TP HCM: Người kinh doanh tiếp tục khổ vì "lô cốt"

Thứ Năm, 06/01/2011, 15:45
Sở GTVT TP HCM vừa ra thông báo sẽ ngưng đào đường từ ngày 18/1 (tức ngày 15 tháng chạp) cho đến ngày 10/2 (tức mùng 8 Tết). Thời gian đào đường chỉ còn 15 ngày nhưng trên thực tế có rất nhiều công trình đào đường "lô cốt" án ngữ vẫn còn bề bộn, việc hoàn tất đào đường trước 15 tháng Chạp dường như khó thực hiện.

Thông báo của Sở GTVT TP HCM ghi rõ, chủ đầu tư các công trình phải có trách nhiệm đôn đốc các đơn vị thi công tái lập mặt đường, dọn dẹp về sinh khu vực công trường trước ngày 15 tháng Chạp (tức ngày 18/1). Các dự án nâng cấp đô thị, dự án vệ sinh môi trường nước phải làm gọn gàng để tránh gây phiền toái cho người dân nhất là các hộ kinh doanh ở những khu vực có công trình.

Tuy nhiên nhiều người dân ta thán về chuyện không thể kinh doanh khi "lô cốt" chiếm hết mặt tiền các đường lớn gây thất thu cho họ. Mặc dù Sở GTVT TP HCM đã ra thông báo nhưng dường như các "lô cốt" hiện hữu và các "lô cốt" mới vẫn cứ liên tục mọc ra gây ra cảnh bát nháo về giao thông trong những giờ cao điểm. Tình trạng này diễn ra thường xuyên trên khắp tuyến đường Hai Bà Trưng (từ quận 3 chạy suốt đến cho đến đường Nguyễn Kiệm thuộc hai quận Phú Nhuận và Gò Vấp).

Người kinh doanh không buôn bán được vì bị "lô cốt" án ngữ. Ảnh: M.Đ.

Tại giao lộ Hai Bà Trưng - Võ Thị Sáu cứ khoảng 16h là giao thông nơi đây bị ùn tắc khi "lô cốt" thuộc dự án vệ sinh môi trường nước TP Hồ Chí Minh nằm chễm chệ giữa ngã tư. Phương tiện bị dồn cục lại nhích từng mét đường, leo lên lề đường để tìm lối thoát. Đau nhất là các cửa hiệu buôn bán quần áo tại đây do liên tục bị tắc đường, tình trạng buôn bán của họ rơi vào cảnh ế ẩm.

"Người lưu thông còn không có lối đi, khói bụi, kẹt xe liên tục thì ai mà có tâm trạng dừng lại ghé mua đồ" - chủ một tiệm thời trang ngay góc đường này phàn nàn. Chị cho biết, bình thường mỗi ngày thu nhập hơn chục triệu đồng, nay ngày nào cao lắm cũng chỉ được vài triệu đồng. "Tiền mặt bằng thì tăng liên tục trong khi khách mua hàng thì không ghé, trước sau gì cũng bị phá sản bởi mấy ông "lô cốt" này" - chị than thở.

Nguyên khu vực cầu Kiệu (Phú Nhuận) dường như bị ùn tắc liên tục khi một "lô cốt" án ngữ gần hết cây cầu. Mỗi làn đường chỉ còn lại hơn 2m nên các phương tiện cứ nhích từng bước dù chẳng phải là giờ cao điểm. Vào giờ cao điểm, các dòng xe từ đường Hai Bà Trưng, Trần Quang Khải, Phan Đình Phùng đổ dồn về hướng Gò Vấp thì cây cầu Kiệu này trở thành nút thắt cổ chai làm các phương tiện dồn ứ. Không có khách, các cửa hàng ở đây bung hàng ra vỉa hè buôn bán. "Kiếm được đồng nào hay đồng đó gỡ vốn chứ cứ đợi "lô cốt" tháo dỡ thì có nước Tết này chẳng thu nhập được gì!"- chị Hạnh, chủ một cửa hiệu gần cầu Kiệu chặc lưỡi.

Đau nhất có lẽ là đoạn đường Lê Văn Sỹ (Phú Nhuận, Tân Bình), hàng trăm cửa hàng buôn bán quần áo dồn hàng chờ dịp Tết bung ra bán thì nay phải ngồi bó gối ngó ra đường nhìn cảnh xe cộ bị ùn ứ. Các "lô cốt" cứ đến dịp Tết lại mọc ra làm người buôn bán không làm ăn gì được. Các chủ cửa hàng ở đây "linh động" bằng cách đổ hàng ra vỉa hè bán đổ bán tháo gỡ gạc lại vốn, còn lại các cửa tiệm chỉ lèo tèo vài người khách bước vào.

"Đổ hàng ra vỉa hè bán thì bị phạt nhưng phải chịu, chứ cửa tiệm "vắng như chùa Bà Đanh" thì tiền đâu trả mặt bằng. "Lô cốt" vừa tháo đi chưa kịp mừng thì "lô cốt" mới lại mọc ra, không biết bao giờ dân buôn bán chúng tôi mới thoát được cảnh này!" - chị Phương, chủ một cửa tiệm quần áo (Phú Nhuận) than.

Dạo quanh các tuyến đường, chúng tôi thấy vẫn ngổn ngang tình trạng lô cốt che khuất các hộ kinh doanh. Có những tuyến đường lô cốt rút đi bị băm nát và tái lập mặt đường một cách sơ sài. Bụi tung mù mịt khi các phương tiện lưu thông qua làm cho các cửa hàng kinh doanh trên các tuyến đường này phải đóng cửa im ỉm. Dọc các tuyến Âu Cơ (Tân Bình), Lũy Bán Bích (Tân Phú) "lô cốt" tháo đi làm mặt đường lồi lõm, những chỗ chưa tháo dỡ thì án binh bất động trong khi các hố sâu dọc các “lô cốt” này lại xuất hiện nhiều hơn như bẫy người đi đường.

Ông Nguyễn Vĩnh Ninh - Phó Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1, đơn vị quản lý các tuyến đường ở các quận 1, 3, Phú Nhuận cho biết: Có 49 "lô cốt" thuộc các dự án vệ sinh môi trường thành phố, nâng cấp đô thị... vẫn còn tồn tại mà khu đang quản lý. Trong nhiều đợt kiểm tra, số "lô cốt" này đều vi phạm về quá hạn thi công, thiếu an toàn rào chắn…

Tết Nguyên đán Tân Mão đang cận kề với tình trạng "lô cốt" cũ và mới vẫn còn nhan nhản trên đường gây cản trở người lưu thông, gây thất thu cho các đơn vị kinh doanh nhưng khó có thể "xóa" như thế này thì còn nhiều việc đáng bàn. Người buôn bán vẫn là người bị thiệt thòi nặng nề một khi "lô cốt" không được tháo dỡ đúng hạn…

Nghinh Phong
.
.
.