Suốt 35 năm 'bắt bệnh' cho gia súc

Chủ Nhật, 08/03/2015, 11:06
35 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tại Khoa Chăn nuôi thú y, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, gia tài của nhà khoa học nữ - Nhà giáo ưu tú, GS.TS Nguyễn Thị Kim Lan là 14 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 1 đề tài cấp Nhà nước, 2 đề tài cấp bộ. Cả cuộc đời chị đã dành trọn tâm huyết nghiên cứu tìm ra cách chữa bệnh nhanh nhất, hiệu quả nhất cho gia súc.

Người ta gọi chị là “bác sĩ nông dân” quả không hề sai bởi giữa chị và người nông dân ở các tỉnh miền núi có những gắn bó sâu sắc khi chị là một bác sĩ thú y tài ba, chuyên “bắt bệnh” cho gia súc của họ.

Đằm thắm, đôn hậu trong chiếc áo dài đỏ, GS.TS Nguyễn Thị Kim Lan kể về hành trình làm “bác sĩ nông dân” của mình bằng chất giọng truyền cảm khiến chúng tôi thực sự ngưỡng mộ.

GS.TS Nguyễn Thị Kim Lan.

Trong suốt 35 năm qua, chị không nhớ đôi chân mình đã đặt đến bao nhiêu mảnh đất, mà nơi nào cũng là núi rừng xa xôi, đèo dốc hẻo lánh để chữa bệnh cho gia súc. Điều gì đã thôi thúc người phụ nữ nhỏ nhắn này vượt qua tất thảy những khó khăn để gắn bó trọn đời với công việc? Theo chị thì đó là “tôi chưa bao giờ nản, đã không làm thì thôi, làm phải ra làm, chỉ cần có phương pháp tổ chức, triển khai miệt mài là thành công”. Ngoài điều đó ra, ở chị còn là niềm đam mê rất lớn với công việc, với các công trình nghiên cứu.

Và phía sau chị có một gia đình vững chắc mà ở nơi đó chị nhận được sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ từ người bạn đời. Anh vừa là đồng môn, vừa là đồng nghiệp ở Khoa Chăn nuôi thú y nên luôn chia sẻ sâu sắc với công việc của vợ, lại còn có những góp ý sắc bén cho chuyên môn của chị. Bên chị là 2 người con trai giờ đều là Tiến sĩ luôn thấu hiểu với công việc của bố mẹ, lúc nào cũng tự giác học tập, ngoan ngoãn để chị có thêm sức khỏe yên tâm nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra còn có sự giúp đỡ rất lớn từ Ban giám hiệu nhà trường, Khoa Chăn nuôi thú y, từ các cộng sự, từ những người nông dân luôn tin tưởng, quý mến chị. Đó là những lý do để trả lời cho câu hỏi, vì sao suốt 35 năm qua chị lại gắn bó, yêu thương với loài động vật đến thế. Và tất cả những đề tài khoa học chị triển khai đều mang tính ứng dụng trong điều trị bệnh hiệu quả, đảm bảo sức khỏe, phòng chống dịch bệnh trên lợn.

Khi còn trẻ, GS.TS Nguyễn Thị Kim Lan không có ý định học chuyên ngành thú y. Nhưng vào học rồi, chị lại thấy rất hay. Chị bảo, thú y cũng rất quan trọng như việc chữa trị cho người vậy. Giảng dạy tại Khoa Chăn nuôi thú y, chị luôn mang đến những bài giảng tươi mới, những kiến thức sâu sắc từ thực tiễn vào trong mỗi bài học cho sinh viên.

Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học không ngừng, chị đã trèo đèo, lội suối đến với bà con ở bản làng xa của các tỉnh miền núi phía Bắc để triển khai lấy mẫu về nghiên cứu. Chị bảo, các hộ chăn nuôi ở miền núi thường rất nhỏ lẻ, các gia đình sống cách xa nhau, mỗi lần đi lấy mẫu là mỗi lần vất vả, nhưng có đi mới thấu hiểu và chia sẻ với người nông dân, mới thấy được tính cấp thiết của việc tìm ra vaccin phòng bệnh cho gia súc.

