“Sứ giả” thời… khủng long sừng sững giữa Tây Nguyên

Thứ Bảy, 18/01/2020, 09:44
Tây Nguyên mùa chuyển nắng vàng, những cơn gió đem theo hơi lạnh từ đâu như biên viễn từng đợt tràn về. Khóm mai anh đào cuối cùng trên các buôn gần, bản xa cũng vội vã trút lá, khoe hoa. Ðó là thời khắc báo hiệu mùa xuân đã về trên cao nguyên Langbiang. Phía xa, rừng già thăm thẳm. Bạn tôi, các chàng trai K’ho khỏe mạnh hiền lành vẫn bám trụ trong những cánh “rừng vàng”. Xuân này, thêm mùa Tết nữa... họ ở giữa rừng.


Cây thiêng giữa rừng già

Gần 9h sáng, Cổng Trời vẫn mịt mù sương giăng. Cái nắng, cái gió Tây Nguyên ngày cuối năm vẫn chưa thể thắng nổi lớp sương dày đặc ngự trị rừng già. Hôm nay, Long Ðinh Ha Hai (SN 1970), người tự nguyện chuyển tới buôn Lán Tranh, xã Ðưng K’nớ, huyện Lạc Dương (Lâm Ðồng) sống gắn bó với nghề bảo vệ rừng suốt 22 năm qua dẫn đường đưa chúng tôi thám hiểm về loài…“cây thiêng”. 

Ðích hướng tới chính là những quần thể thông hai lá dẹt đặc biệt quý hiếm đang trên đà tuyệt chủng. Cùng với thông đỏ, thông hai lá dẹt là loài cổ thực vật, được các nhà khoa học xác định xuất hiện cùng thời khủng long và đã bị tuyệt chủng ở nhiều nơi trên thế giới.

Xuân này, thêm một Tết nữa... Long Ðinh Hai và đồng nghiệp đón Tết giữa rừng, bên những “cây thiêng”.

Ở nước ta, loài thông này có tên trong Sách đỏ, chỉ được ghi nhận tại tiểu khu 75 và 61, khu vực Lán Tranh - Cổng Trời, xã Lát và xã Ðưng K’nớ, huyện Lạc Dương và vùng rừng giáp ranh giữa tỉnh Lâm Ðồng với Khánh Hòa. Vị trí thông hai lá dẹt xuất hiện ngày nay thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Ða Nhim và Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Với bà con người Cil (một nhánh của dân tộc K’ho) sống ngoài bìa rừng, nhiều đời nay vẫn quan niệm thông hai lá dẹt là loài “cây thiêng”, “có cho vàng bà con mình cũng không dám đụng tới!..”, như lời Ha Hai nói với tôi. 

Thế nhưng, với giới chơi gỗ, thông hai lá dẹt chính là hàng độc, đắt mấy cũng mua. Vì thế, những quần thể thông hai lá dẹt hàng trăm năm tuổi ở khu vực Lán Tranh - Cổng Trời luôn là mục tiêu lâm tặc nhòm ngó. Một sự lơ là trong công tác bảo vệ, rừng cấm có thể bị lâm tặc đột nhập. Những cây thông hai lá dẹt đang ở mức cảnh báo cao nhất R (nguy cơ tuyệt chủng) sẽ đổ xuống dưới tay lâm tặc.

Bởi thế, Tết này, Ha Hai cùng đồng nghiệp lại ở giữa rừng già. “Ðón Tết giữa rừng thế này ông có buồn không!..”, tôi hỏi. “Buồn chứ!... nhưng mình về nhà ăn Tết với gia đình vui được mấy ngày, trở lại mà thấy cây thiêng (thông hai lá dẹt) bị cưa hạ lấy gỗ mình còn đau xót hơn!..”, Ha Hai trả lời. Vì cái lý đó, từ ngày đến Lán Tranh sinh sống, chưa Tết nào Ha Hai rời rừng, rời những “cây thiêng” quý hiếm có một không hai này. 

Giữa những cánh rừng Tây Nguyên trùng trùng, điệp điệp, thông hai lá dẹt kiêu hãnh hiện hữu. Ðứng cách xa cả cây số, người ta vẫn dễ dàng nhận ra loại cây to lớn ấy. Chưa bao giờ chúng chịu khuất phục trước thiên nhiên, mưa nắng, bão dữ. Thông hai lá dẹt là loại cây khát ánh nắng, hàng trăm năm qua cứ vậy mạnh mẽ vươn lên ngự trị cả rừng già.

Lớp sương cuối năm tan dần, Nguyễn Tư Tĩnh, Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Suối Cạn, chỉ tay về phía rừng xa tự hào khoe với tôi về những cây thông hai lá dẹt thuộc lâm phần trạm anh quản lý. Ðó là những thân cây khổng lồ, nổi bật, cao vút giữa rừng nguyên sinh. Anh Tĩnh cho biết, lâm phần anh bảo vệ hiện có khoảng 40-50 cây thông hai lá dẹt. Trong quá khứ, loài thông này từng phải đương đầu với lâm tặc hung hãn bởi có thời điểm gỗ thông hai lá dẹt được giới đại gia săn tìm, mua bán sôi động trên “thị trường đen” với giá cao khủng khiếp.

