Sức khỏe cha con bé sơ sinh “văng khỏi bụng mẹ” tiến triển tốt

Thứ Năm, 30/10/2014, 11:45
Sáng 30/10, bác sĩ (BS) Nguyễn Thanh Hùng, giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP HCM cho biết, các bác sĩ khoa hồi sức sơ sinh BV vừa thực hiện cho rút máy thở với trường hợp cháu bé sơ sinh bị văng khỏi bụng mẹ trong vụ tai nạn xe trộn bê tông tại An Giang. Các điều dưỡng chăm sóc cho bé đã bắt đầu cho bé tập ăn qua ống sold.

Vào đêm 29/10, ê kíp chăm sóc cho bé tại khoa hồi sức sơ sinh đã quyết định rút máy thở và cho bé tập tự thở từ từ. Dù trước đó vào buổi sáng khi kiểm tra tình trạng suy hô hấp của bé, các BS vẫn còn khá lo ngại. Tuy nhiên vào đêm cùng ngày tìn trạng này đã tốt hơn hẳn. Theo BS Hùng, cùng với việc hô hấp tốt hơn, việc cho bé ăn thử qua ống sold cũng để hệ tiêu hóa của bé quen dần.

Tuy nhiên theo BS Hùng, cháu bé vẫn còn phải đối mặt với một số nguy cơ: Khu vực vết thương nơi chân phải của bé có biểu hiện nhiễm trùng, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn. Sau khi rút máy thở, bé vẫn đang tiếp tục được chỉ định cho dùng thuốc an thần và giảm đau.

Cháu Nguyễn Gia Huy vẫn đang được khoa Hồi sức sơ sinh BV Nhi đồng 1 chăm sóc chu đáo.

BS Hùng cũng chia sẻ, trường hợp của bé không chỉ được cộng đồng mà ngay tới từng bác sĩ, điều dưỡng của BV luôn quan tâm chăm sóc từ lúc nhập viện. Mấy ngày qua, các ban ngành, và lãnh đạo Sở Y tế, UBND TP HCM cũng trực tiếp gọi điện hỏi thăm, chỉ đạo ê kíp chăm sóc của BV phải dồn toàn lực cứu bằng được em bé.

Sáng 30/10, thông tin từ BV Chợ Rẫy, anh Nguyễn Văn Nam, cha cháu bé vẫn đang được chăm sóc tại khoa Chấn thương chỉnh hình (CTCH) của BV, người em rể anh là anh Trương Văn Tâm, cho biết, lúc mệt thì thôi, khi tỉnh táo là anh Nam lại hỏi thăm về tình hình con mình tại BV Nhi đồng 1. Anh Nam quyết định đặt tên con trai là Nguyễn Gia Huy.

BS CKII Lê Văn Tuấn - Trưởng khoa CTCH, BV Chợ Rẫy cũng cho biết, biết được hoàn cảnh bị tai nạn thương tâm của anh Nam, các bác sĩ và điều dưỡng ở đây cũng dành cho anh sự chăm sóc chu đáo. Từ việc động viên của bác sĩ, của cộng đồng bà con xung quanh nên tinh thần của anh đã khá hơn nhiều. Kết quả chụp Ci ti và siêu âm lại vùng bụng, ngực cho bệnh nhân cho thấy không có gì bất thường, bệnh nhân cũng đã đỡ đau hơn. Vùng mỏm cụt (1/3 giữa cẳng chân phải) sau phẫu thuật cho thấy vết thương khô nhưng vẫn phải theo dõi về nhiễm trùng. “Lúc đầu chúng tôi cũng lo ngại phải mổ lại, tuy nhiên kiểm tra cho thấy các vết hở không lớn, nên đã thực hiện khâu kín các vết hở này, hiện, mỏm cụt cũng không có triệu chứng nhiễm trùng, sưng tấy. Tinh thần bệnh nhân cũng đã tốt hơn, ăn uống tích cực, sức khỏe cải thiện chúng tôi sẽ bắt đầu tính tới chuyện lắp chân giả cho bệnh nhân”

Huyền Nga
.
.
.