TP HCM: Chưa vào mùa mưa đã ngập đường
Chỉ một cơn mưa trái mùa mà tình trạng thoát ngập vẫn chưa được khắc phục thì vào mùa mưa thật sự tình trạng này còn bi đát đến như thế nào. Đã có nhiều cuộc họp bàn biện pháp chống ngập cho thành phố nhưng dường như chưa có biện pháp nào hữu hiệu hay đạt hiệu quả cao để xóa bỏ tình trạng này.
Mưa bất thường, đường biến thành sông
Dù mưa chậm hơn khu vực trung tâm thành phố nhưng các con đường Hoàng Diệu, Vĩnh Khánh, Đoàn Văn Bơ, quận 4 nước vẫn ngập cao hơn 20 cm và rút rất chậm. Các tuyến đường Phan Văn Hân, Nguyễn Hữu Cảnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, đường Phố Quang (quận Tân Bình), Phan Văn Hân, Đề Thám, quận 1 ngập trên dưới 30cm.
Riêng tuyến đường Phan Đình Phùng (đoạn ngay cầu Kiệu) quận Phú Nhuận, nước mưa cộng với nước từ dưới kênh tràn qua miệng cống gây ngập cao gần 50cm. Một số người bán hàng quán lề đường ngồi xếp bằng trên ghế nhìn nước chảy ào qua gánh hàng của mình.
Có dự án chống ngập nhưng bao giờ dân thoát cảnh "sống chung với ngập"
Hình thức đê bao ở các vùng trũng, vùng ven các tuyến sông ở các quận, huyện nằm trong vùng trũng ở TP Hồ Chí Minh chủ yếu được làm bằng các chất liệu như bùn đất, xà cừ… nên việc chống chọi với các đợt triều cường là vô cùng yếu ớt. Qua các đợt triều cường năm 2007 mà đỉnh triều có lúc lên đến 1,49m cho thấy các tuyến đê, bờ bao luôn bị phá vỡ dưới sức ép của áp lực nước.
Theo số liệu ngập lụt ở TP Hồ Chí Minh từ năm 2003 cho thấy; toàn bộ TP Hồ Chí Minh có diện tích 2.092km2 trong đó các vùng bị ngập lũ do triều cường, mưa lớn là 120.000ha. Vừa qua, trong các cuộc họp tìm giải pháp chống ngập, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra giải pháp xây dựng hệ thống cống và đê bao quanh thành phố kiểu khép kín với mức kinh phí là 7.200 tỷ đồng được phân chia làm 3 giai đoạn.
Trong đó xây dựng các cống lớn tại các khu vực ngập nặng để ngăn triều (đóng thoát nước từ các rạch nhỏ ra các sông lớn), nạo vét các kênh trục thoát nước trung tâm thành phố với kinh phí gần 6.000 tỷ đồng. Xây dựng hệ thống tuyến đê bao khép kín dài hơn 164km tại các tuyến đê hiện hữu và nạo vét, cải tạo hơn 100km các tuyến đê đang sử dụng để điều tiết nước.
Kế hoạch thì như vậy nhưng việc thực thi quả là một giai đoạn không dễ dàng. Ngoài biện pháp mà các cơ quan có thẩm quyền đang nhắm tới chúng ta vẫn nhận thấy còn nhiều nguyên nhân nữa đã biến TP Hồ Chí Minh phải sống trong tình trạng ngập lụt.
Đó là tình trạng san lấp một cách phản khoa học các kênh rạch tự nhiên trong thành phố để sử dụng vào mục đích xây dựng.
Như vậy, dù có giải pháp, kế hoạch đến từng chi tiết nhưng cần phải có thêm biện pháp mạnh để giải quyết các nguyên nhân khác gây ra cảnh ngập úng cho thành phố. Người dân vẫn chờ thoát ngập trong cảnh ngập nước khi mùa mưa đang đến gần!