TP HCM: Khẩn trương ngăn chặn nhiều dịch bệnh truyền nhiễm

Thứ Năm, 08/05/2014, 05:02
Tay chân miệng, sốt xuất huyết tăng trên 27%, thủy đậu tăng 200% so với cùng kỳ.

Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, ngày 7/5, Sở Y tế TP HCM đã có cuộc họp với lãnh đạo y tế và lực lượng y tế dự phòng(YTDP) 24 quận huyện để đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch. Ghi nhận cho thấy, cùng với nỗi lo tiếp tục phải ngăn chặn dịch sởi, ngành Y tế thành phố đang phải căng mình đối phó với nhiều loại bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng(TCM), sốt phát ban, viêm màng não…đều đang gia tăng. Điều đáng chú ý, tại những địa bàn có số ca mắc bệnh tăng cao như Bình Tân, quận 8, quận 6, …lực lượng YTDP cho biết đã làm hết cách công tác dự phòng nhưng vẫn không kéo giảm được số trường hợp bệnh Nhi mắc bệnh.

Bệnh Nhi mắc bệnh tay chân miệng biến chứng được chăm sóc tại Nhi Đồng 1.

Thừa nhận tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, tình hình dịch bệnh tại thành phố đang hết sức căng thẳng. Trong đó bệnh sởi chưa có dấu hiệu chững lại, số trẻ mắc bệnh (TCM) đang tăng lên từng tuần tại các bệnh viện(BV) Nhi , và sốt xuất huyết (SXH) tại một số quận huyện điển hình từ nhiều năm nay như quận 8, Bình Tân, dù thực hiện vệ sinh, khử khuẩn đầy đủ nhưng không giảm được số ca mắc bệnh.

Theo Trung tâm YTDP TP HCM, từ đầu năm đến nay đã có hơn 1.300 ca sởi nhập viện. Và cho tới nay sởi vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Riêng trong tháng 4, có 220/325 phường xã trên địa bàn thành phố có ca mắc sởi với số nhập viện điều trị là 645 bệnh nhi. Tại 2 BV Nhi Đồng 1 và 2, số ca sởi nhập viện điều trị vẫn giữ mức cao từ 60-  80 - 90 ca/ngày. Trong đó, 2 BV này đều đã thực hiện phân luồng bệnh nhân, bệnh nhẹ được hướng dẫn, điều trị tại nhà.

Phòng bệnh khoa Nhiễm- Bệnh viện Nhi đồng 1 không còn giường, bệnh nhân và người thân phải nằm ngoài hành lang.

Về việc tiêm vét sởi, TP đã thực hiện tiêm phòng sởi cho trẻ từ 9 tháng tuổi đến 3 tuổi. Sau 9 tuần triển khai đã có 65.000 bệnh nhi được tiêm chủng từ chương trình tiêm chủng mở rộng. Tiếp đó, TP HCM mở rộng chương trình tiêm chủng miễn phí vaccine sởi cho trẻ dưới 10 tuổi. Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng-Giám đốc Trung tâm YTDP TPHCM cho biết, theo kế hoạch, ngành y tế thành phố sẽ tiếp tục triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng sởi từ ngày 16/5 đến hết tháng 7/2014. Dự kiến sẽ có 250.000 – 300.000 trẻ được tiêm ngừa sởi trong dịp này.

Trong khi đó, hàng loạt các dịch bệnh nguy hiểm cho trẻ cũng đang bùng phát. Riêng trong tuần qua, số trẻ đến khám tại BV Nhi Đồng 2 lên tới hơn 6000 lượt/ngày, chủ yếu là mắc sởi, TCM, sốt siêu vi, sốt phát ban...Riêng số ca mắc SXH từ đầu năm tới nay là 2.600 ca, tăng 27,7%, TCM là 2.900 ca( tăng trên 27%). Riêng hai loại bệnh nguy hiểm tăng cao như:  viêm não virus 116 ca( tăng  61%); thủy đậu: 509 ca( tăng 200%) ...so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng với bệnh TCM, trong tháng 4 đã có 708 trường hợp phải nhập viện, chưa kể số trẻ mắc bệnh nhẹ được điều trị ngoại trú. Trong tháng 4, số ca mắc bệnh TCM đã xuất hiện ở tất cả các Q/H trên địa bàn. Tại BV nhi Đồng 1 hiện còn đang tiếp nhận điều trị nội trú 30 trường hợp viêm màng não, trong khi đó thông thường cùng thời kỳ mọi năm, chỉ tiếp nhận khoảng 5 – 7 ca.

Bệnh thủy đậu tại khoa Nhiễm -Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 -TPHCM.

Phân tích về dịch tễ, ông Trần Đình Phong, cán bộ Trung tâm YTDP quận 8 trình bày, dù đã triển khai rất nhiều các giải pháp đồng bộ phòng chống dịch gồm: tổ chức tiêm ngừa, mở các chiến dịch vệ sinh khử khuẩn môi trường tại các trường học và khu dân cư, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng...; nhưng số ca bệnh không giảm mà còn gia tăng. Được biết, tại quận 8 ngoài bệnh sởi, bệnh TCM trong tháng 3 và tháng 4 tăng gấp 3 lần so với các tháng trước. Cũng theo ông Phong, dịch bệnh tại nơi này khó kéo giảm do hạ tầng cơ sở và vệ sinh môi trường ở một số nơi trên địa bàn quận còn thấp kém, chủ yếu do ý thức người dân. Trên địa bàn có khoảng 3.000 hộ dân sống ở khu vực ven kênh rạch, thải rác thẳng xuống kênh, gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra còn khoảng 10.000 căn hộ bất động sản đang xây dựng dang dở, bỏ hoang, trở thành những ổ nuôi muỗi và lăng quăng.

 Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM yêu cầu, lực lượng YTDP quận 8 nói riêng và các quận huyện nói chung, cần nghiêm khắc nhìn nhận lại và làm rõ nguyên nhân vì sao “đã làm hết cách” mà dịch bệnh vẫn gia tăng. “Nếu chỉ biết báo cáo cho bài bản mà không giải quyết dứt điểm trước hết là dịch sởi, trong tình hình nhiều dịch bệnh gia tăng như hiện nay là rất nguy hiểm cho thành phố”.

 Ông Hưng nhấn mạnh. Đồng thời, trong tuần, sở y tế TP sẽ thành lập các đoàn kiểm tra giám sát trực tiếp tới các nơi có số ca mắc bệnh cao  như: Thủ Đức, quận 8, Bình Tân, Bình Chánh... để tìm hiểu và nhằm có những biện pháp chống dịch hiệu quả. Trong đó, công tác truyền thông được hết sức coi trọng. Nhất là việc tuyên truyền tại các địa phương đưa trẻ đi tiêm vaccine sởi, hướng dẫn người dân thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh cá nhân, nơi ở, trường học, nơi công cộng tập trung đông người …để không chỉ ngừa bệnh TCM mà còn nhiều bệnh lây qua đường tiếp xúc như: thủy đậu, cúm. Trong đó cần thực hiện nghiêm ngặt việc thông báo sớm, phát hiện, giám sát ngay những ổ dịch trong cộng đồng, thực hiện tốt công tác điều trị, cách ly, tránh để dịch bệnh truyền nhiễm lây lan

Huyền Nga
.
.
.