TP HCM: Lại "nóng" tuyển sinh vào lớp 1

Thứ Hai, 26/04/2010, 11:44
Tuy còn hơn 2 tháng nữa Sở GD&ĐT TPHCM mới công bố đồng loạt danh sách HS lớp 1 trên toàn địa bàn, nhưng ngay trong thời điểm này, các bậc PH đã "đứng ngồi không yên" lo tìm chỗ học phù hợp cho con. 

Ngay từ giữa tháng 4/2010, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đã có bản trình UBND TP về kế hoạch tuyển sinh vào các lớp đầu cấp trên địa bàn. Trong đó với quyết tâm huy động 100% trẻ 6 tuổi đều được vào lớp 1, việc phân tuyến vẫn phải thực hiện. Tuy nhiên, tình trạng thiếu trường, thiếu lớp là một nan giải mà ngành chưa thể tháo gỡ khiến mục tiêu phấn đấu thực hiện sĩ số 35 HS/lớp vẫn còn xa... vời vợi.

Chưa giải tỏa được áp lực thiếu trường, thiếu lớp

Được biết, thời gian tuyển sinh lớp 1 năm học 2010-2011 bắt đầu từ ngày 1/7/2010 và công bố kết quả vào 31/7/2010. Năm học này theo khảo sát của phòng giáo dục các quận, huyện và Sở Giáo dục TP HCM cho biết, số lượng HS vào lớp một trong năm nay tại địa phương tiếp tục tăng vọt, đặc biệt là 2 quận: Gò Vấp và Bình Tân.

Tại cuộc họp với Sở Thông tin Truyền thông ngày 22/4 xung quanh những thắc mắc về việc quản lý HS, ông Nguyễn Hoài Chương - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM nhận định trong năm học tới, do tình hình thiếu trường, thiếu lớp nên chỗ học cho HS lớp đầu cấp vẫn căng thẳng. Nguyên nhân do "tình hình tăng dân số cơ học" diễn ra vài năm nay tại các địa phương. Riêng quận Bình Tân, ông cho biết, số trẻ trong độ tuổi vào lớp 1 năm nay là 9.000 trẻ. Nhưng cho tới nay số "chỗ" học chỉ đáp ứng được trên 4.000. Như vậy còn khoảng 5.000 trẻ trên địa bàn quận này sẽ phải có giải pháp "gửi nhờ" học tại các trường thuộc quận lân cận.

Trưởng phòng GD quận Bình Tân - ông Trần Hữu Vĩnh cho biết, các nhà máy, xí nghiệp tại địa bàn trong năm 2003 tới nay phát triển mạnh mẽ do sự phát triển khu công nghiệp thu hút một số lượng rất đông công nhân từ các tỉnh, thành cả nước về. Dẫn tới số dân của quận từ 254.000 lên đến 490.000 dân và cũng làm tăng số HS trong độ tuổi tới trường. Bình quân mỗi năm Bình Tân phải đón thêm 1.000 HS mới.

Ngày khai giảng năm học của Trường Tiểu học Kỳ Đồng, quận 3, TP HCM. Ảnh: H.Nga

Theo ông Vĩnh, từ khi thành lập Phòng GD tới nay, địa bàn quận đã xây dựng mới thêm 6 trường với 125 phòng học, nâng số trường tiểu học trên địa bàn là 15 trường. Trong đó gồm 421 lớp với 16. 374 HS và có 5.973 HS được học 2 buổi/ngày. Nhưng mới chỉ đạt tỉ lệ 36,5% HS học 2 buổi/ngày.

Khảo sát tại phường Bình Hưng Hòa quận Bình Tân, có dân số tăng dần hàng năm trung bình là 9,3%. Toàn phường này vào năm 2008-2009 có gần 17.000 dân. Theo thầy Dương Văn Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Thuận, Bình Tân, nếu như vào năm 2006-2007, số lượng HS tiểu học tăng biến động từ 44 lớp lên 50 lớp tức tăng lên 1.741 em. Thì tới năm 2008-2009, ghi nhận số HS tiểu học trường này là 1.920 em (tức tăng lên 6 lớp với 179 HS). Có 48 lớp học một buổi. Năm học 2008-2009 vừa qua đều phải thực hiện học ca 3.

Sẽ lại tiếp tục điệp khúc "chạy trường"

Việc Sở GD&ĐT thực hiện phân tuyến cho HS đầu cấp theo từng địa phương theo diện đăng ký hộ khẩu của từng phường đã giúp cho các em có điều kiện học gần nhà. Đa số các PH đều mong muốn như vậy để tiện đưa rước con lại vừa giúp PH tiết kiệm thời gian. Nhưng cơ sở vất chất (CSVC) của các trường lại không đáp ứng đủ cho một lượng HS có đầu vào lớn như năm nay. Hầu hết các bậc PH mà chúng tôi có dịp gặp gỡ những ngày gần đây đều tâm sự nếu "ngó" thấy CSVC trường "tương lai" của con mà quá xuống cấp, sĩ số quá đông thì họ sẽ quyết tâm chuyển con sang học một trường khác đảm bảo chất lượng và sức khỏe cho con mình.

Bà Thanh Mai (ngụ tại phường 12, quận Tân Bình) lại cho biết: "Do gia đình làm ăn còn nhiều khó khăn, trong khi đó tiền phí của cháu lại quá cao nên gia đình cũng muốn cho cháu vào một trường khác nhưng vì nằm trong tuyến này nên cũng không biết là có thể xin cho cháu qua trường công hay không?".

Theo Th.S Nguyễn Nghĩa Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (Tân Bình), để có thể có mô hình trường tiểu học kiểu mẫu, đảm bảo chất lượng "như ý" thì còn là ước mơ lâu lắm! Hầu hết các trường hiện nay đều không đủ CSVC để cho trường hoạt động cả ngày. Và một số trường học có tổ chức học bán trú cho HS nhưng cũng không đạt được mong muốn. Việc dạy buổi thứ 2 cho HS ở nhiều nơi theo ông Dũng: "Đôi lúc chúng ta có cảm giác việc dạy trẻ ở buổi thứ 2 này như việc trông trẻ cho PH hơn là góp phần nâng cấp chất lượng dạy học". Suy nghĩ của ông Dũng trên đây cũng lý giải vì sao chuyện "chạy trường" vẫn xảy ra là lẽ đương nhiên mỗi khi vào đầu năm học

H.Nga - N.Ân
.
.
.