TP HCM: Nhiều chương trình thiết thực giúp người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng

Thứ Ba, 12/05/2009, 15:19
Quản lý người sau cai và tái hòa nhập cộng đồng (THNCĐ) hiện đang là vấn đề phức tạp của gia đình cũng như của chính quyền địa phương. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP HCM, phạm pháp hình sự thuộc các đối tượng này tăng đáng kể (tăng 36,6% so cùng kỳ 2007)… Vì vậy, tìm giải pháp để giúp đỡ những người sau cai và THNCĐ đang được chính quyền địa phương hết sức quan tâm…

Mô hình giải quyết việc làm hiệu quả cho người lầm lỡ

Tính đến ngày 15/4, TP HCM đã tiếp nhận 16.363 người THNCĐ về nơi cư trú. Và cũng để giúp người sau cai và THNCĐ tốt hơn, TP đã có những chương trình hỗ trợ như: Giới thiệu cho người THNCĐ các dịch vụ y tế, xã hội cần thiết để chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý, giúp đỡ học nghề, nâng cao trình độ học vấn, giải quyết việc làm hoặc trợ vốn làm kinh tế để họ ổn định cuộc sống…

Ngoài ra, cũng để giúp đỡ những người lầm lỡ, trót lao vào con đường nghiện ngập làm lại cuộc đời, một mô hình mới giúp người sau cai và THNCĐ có được một công việc ổn định đang được thực hiện rất tốt tại TP HCM là Cụm Công nghiệp - Dân cư Nhị Xuân (huyện Hóc Môn).

Mô hình này được UBNDTP đầu tư để xây dựng đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, thu hút các doanh nghiệp đến thuê đất, xây dựng nhà xưởng, tổ chức sản xuất, kinh doanh nhằm giải quyết cho khoảng 10.000 lao động. Trong đó khoảng 50% công nhân là người sau cai và người THNCĐ.

Công nhân là người sau cai đang làm việc tại Cụm Công nghiệp - Dân cư Nhị Xuân. Ảnh: T.H.

Còn nhớ, khi chúng tôi gặp anh L.N.T., công nhân Công ty CP SX-DV-TM-CK Đông Phương, anh T. cho biết: Mới đầu vào làm việc tại đây anh thấy mặc cảm lắm, nhưng nhiều người cùng cảnh ngộ, họ sống chân tình nên riết rồi quen.

Khi bị nghiện, T. đang là sinh viên năm 2 của Trường Đại học Luật TP HCM. Tại Trường Giáo dục và Giải quyết việc làm số 1 (Đắk Nông), T. phải trải qua 58 tháng ròng rã vật lộn với thử thách để chiến thắng bản thân mình. T. tâm sự, anh chỉ dám trở về gia đình khi nào đã có được một công việc ổn định.

Tương tự, chị L.T.X.U., công nhân DNTN Ngọc Hà cũng quyết tâm, phải có một công việc, thu nhập tự trang trải được cho cuộc sống thì mới trở về hòa nhập với cộng đồng… Hiện, tại Cụm Công nghiệp - Dân cư Nhị Xuân đã có nhiều doanh nghiệp đi vào hoạt động, giải quyết số lượng lớn lao động là người sau cai và THNCĐ.

Các công nhân này khi làm việc tại đây được bố trí ở trong các chung cư với đầy đủ tiện nghi cần thiết. Được đảm bảo việc làm, được học tập, đào tạo nghề phù hợp với nguyện vọng và nhu cầu của doanh nghiệp…

Giải pháp để quản lý người THNCĐ

Theo số liệu từ Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 15-4 trên địa bàn TP có 1.551 người THNCĐ tái nghiện (chiếm 13,27%). Để phòng chống và hạn chế tối đa tình trạng tái nghiện, ông Nguyễn Ngọc Thạch - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP. HCM cho biết, người THNCĐ cần tham gia các hoạt động xã hội, đoàn thể tại địa phương.

Phải sống lành mạnh, lạc quan, nghe lời gia đình cũng như tìm kiếm việc làm ổn định, cố gắng làm việc bằng chính khả năng lao động của mình. Đặc biệt, không giao du với những người xấu, bạn bè đã rủ rê hoặc sử dụng ma túy trước đây…

Cũng để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tái nghiện, hiện TP cũng đã giải quyết cho 8.808 người THNCĐ có việc làm (chiếm 75,35%). Theo tìm hiểu của chúng tôi, thu nhập bình quân của người THNCĐ ở mức 800.000 - 2 triệu đồng/tháng.

Nhiều trường hợp người THNCĐ làm chủ cửa hàng, cơ sở kinh doanh có mức thu nhập trung bình khoảng 5 - 7 triệu đồng như em Đặng Trần Minh Quân (phường 14, quận 3), em Lưu Minh Vĩnh Nghi (phường 11, quận 3), hay tại Công ty TNHH may Đại Việt, người THNCĐ làm việc cũng có mức lương khá cao, trung bình 1,8 - 3,5 triệu đồng/tháng (kỹ thuật viên)…

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, tính đến nay, đã có 1.059 người THNCĐ được vay vốn với số tiền 5 tỷ 876 triệu đồng với tỷ lệ trả vốn vay đúng hạn  đạt 97% - 98%.

Cũng để tạo sân chơi cho người THNCĐ, hiện có 23/24 quận, huyện thành lập được 200 CLB, đội nhóm và đi vào hoạt động nhằm tập hợp những người THNCĐ và gia đình người THNCĐ đến sinh hoạt…

Thúy Hà
.
.
.