TP HCM: Ngành Giáo dục triển khai “5 chương trình hành động”

Thứ Năm, 25/01/2007, 10:44
Để chấm dứt việc dùng tiền bạc lo lót cho con em vào trường, Sở GD-ĐT TP HCM sẽ không duy trì những lớp dự bị tại những trường chuyên và những trường có lớp bán công. Việc công bố điểm học sinh được thực hiện công khai.

Ngày 24/1, Sở GD&ĐT thành phố đã có cuộc họp triển khai chỉ thị của UBND TP về chương trình hành động "chấn chỉnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GD - ĐT" trên địa bàn thành phố. 2 trong 5 chương trình được các đại biểu góp ý nhiều nhất là việc củng cố hoàn thiện mạng lưới trường học và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên…

Đất dành cho giáo dục không được phép cắt xén

Nhiều đại biểu trong hội nghị đều cho rằng việc quy hoạch chi tiết và tốc độ triển khai xây dựng trường học ở hầu hết địa phương thời gian qua còn quá chậm. Bà Hóa - đại diện cho Phòng GD&ĐT quận Phú Nhuận đã dẫn chứng: Tại Phú Nhuận trong năm qua ngân sách dành cho GD là 33,6 tỷ đồng. Năm nay xấp xỉ 34 tỷ đồng. Nhưng do có một số thay đổi về chính sách đầu tư, tăng lương… nên chỉ riêng việc chi cho lương giáo viên không thôi đã hết... tiền.

Đại diện của huyện Bình Chánh, bà Nguyễn Thùy - Phó Chủ tịch UBND cho biết, do tốc độ đô thị hóa tại Bình Chánh đang phát triển rất nhanh. Dân số đã tăng thêm 3.000 dân/năm. Dù năm nào huyện cũng có những ngôi trường mới ra đời nhưng vẫn không thể đáp ứng nổi. Cơ chế cho phép được thực hiện xã hội hóa nhưng vì đặc thù là một huyện quá nghèo nên không… xã hội hóa nổi. Ví như việc xây thêm những trường mầm non tư thục cho con em huyện Bình Chánh được học tập cho tới nay vẫn không thể thực hiện. Bà đề nghị UBND cho phép xây dựng ở Bình Chánh mỗi xã có 1 trường mầm non công lập.

Cùng ý kiến với 2 quận trên, ông Ngô Văn Tấn - Trưởng phòng Giáo dục quận 6, nói: "Việc quy hoạch mạng lưới trường lớp nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục là có nhưng việc "chuyển động" hay không thì còn một khoảng cách… rất xa".

Chủ trì hội nghị - Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Tài cho biết, ngân sách dành cho giáo dục của thành phố năm nay cao hơn hẳn mọi năm. Riêng về ngân sách thường xuyên chi cho giáo dục hàng năm là không dưới 20%.

Do đó ông đề nghị các Phòng GD&ĐT phải chủ động bàn bạc với cơ quan tài chính kế hoạch địa phương, cơ bản là phải năng động từ chính quyền tới từng trường học. Đồng thời chọn lọc và ưu tiên đầu tư những khu vực trọng điểm theo một nguyên tắc bất di bất dịch: "Đất dành cho giáo dục và y tế không được phép cắt xén".

Các địa phương phải có bản báo cáo chi tiết kế hoạch và tiến độ triển khai xây dựng tới quý I-2007. Không để tình trạng đóng băng trong xây dựng trường lớp.

Chấm dứt nạn lạm thu, chạy trường, dạy thêm học thêm tràn lan

Theo bà Thùy, Bình Chánh hiện đang diễn ra tình trạng thiếu trầm trọng giáo viên cấp III. Sinh viên Trường Sư phạm ra trường không muốn về vì cho rằng xa xôi, chế độ động viên không có. Vừa qua UBND huyện đã lên chương trình "trải thảm đỏ" bằng cách nâng mức lương cho giáo viên thêm 500.000/tháng nhưng ở tất cả các trường cấp III trong huyện vẫn thiếu từ 10 - 12 giáo viên.

Nếu mãi tình trạng như này sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy và phổ cập giáo dục THPT. Là một địa bàn ngay sát trung tâm TP nhưng kết thúc học kỳ I vừa qua, vẫn có tới 5 trường THCS trên địa bàn huyện chưa được trang bị máy  tính.

Ông Huỳnh Công Minh - Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, để chống việc thiếu giáo viên, Bộ Giáo dục đã cho phép các địa phương tùy theo nhu cầu mà được tự tuyển dụng thay vì trước đây phải tuyển dụng tập trung về thành phố. Nhưng để tránh khủng hoảng thừa, việc tuyển dụng được lấy theo từng chức danh.

Để tạo cơ chế vận hành phù hợp trong thời kỳ hội nhập, Sở cũng có kế hoạch cho giáo viên các trường được đi tu nghiệp ở nước ngoài trong năm học 2007 - 2008 để học hỏi kinh nghiệm.

Cùng với thực hiện 5 chương trình hành động riêng của thành phố, các trường tiếp tục thực hiện chương trình "3không": Không dạy thêm, học thêm tràn lan, không chạy trường tiêu cực và không lạm thu.

Để chấm dứt việc dùng tiền bạc lo lót cho con em vào trường, Sở sẽ không duy trì những lớp dự bị tại những trường chuyên và những trường có lớp bán công. Việc công bố điểm học sinh được thực hiện công khai.

Để chống việc lạm thu trong trường, theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT trong năm học 2007 các trường cần lên kế hoạch cụ thể và công khai hóa các khoản tiền thu của học sinh, phân biệt rõ tiền y tế, bảo hiểm, quỹ hội PHHS

Huyền Nga
.
.
.