TP HCM: Chợ tự phát tràn xuống đường

Thứ Hai, 12/07/2010, 15:10
Từ những con hẻm nhỏ, khu vực đông dân cư, người lao động, cho đến các tuyến quốc lộ, chợ tự phát (CTP) mọc lên như nấm sau mưa. Ban đầu chỉ vài người bán hàng rong, có khách đến mua thì lũ lượt kéo nhau về lập chợ.

Tại các CTP, một điều dễ thấy là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) không được đảm bảo, gây mất ANTT, TNGT và thường xuyên bị ùn tắc giao thông. Nhưng cho đến nay vấn đề này vẫn chưa được cơ quan chức năng quan tâm đúng mức.

Sau mỗi buổi họp chợ là rác thải vứt ngổn ngang trên lòng đường, bốc mùi hôi thối. Ngay trước Khu Chế xuất Linh Trung 2 (nằm trên tuyến quốc lộ 1A, phường Linh Trung, quận Thủ Đức) chỉ một đoạn đường gần 1km, các phương tiện giao thông lưu thông tấp nập nhưng các hộ kinh doanh vẫn ngang nhiên bày bán hàng hóa tràn ra cả lòng đường. Chợ họp 2 buổi, sáng từ khoảng 5 giờ đến 10h, chiều từ 15h đến 19h, chủ yếu phục vụ cho công nhân đang làm việc tại khu chế xuất Linh Trung 2.

Vào giờ tan ca, hàng ngàn công nhân tủa ra bao quanh mua hàng tại CTP gây nên cảnh hỗn loạn, các phương tiện giao thông bị dồn ứ lại, gây nên tình trạng ùn tắc giao thông. Mặc dù, Công an phường nhiều lần ra quân xử lý, nhưng chỉ được vài ngày tình trạng họp chợ lại tái diễn. Không ít vụ va quẹt, TNGT xảy ra tại khu CTP này, do lượng giao thông trên đường rất lớn, một phần đường đã bị lấn chiếm để họp chợ.

Chợ tự phát mọc lên như nấm trên các tuyến quốc lộ tại TP HCM.

Vào đầu tháng 5, một vụ TNGT thương tâm làm chị C.T.D (SN 1986, công nhân) đứt lìa một chân. Theo nhiều nhân chứng kể lại: Chị D sau giờ tan ca trên đường trở về phòng trọ đã tạt qua chợ mua một ít thức ăn về chuẩn bị bữa tối thì xảy ra TNGT với xe tải biển số 53R-02... sau khi gây tai nạn, tài xế bỏ trốn khỏi hiện trường, nạn nhân nằm quằn quại đau đớn dưới lòng đường khiến ai cũng xót xa.

Ngay trên cầu Kiệu (cây cầu tiếp giáp giữa quận 1 với quận Phú Nhuận), hai bên lan can cầu bị chiếm làm nơi họp chợ, bày bán giày dép, túi xách…. Vào khoảng 4h chiều mỗi ngày, kẻ bán người mua tấp nập kì kèo trả giá nên giao thông qua đoạn đường này thường xuyên bị ùn tắc. Tuy nhiên "địa điểm" này rất khó dẹp bởi khi lực lượng dân phòng đến kiểm tra thì các "shop" này di chuyển qua phía hành lang cầu bên cạnh (thuộc địa bàn phường khác).

Trong một lần tác nghiệp tại khu vực này, khi vừa lấy máy ảnh ra để chụp ảnh thì một số đối tượng nhào tới đòi lấy máy ảnh và buông những lời lẽ thô tục, chửi bới, hăm dọa. Dọc theo đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp) chỉ một đoạn đường ngắn nhưng hàng hóa, thức ăn chất đầy trên xe ba gác bày bán la liệt hai bên đường. Tiếp đó trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) một đoạn đường khoảng 400 mét nhưng tập trung đến 4 CTP dọc hai bên đường.

Ông Nguyễn Văn Bảy (ngụ đường Lê Đức Thọ) bức xức: "Ngày 2 buổi, cứ mỗi lần đi làm về là phải chen chúc trong dòng người chật cứng kẻ bán người mua tràn xuống đường". Trên đường Đoàn Văn Bơ (quận 4) con đường vốn đã nhỏ hẹp bị chiếm dụng họp chợ, hai bên đường hàng hóa bày bán tràn cả xuống lòng đường. Giao thông qua đoạn đường này luôn bị ùn tắc, dồn cục.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trên đường Trường Trinh (đoạn gần cầu vượt An Sương, quận 12) hàng chục người bán hải sản đựng trong xô, chậu bày hẳn xuống phần đường của xe hai bánh. Người bán đứng lẫn trong dòng xe cộ đông đúc mời chào, lôi kéo khách hàng gây mất ANTT... Các phương tiện giao thông qua đây hết sức khó khăn. Hàng hóa bày bán mất vệ sinh, không rõ nguồn gốc kiểm định. Mặc dù hoạt động trong tình trạng mất vệ sinh như vậy nhưng chợ tự phát vẫn ngang nhiên tồn tại từ nhiều năm nay. Các lực lượng giữ gìn trật tự cơ sở đã có nhiều lần ra quân xử lý, song mỗi khi lực lượng này rút đi, những gánh hàng di động liền tràn xuống lề đường gây nên cảnh xô bồ, bát nháo.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường xử lý đối với các hộ kinh doanh không đúng nơi quy định, đặc biệt là tại những CTP để lập lại ANTT trên địa bàn

Văn Vĩnh
.
.
.