TNGT đường sắt: Một phần do bất cẩn

Thứ Năm, 14/06/2012, 14:58
Từ đầu năm 2012 đến nay, tình hình tai nạn giao thông đường sắt tiếp tục diễn biến phức tạp, khiến nhiều người chết, nhiều người bị thương nặng, thiệt hại về tài sản rất lớn, trong đó phần lớn là lỗi của người tham gia giao thông.
>> Tai nạn giao thông đường sắt diễn biến phức tạp

Những ngày gần đây, trên địa bàn toàn quốc liên tiếp nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt nghiêm trọng đã khiến nhiều người chết, nhiều người tàn tật suốt đời, thiệt hại khó có thể tính hết. Năm 2012, ngành Đường sắt đặt mục tiêu giảm 10% tai nạn giao thông đường sắt ở cả ba tiêu chí: số vụ tai nạn, số người chết và bị thương; không để xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Nhưng với thực trạng tai nạn xảy ra liên tiếp như thế này, liệu chỉ tiêu đề ra có thể hoàn thành(?).

Tai nạn nối tiếp tai nạn

Vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra gần nhất vào tối 10/6. Thời điểm đó, anh Phan Văn Hùng, SN 1974, quê ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đang đứng trên đường ray, đoạn đường ngang dân sinh số 150 Ngọc Hồi, Hà Nội gọi điện thoại. Đúng lúc đó tàu hỏa xuất phát hướng Hà Nội-HCM chạy tới. Hậu quả là anh Hùng đã bị tàu tông trực diện khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

Tối 17/5, đoàn tàu SNT2 chạy từ ga Sài Gòn ra Nha Trang, khi đi qua ga Bình Triệu khoảng 1,5km (địa phận phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM) đã tông vào chị Nguyễn Thị Xuân Hòa, 39 tuổi, ở quận Thủ Đức khi chị đang xuất hiện trên đường ray. Trước khi bị đâm, lái tàu đã phát hiện ra chị Hòa và hú những hồi còi dài liên tục. Nhưng không hiểu sao khi đoàn tàu còn cách vài mét thì chị Hòa mới di chuyển ra khỏi đường ray nhưng không kịp. Hậu quả là chị Hòa đã bị tàu kéo lê một đoạn rồi hất văng vào lề đường khiến chị tử vong.

Sáng 6/4, xe ôtô du lịch BKS 29L-7010 chở đoàn người từ Thái Bình đi Hà Nội. Xe chạy đến địa phận xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên (Hà Nam) thì dừng để mọi người đi vệ sinh. Lúc này anh Bùi Xuân Bắc, 37 tuổi, quê ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình cùng một số người khác băng qua rào chắn giữa đường sắt và đường bộ, vượt sang bên kia đường sắt. Đúng thời điểm đó, đoàn tàu chạy hướng Bắc-Nam lao tới. Mặc dù tàu hỏa đã kéo còi, ra tín hiệu cảnh báo nhưng anh Bắc vẫn cố vượt qua nên đã bị tàu tông thẳng khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

http://cand.com.vn/Uploaded_CANDONLINE/phuonglien/6_hien2511-450.jpg
Hiện trường một vụ tai nạn đường sắt khiến nhiều người tử vong.

Trước đó ít ngày, xe ôtô khách BKS 17K-5671 trên đường đi đón dâu từ Bắc Giang về Thái Bình, đến Km 69 thuộc địa phận thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục (Hà Nam) thì dừng lại để cho mọi người đi vệ sinh bên kia đường tàu hỏa. Sau khi đi vệ sinh xong, chú rể Nguyễn Quyết Tiến cùng mẹ và bác họ vượt đường tàu hỏa để sang đường đã bị tàu khách Thống Nhất SE13, chạy hướng Hà Nội - TP HCM lao tới hất văng cả ba người về phía trước khiến họ tử vong tại chỗ...

Những thiệt hại nặng nề

Thống kê của Tổng Công ty Đường sắt, năm 2011, toàn ngành đã xảy ra 524 vụ tai nạn giao thông đường sắt (tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước), làm chết 263 người và bị thương 350 người. Do tai nạn giao thông đường sắt và các sự cố chạy tàu nên năm qua, số giờ tàu bị chậm gần 1.276 giờ, làm hỏng hơn 3.100m đường sắt, 16 đầu máy, 30 toa xe và 213 ôtô, xe máy.

Từ đầu năm 2012 đến nay, tình hình tai nạn giao thông đường sắt tiếp tục diễn biến phức tạp, khiến nhiều người chết, nhiều người bị thương nặng, thiệt hại về tài sản rất lớn, trong đó phần lớn là lỗi của người tham gia giao thông.

Trước thực trạng TNGT nghiêm trọng liên tiếp xảy ra, mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - Đinh La Thăng đã đề nghị Chính phủ nên xem xét đến trách nhiệm của Trưởng ban An toàn giao thông, đồng thời là Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nếu để xảy ra TNGT trong ba năm liên tiếp.

Vậy trách nhiệm của Tổng Công ty Đường sắt đối với các vụ tai nạn đường sắt thì sao? Bởi tai nạn giao thông đường sắt mỗi năm một nhiều, chủ yếu là tai nạn từ các đường ngang dân sinh. Và dù không muốn nhưng để xảy ra những vụ tai nạn giao thông đường sắt khiến nhiều người chết và bị thương, nguyên nhân ngoài sự bất cẩn của người tham gia giao thông, thì đương nhiên phải có một phần trách nhiệm của ngành chủ quản, trách nhiệm của những người thừa hành công vụ để xảy ra tai nạn.

http://cand.com.vn/Uploaded_CANDONLINE/phuonglien/6_neu2514-450.jpg
Nếu người dân không cẩn trọng thì rất nguy hiểm với những đường ngang như thế này. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Nhìn từ những vụ tai nạn giao thông liên tiếp xảy ra gần đây cho thấy, ngoài sự bất cẩn và thiếu ý thức của người tham gia giao thông gây nên, điều đáng nói khác là địa điểm xảy ra tai nạn chủ yếu ở những đường ngang dân sinh không có gác, đường ngang không có tín hiệu cảnh báo tự động.

Thiết nghĩ, ngoài những đường ngang đã đặt cảnh báo, đã có người gác thì ở một số đường ngang dân sinh chưa có người gác, chưa có hệ thống cảnh báo, ngành Đường sắt nên phối hợp với chính quyền sở tại cử người ra gác thường xuyên mới có thể hạn chế được những hiểm họa vẫn rình rập hằng ngày

Nguyễn Hưng
.
.
.