Sự thật về "chùa ông Tiến", "đường ông Tiến"

Thứ Tư, 28/06/2006, 08:05

Do ông Tiến là có tiếng lại đóng góp nhiều trong việc tu bổ chùa Am và con đường vào chùa, nên người dân ở đây quen gọi là "chùa ông Tiến" và "đường ông Tiến".

Thời gian gần đây, Chuyên đề ANTG cũng như nhiều cơ quan truyền thông đại chúng khác nhận được đơn thư của vợ và nhiều người trong dòng họ ông Nguyễn Việt Tiến phản ánh việc các cơ quan báo chí đã đăng, phát các thông tin không chính xác có liên quan đến ông Nguyễn Việt Tiến và gia đình, đặc biệt là về ngôi chùa Am và con đường bêtông dài hơn 700m (thường được gọi là Chùa ông Tiến, đường ông Tiến) và một số thông tin khác.

Với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm và cầu thị, Ban Biên tập Báo CAND đã cử một tổ công tác do Thượng tá Phạm Văn Miên, Phó Tổng biên tập Báo CAND về làm việc tại thôn Trường Sinh, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình để xác minh lại toàn bộ những thông tin trên.

Tổ công tác đã gặp gỡ những người có trách nhiệm gồm đồng chí Trung tá Trịnh Hữu Sơn, Trưởng CA huyện Hoa Lư, ông Đặng Văn Chấng - Bí thư Đảng ủy xã Trường Yên, ông Trần Văn Tịnh, Phó Bí thư Đảng ủy xã; ông Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch UBND xã; ông Nguyễn Minh Đề - Trưởng thôn Trường Sơn. Qua làm việc với địa phương, trực tiếp xem chùa, nhà và nghĩa trang tại xã Trường Yên, tổ công tác nhận thấy:

Ngôi chùa mà bà con vẫn quen gọi là chùa ông Tiến vốn là ngôi chùa cổ có tên là Thiên Am. Khi trùng tu xã, thôn đã vận động bà con đóng góp và việc thu tiền do bà Nguyễn Thị Mớ - thân sinh ra ông Nguyễn Việt Tiến tổ chức. Bà con cho biết là ông Tiến có đóng góp nhiều, nhưng cụ thể bao nhiêu thì không ai biết vì người giữ sổ sách là bà cụ Mớ. Khi cụ mất không bàn giao lại. Gia đình ông Tiến là gia đình có công với nước, bản thân cũng là người được mọi người nể trọng nên người dân quanh vùng  gọi là “chùa ông Tiến”.

Con đường hơn 700m dẫn vào chùa Am là do ngân sách Nhà nước và nhân dân đóng góp để làm. Theo ông Nguyễn Minh Đề - Trưởng thôn thì do ông Nguyễn Việt Tiến có những đóng góp nhiều hơn người khác nên bà con quen gọi là “đường ông Tiến”.

Trong đám tang bà Nguyễn Thị Mớ, chuyện nhựa thông nấu chảy đổ vào quan tài là có. Khi đổ có khói bốc lên. Nhiều người dự đám tang đứng xa thấy khói bốc lên nhiều thì tưởng là quan tài bị cháy và kể lại với phóng viên. Khu mộ dòng họ nhà ông Tiến nằm ở khu dân cư là đất đai của cha ông dòng họ ông Nguyễn Việt Tiến để lại.

Qua xác minh, tổ công tác xác nhận phóng viên có đi thực tế, có lấy tư liệu. Song có thể do đã tiếp xúc với một số người vốn có mâu thuẫn với gia đình ông Tiến nên được cung cấp một số thông tin không chính xác về bản chất.

Ban Biên tập Chuyên đề ANTG xin lỗi gia đình và dòng họ ông Nguyễn Việt Tiến về những thông tin chưa chính xác và sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm về công tác phóng viên

Ban BT
.
.
.