“Sứ giả” thời tiền sử

Trước khi vượt rừng, chúng tôi băng qua rẫy cà phê của bà con người Cil đang mùa chín đỏ hứa hẹn một cái Tết sung túc. Ha Hai nhanh tay tuốt vội những trái cà phê căng mọng bỏ vào túi đi rừng. Tôi nhận ra đó là bí quyết của những người sống trong rừng nhiều năm như ông để tránh bị đói khát. 

Theo kinh nghiệm, trên đường đi, họ giữ lại bất kỳ cái gì có thể ăn uống được để đề phòng những lúc cần tới khi đi trong rừng sâu, nhất là lúc bị lạc đường. Số thực phẩm tích cóp được trong lúc băng rừng chính là chiếc phao cứu sinh hữu ích. Tôi tò mò học theo Ha Hai, hái vội những trái cà phê căng mọng cho vào túi áo trên đường vượt rừng già thăm thẳm tới thăm những gốc cổ thực vật xuất hiện từ thời tiền sử - thông hai lá dẹt.

Buổi xuyên rừng với những đèo dốc thẳng đứng buộc chúng tôi phải chinh phục nếu muốn diện kiến trước loài “cây thiêng”. Ðôi chân tôi nhanh chóng mỏi nhừ, đau nhức, người ướt mem mồ hôi trong cái lạnh 16 độ C và ẩm ướt của rừng già. Cái khát, cái đói không ở đâu đến nhanh bằng người đi rừng. Những trái cà phê chín đỏ căng mọng lúc này thực sự phát huy tác dụng đối với cả đoàn. 

Thông hai lá dẹt là loại cây nổi bật giữa rừng già.

Cuối cùng, những cây thông hai lá dẹt đầu tiên cũng đã hiện hữu. Ðó là loài cây to lớn khủng khiếp, ngoài sức mường tượng của tôi. Chính thân hình vượt trội, chưa bao giờ chịu khuất phục bởi thiên nhiên, bão táp giữa rừng già mà bà con người Cil bản địa luôn quan niệm thông hai lá dẹt là “cây thiêng”, có linh hồn và được thần linh che chở, bất khả xâm phạm. Theo tục lệ, Ha Hai bước tới một gốc thông hai lá dẹt, cẩn trọng nghiêng mình dưới gốc “cây thiêng” và cầu nguyện bằng tiếng Cil bản địa.

Tất cả các cây thông hai lá dẹt đều đã được đóng bảng, đánh số để quản lý, bảo vệ theo một đề án bảo tồn loài thông này. “Người rừng” Ha Hai luôn tỏ ra am hiểu về loài cây trên. “Nó không thích sống ở chỗ thấp. Cây thiêng chỉ sống từ lưng chừng đổ lên đỉnh núi!..”. 

Quả thực, điểm đầu tiên chúng tôi tiếp cận có 5 cây thông hai lá dẹt, mỗi cây cách nhau chỉ vài chục mét và tất cả đều trên đỉnh một quả đồi cao vút. Ðược diện kiến loài cổ thực vật này sẽ giúp ta hiểu hơn về bằng chứng khoa học thông hai lá dẹt xuất hiện cùng thời khủng long. 

Năm người trong đoàn chúng tôi cố dang tay hết cỡ nhưng vẫn chưa thể ôm được gốc một cây thông hai lá dẹt vào lòng. Ðứng dưới tán cây thiêng, con người trở nên nhỏ bé, yếu ớt. Cây thông hai lá dẹt lớn nhất chúng tôi tiếp cận có đường kính gốc khoảng 2,5m, cây nhỏ nhất hơn 1,5m. Người sành sỏi về loài cổ thực vật này như Ha Hai cũng không thể biết được chính xác chúng có tuổi đời bao nhiêu.

Ngày nay, loài thông này vẫn đang đứng trước nguy cơ đe dọa tuyệt chủng. Thông hai lá dẹt bị xếp đầu tiên trong danh sách các loài cây có giá trị đặc biệt, đang nguy cấp hoặc hết sức nguy cấp ở Việt Nam. “Cây thiêng” hàng trăm năm ngự trị rừng già Nam Tây Nguyên chưa bao giờ hết là mục tiêu săn lùng của lâm tặc. Gần đây nhất, tháng 4-2019, sau nhiều ngày mật phục, lực lượng bảo vệ rừng đã bao vây, bắt được một số đối tượng đang khai thác một cây thông hai lá dẹt có đường kính gốc hơn 1m tại khu vực Cổng Trời. Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương đã khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ sang Công an huyện để điều tra, làm rõ.

Còn với Ha Hai và bà con người Cil sống bên bìa rừng, thông hai lá dẹt là loài cây thiêng, có linh hồn và luôn che chở bình yên cho buôn làng. Vì thế, từ ngày chuyển tới Lán Tranh sinh sống với nghề bảo vệ rừng, chưa năm nào, Ha Hai rời xa loài cây quý, rời xa “rừng vàng” bạt ngàn.

Ngô Khắc Lịch
.
.
.