TP HCM: Những bất cập trong dịch vụ thu gom rác

Thứ Sáu, 22/12/2006, 14:29

Điều bức xúc nhất về việc thu gom rác hiện nay ở TP HCM là phương tiện thu gom rác khá thô sơ (kể cả các công ty dịch vụ công ích), chủ yếu là những chiếc ba gác đạp, ba gác máy, xe đẩy tay, xe lam cũ kỹ mục nát, gây bốc mùi hôi thối, rơi vãi… dọc đường vận chuyển.

Theo nhận xét của các nhà chuyên môn, dịch vụ thu gom rác là một loại hình dịch vụ đô thị quan trọng. Do đó, đô thị càng phát triển, mức sống của người dân càng được nâng cao thì dịch vụ này càng phải được chú ý hơn.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 1,3 triệu hộ gia đình, nhưng theo khảo sát của cơ quan chức năng thì có tới 14% (180.000 hộ) không tham gia sử dụng dịch vụ thu gom rác; nếu tính mỗi ngày một hộ thải ra 1kg rác thì sẽ có 180 tấn rác không được thu gom và việc họ tự xử lý thì sẽ gây ra ô nhiễm môi trường đô thị.

Trong những hộ không sử dụng dịch vụ thu gom rác, có tới 68,9% tự xử lý bằng cách đào hố chôn, 20,6% bằng các phương thức khác, 6,7% trực tiếp đổ rác xuống kênh, rạch, ao hồ; 1,9% không có tiền trả phí thu gom rác và 1,9% địa phương không có dịch vụ thu gom rác.

Với số tiền phải trả mỗi tháng bình quân 10.000 đồng/hộ cho dịch vụ thu gom rác, đó là mức thu vừa phải người dân chấp nhận được. Nhưng đến nay các công ty dịch vụ công ích của TP HCM chỉ thực hiện việc thu gom rác trên các con đường lớn nên chiếm tỷ lệ rất nhỏ (1/4), các tổ chức thu gom rác dân lập phụ trách toàn bộ những con hẻm, đường nhỏ nên chiếm tỷ lệ lớn (3/4) và hầu hết cách thu gom rác (94,9%) là đến tận hộ gia đình.

Điều bức xúc nhất về việc thu gom rác hiện nay ở TP Hồ Chí Minh là phương tiện thu gom rác khá thô sơ (kể cả các công ty dịch vụ công ích), chủ yếu là những chiếc ba gác đạp, ba gác máy, xe đẩy tay, xe lam cũ kỹ mục nát và giỏ thu gom không còn nguyên vẹn, không được che chắn kín đáo.

Từ đó mới có chuyện thu gom rác nhưng lại không đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường: Gây bốc mùi hôi thối, rơi vãi, thậm chí nước chảy từ xe vận chuyển rác xuống cả mặt đường… dọc đường vận chuyển.

Mặt khác, có tới 17,9 số hộ chỉ được thu gom rác từ hai ngày/lần trở lên cũng gây ra tình trạng ô nhiễm cho khu vực dân cư. Đã vậy, nhiều hộ dân không được thông báo giờ giấc đến lấy rác (nhất là tổ chức thu gom rác dân lập) và không hài lòng về một số nhân viên thu gom rác chỉ làm qua loa cho xong việc. Trong khi đó, phần lớn các hộ (81,2%) đều cho tiền thêm (một năm trung bình 21.000 đồng/hộ) ngoài số tiền thu hàng tháng vào dịp lễ, Tết; đây là một việc làm tốt để giúp cho những người làm công việc nặng nhọc, độc hại này có thêm thu nhập.

Hầu như (79%) số hộ không hề ký hợp đồng trong việc thu gom rác, các tổ chức dân lập thì chỉ ghi danh sách các hộ trong "đường rác" của mình phụ trách rồi hàng tháng thu tiền mà thôi, không hề có biên lai; các công ty dịch vụ công ích cũng chỉ ký hợp đồng được 1/3 hộ.

Phần lớn các hộ cho là vấn đề nhỏ nên không quan tâm và phải mất thêm một khoản chi phí, do vậy các tổ chức thu gom rác cũng không nghiêm túc làm các thủ tục hợp đồng. Đây cũng là những nguyên nhân khiến việc thu gom rác nảy sinh nhiều phức tạp.

Để đảm bảo môi trường sạch thường xuyên, cần tăng lần thu gom rác lên, các phương tiện phải được che chắn kín đáo (nhất là thu gom rác dân lập) và cải thiện nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của nhân viên thu gom rác. Việc thu tiền rác hàng tháng phải có biên lai nhằm đảm bảo tính minh bạch của hoạt động dịch vụ trên

Thu Thảo
.
.
.