TP HCM: Nhiều nhà thiếu nhi xây rồi... bỏ không

Thứ Bảy, 07/08/2010, 15:30
Thành phố còn thiếu không gian vui chơi giải trí cho thanh, thiếu niên trong khi rất nhiều nhà thiếu nhi cấp quận, huyện được đầu tư xây dựng rồi… để đấy hoặc sử dụng sai mục đích. Đó là khẳng định của Ban văn hóa xã hội HĐND TP HCM trong buổi khảo sát công tác đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống nhà thiếu nhi, đặc biệt là nhà thiếu nhi cấp quận, huyện của thành phố vào ngày 5/8 tại Nhà thiếu nhi thành phố.

Điển hình cho tình trạng lãng phí phải kể đến Nhà thiếu nhi huyện Củ Chi. Được coi là có vị trí đặc biệt thuận lợi khi khuôn viên nằm ngay trên trục đường lớn, có diện tích lên đến 4.200m2 gồm 1 hội trường 500 ghế ngồi và 30 phòng nhưng thường ngày, Nhà thiếu nhi này rất ít hoạt động và cũng ít thanh, thiếu niên đến sinh hoạt.

Tuy nhiên, không chỉ nhà thiếu nhi khu vực ngoại thành, ngay nhiều quận, huyện thuộc trung tâm thành phố, nhà thiếu nhi cũng được đầu tư xây dựng nhưng chưa thực sự được phát huy hoặc sử dụng sai mục đích: cho thuê để kinh doanh, làm sân khấu, làm đám cưới…

Một thành viên tham gia buổi khảo sát của Ban văn hóa xã hội HĐND TP HCM còn cho biết, thậm chí ngay cả trang thiết bị khác phục vụ cho hoạt động chuyên môn của nhà thiếu nhi cũng bị… bỏ quên. Khi các thành viên ghé vào kiểm tra gần đây còn thấy có những bộ đàn đồ sộ mua về trang bị cho nhà thiếu nhi nhưng vẫn còn "nguyên đai nguyên kiện" trong hộp…

Xây dựng khang trang nhưng không phải nhà thiếu nhi nào tại TP HCM cũng được phát huy hiệu quả như Nhà thiếu nhi thành phố.

Thống kê của Thành đoàn TP HCM, đơn vị trực tiếp quản lý, điều hành hệ thống nhà thiếu nhi cho thấy: Hiện tại, trừ hai huyện Tân Phú và Hóc Môn, 22 quận, huyện còn lại của thành phố đều đã xây dựng nhà thiếu nhi. Trong khi đó, theo Sở Kế hoạch Đầu tư TP HCM thì toàn bộ 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố đã có quyết định đầu tư xây dựng nhà thiếu nhi.

Lý giải nguyên nhân của sự việc này, giám đốc của một nhà thiếu nhi cho biết: Không phải quận, huyện nào cũng muốn xây dựng nhà thiếu nhi… Riêng đại diện của Thành đoàn thành phố cũng thừa nhận rằng nhiều nhà thiếu nhi cấp quận, huyện đang hoạt động thiếu hiệu quả vì thiếu nhân lực. Hiện tại, quy hoạch cán bộ cho nhà thiếu nhi của thành phố mới chỉ đến vị trí… giám đốc. Hầu hết các vị trí cán bộ cho nhà thiếu nhi đều là kiêm nhiệm.

Có khá nhiều lý do khác được đưa ra để biện hộ cho việc lãng phí cơ sở vật chất và sử dụng không đúng chức năng của hệ thống nhà thiếu nhi tại các quận, huyện: nhu cầu người dân, nhà thiếu nhi hoạt động theo phương thức tự trang trải, tự thu, tự chi…

Tuy nhiên, theo đoàn giám sát của HĐND thì việc xã hội hóa, làm dịch vụ của hệ thống nhà thiếu nhi hiện nay là cần thiết, hợp lý nhưng phải chọn lọc dịch vụ nào phù hợp với chức năng của đơn vị, chứ không phải được phép làm tất cả các dịch vụ nói chung.

Về cơ sở hạ tầng, đơn vị quản lý cần phải chủ động, tích cực, năng động hơn trong việc tổ chức thêm nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn để kéo các em thanh thiếu nhi địa phương đến tham gia. Đặc biệt, cần chú trọng xây dựng những chương trình hoạt động không đóng phí dành cho thanh thiếu nhi nghèo, tránh tình trạng quá chênh lệch trong hưởng thụ văn hóa đối với trẻ em thuộc gia đình có kinh tế khá giả và trẻ em thuộc hộ nghèo…

Ngoài sự chủ động của đơn vị quản lý, sắp tới, lãnh đạo thành phố, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố sẽ tổ chức hội thảo, lấy ý kiến đóng góp của nhiều nhà quản lý, nhiều ban, ngành cũng như của chính những người đang tham gia quản lý, tổ chức hoạt động tại các nhà thiếu nhi…

X.Thùy
.
.
.