Sức sống mới trên quê hương Bác Tôn

Thứ Năm, 22/08/2013, 17:11
Đường sá được đầu tư đồng bộ, trường học khang trang, nông dân cần cù sản xuất, học sinh chăm ngoan học giỏi… là những gì có thể cảm nhận được trên Cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP.Long Xuyên, An Giang) hôm nay. Về thăm quê hương Bác Tôn những ngày tháng 8 này, không khí phấn khởi như hiện lên từng khuôn mặt người dân nơi đây. Có thể thấy, ai ai cũng say mê lao động sản xuất, góp công lập thành tích chào mừng kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Bác (20/8/1888 – 20/8/2013).

Từng sinh sống nhiều thế hệ cặp theo bờ sông Hậu, ông Đàm Văn Ba (ngụ ấp Mỹ Khánh 2, xã Mỹ Hòa Hưng) không giấu được niềm vui khi thấy tuyến đường đất từ vàm Rạch Sung đến bến phà Trà Ôn được đổ bê-tông vững chắc.

Ông Ba, cho biết: “Tuyến đường này trước đây vốn rất thấp, thường xuyên ngập nước vào mùa lũ. Dù bà con nơi đây đã góp công, góp của đổ đất, cát để nâng cấp con đường nhưng vào mùa lũ năm 2011, nhiều đoạn vẫn bị ngập sâu từ 6-8 tấc, người dân phải bắc cầu tre và dùng xuồng để đi lại”. Khi Nhà nước đầu tư xây dựng tuyến đường bê-tông, bà con nơi đây sẵn sàng đóng góp kinh phí đối ứng và tự nguyện đốn cây, tháo dỡ mái che, hiến một phần diện tích đất để đơn vị thi công thuận tiện triển khai công trình. Hơn nữa, khi thấy bờ đất chỗ nào bị lở, cát bơm chảy ra ngoài, mọi người cùng tham gia khắc phục, sửa chữa để con đường sớm hoàn thành...

Nhìn con đường cặp sông Hậu đang được thi công, ông Trần Văn Lữ-Trưởng ban Nhân dân ấp Mỹ Khánh 2, phấn khởi: “Các con đường trên địa bàn ấp cơ bản đều đã tráng nhựa hoặc bê-tông, chỉ trừ có tuyến đường đất từ vàm Rạch Sung đến bến phà Trà Ôn. Sau khi con đường này xây dựng hoàn chỉnh, người dân sẽ đi lại thuận lợi hơn nhiều”. Theo ông Lữ, tuyến đường đang thi công có chiều dài 1.144m, lòng đường rộng 3,5m, lề đường chừa mỗi bên 0,75m.

Nhân dân ấp Mỹ Khánh 2, xã Mỹ Hòa Hưng đóng góp xây dựng đường bê-tông.

Trong kinh phí xây lắp gần 1,4 tỷ đồng, nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới hỗ trợ 80%, còn lại người dân đóng góp. Khi họp dân triển khai xây dựng công trình, đa số nhân dân sống dọc theo con đường đều thống nhất đóng góp 2,6 triệu đồng/hộ dù đời sống còn nhiều khó khăn. Dự kiến đầu năm 2014, con đường sẽ hoàn thành, kết nối với các tuyến đường nhựa khác tạo thành hệ thống đê bao vững chắc cho các hộ dân sống ven sông Hậu.

Theo ông Trương Công Tươi, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng, việc triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTNM) đã góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn của xã. Từ tháng 8/2012 đến nay, địa phương đã huy động được hơn 8,6 tỷ đồng để đầu tư XDNTM.

Trong đó, nhân dân đóng góp gần 500 triệu đồng vào các công trình nạo vét kênh nội đồng, mắc bóng đèn chiếu sáng lộ nông thôn, xây dựng đường bê-tông… còn lại do Trung ương, tỉnh An Giang và TP.Long Xuyên hỗ trợ. Hiện tại, xã Mỹ Hòa Hưng thực hiện đạt 12 tiêu chí và 44 chỉ tiêu trong bộ 20 tiêu chí và 59 chỉ tiêu XDNTM của tỉnh (tăng 4 tiêu chí và 10 chỉ tiêu so với tháng 8/2012). Đây là một trong những xã nằm trong “top” đầu của tỉnh về XDNTM. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,48%, Hội khuyến học xã vận động 70 triệu đồng gây quỹ khuyến học, khuyến tài, tiếp sức đến trường cho học sinh nghèo hiếu học; 100% trẻ trong độ tuổi được ra lớp...

Quê hương Bác Tôn hôm nay đã có nhiều đổi mới.

Xã Mỹ Hòa Hưng dù thuộc TP.Long Xuyên nhưng được biết đến là một cù lao nằm giữa sông Hậu, bị “ngăn sông cách chợ” với đất liền. Tuy đa phần đời sống người dân còn phụ thuộc vào nông nghiệp, kinh tế không mấy khá giả nhưng sức học của con em nơi đây được nhiều người nể phục. Có lẽ tấm gương cần cù, vượt khó tự học của Bác Tôn kính yêu đã tác động rất lớn đến tinh thần hiếu học của bao thế hệ xứ cù lao này.

Gia đình ông Nguyễn Hữu Phước có tiếng về thành tích nuôi dạy con học giỏi ở ấp Mỹ Thuận. Thời điểm này, em Nguyễn Thị Ngọc Trinh, 1 trong 3 cô con gái của anh Phước đang hàng ngày vượt sông Hậu để theo học lớp 10 chuyên Toán – Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu. Khi còn là học sinh Trường THCS Ngô Gia Tự (xã Mỹ Hòa Hưng), em liên tục giành danh hiệu học sinh xuất sắc toàn trường. Năm học lớp 9 vừa qua, bên cạnh thành tích điểm trung bình các môn 9.5, Trinh còn đạt được nhiều giải thưởng cấp tỉnh, như: Giải Nhì học sinh giỏi môn Toán; giải Nhất học sinh giỏi giải Toán trên máy tính…

Để thực hiện ước mơ vào Đại học Y Dược, Trinh quyết định thi vào Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu và đạt 42 điểm/4 môn thi (môn chuyên Toán nhân hệ số 2), một số điểm khá cao so với điểm trúng tuyển của trường. “Nhà có xe đạp điện. Hàng ngày em chạy xe qua phà đi học chứ không ở lại Long Xuyên như các bạn khác. Để ba mẹ đỡ tốn kém, em chỉ đăng ký học thêm những môn mà mình dự kiến thi đại học, các môn khác tự học ở nhà. Em sẽ chọn thi vào Đại học Y được TP.Hồ Chí Minh hoặc Cần Thơ. Em thấy làm bác sĩ có thể giúp được nhiều người mà ba mẹ em cũng thích” - Trinh bộc bạch.

Mang trong tim niềm tự hào được sinh ra và lớn lên trên quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính yêu, những người con xứ Cù lao Mỹ Hòa Hưng hôm nay như đang nỗ lực hết mình để xứng đáng với công lao to lớn của Bác

V.Đức – C.Ngô
.
.
.