Từ những chuyến đi gian khổ đó mà tất cả các đề tài nghiên cứu của chị đều ứng dụng rất tốt vào thực tiễn. Dù khi đã làm Trưởng bộ môn, rồi Trưởng khoa Chăn nuôi thú y, sau này là Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên thì chị cũng chưa bao giờ tạm ngừng nghiên cứu khoa học. Với chị, được tìm tòi, sáng tạo, phát hiện ra bệnh rồi chữa bệnh cho gia súc đã trở thành lẽ sống.

Vào năm 2000-2003, ở hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang, lợn sau cai sữa bị bệnh Coli dung huyết rất nhiều, điều trị khó khỏi, gây tâm lý lo lắng cho các hộ chăn nuôi và các cơ sở chăn nuôi lợn nái. Chị xuống nơi lấy mẫu, khi nghiên cứu thành công, hai tỉnh đã ứng dụng quy trình phòng chống bệnh Coli dung huyết ở lợn do vi khuẩn E.coli gây ra, trong đó sử dụng vaccin phòng bệnh, đặc biệt là các phác đồ điều trị bệnh có hiệu lực cao.

Khỏi phải nói người chăn nuôi ở 2 tỉnh này vui mừng thế nào khi công trình “Nghiên cứu bệnh Coli dung huyết ở lợn con và biện pháp phòng trị” của chị thành công, giúp giảm tỷ lệ lợn mắc bệnh và tỷ lệ lợn chết do bệnh này tới 70%, góp phần giảm thiệt hại, tăng năng suất chăn nuôi lợn. Sau đó, chị tiếp tục thành công với đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu hội chứng tiêu chảy, xác định một số vi khuẩn và ký sinh trùng đường tiêu hóa trong hội chứng tiêu chảy ở lợn từ sau cai sữa tại Thái Nguyên và biện pháp phòng trị”.

Bằng các phương pháp thường quy và hiện đại, đề tài đã xác định được một số loài vi khuẩn và ký sinh trùng có vai trò gây tiêu chảy ở lợn, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Nhờ xác định được nguyên nhân gây tiêu chảy và thử kháng sinh đồ, chị và cộng sự đã xây dựng được 3 phác đồ điều trị hiệu quả, được ứng dụng rộng rãi trong chăn nuôi, làm giảm thiệt hại. Đề tài này đã đạt giải Nhất “Giải sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên năm 2006”.

Nhắc tới GS.TS Nguyễn Thị Kim Lan là nhắc tới đề tài cấp Nhà nước khá nổi tiếng ở giới trong nghề, đó là “Nghiên cứu sản xuất kháng nguyên tái tổ hợp phục vụ chế tạo các bộ Kit chẩn đoán bệnh tiên mao trùng Trypanosoma spp trên gia súc ở Việt Nam”. Chị và cộng sự đã nghiên cứu và xác định được khả năng lây nhiễm chéo giữa các chủng phân lập từ các loài gia súc khác nhau; đã xác định được tính mẫn cảm của Trypanosoma evansi với 5 loại hóa dược trong điều kiện vivo và in vitro. Từ đó, xây dựng 4 phác đồ điều trị bệnh cho gia súc hiệu quả.

* Năm nay đã sang tuổi 60, nhưng GS.TS Nguyễn Thị Kim Lan vẫn tiếp tục công việc đào tạo sau ĐH ở Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên và đang cố gắng nghiên cứu để điều trị, phòng một số bệnh từ động vật sang người, nhằm bảo vệ sức khỏe cho con người. Chị bảo, chị rất vui và tự hào khi là cá nhân được nhận giải thưởng Kovalevskaia vì tất cả những cố gắng trong quá trình đào tạo và nghiên cứu khoa học trong 35 năm qua của chị đã được ghi nhận. Nhưng để có được thành quả của niềm vui ấy là công sức, trí tuệ, đóng góp của các cộng sự luôn bên chị.

* GS.TS Nguyễn Thị Kim Lan là một trong những chuyên gia hàng đầu về ngành thú y, là nữ giáo sư duy nhất là Ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Chăn nuôi – Thú y – Thủy sản nhiệm kỳ 2014-2019 và là một trong 3 giáo sư của Trường ĐH Thái Nguyên được mời vào Hội đồng chức danh giáo sư quốc gia.

Trần Hằng
.
.
.