Ban ATGT TP khảo sát một số điểm tổ chức giao thông chưa phù hợp, những "điểm đen" TNGT và kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp khắc phục.

Trong 6 tháng đầu năm 2009 tình trạng TNGT ở TP HCM vẫn còn diễn biến phức tạp tại địa bàn một số quận như: quận 6, quận 10, quận 11, Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhận, Tân Phú… Lực lượng Phòng CSGT đường bộ đã phát hiện và lập biên bản xử lý 452.467 trường hợp vi phạm. Trong đó: 7.971 trường hợp ngồi trên xe môtô, gắn máy không đội mũ bảo hiểm; 1.874 trường hợp xe ôtô chở hàng hóa quá tải, quá khổ, 874 trường hợp xe cơ giới vi phạm tốc độ, 116 trường hợp xe có thiết bị kỹ thuật không đảm bảo an toàn, 1.413 trường hợp xe buýt vi phạm,171 trường hợp người nước ngoài vi phạm… Quyết định xử phạt 419.180 trường hợp vi phạm với số tiền phạt là 45.390.371.000 đồng. Tước giấy phép lái xe 3.058 trường hợp, tạm giữ 13.393 phương tiện các loại.

.
.
.