Sự "tái sinh" kì diệu cho bệnh nhân sau bỏng

Thứ Hai, 27/07/2009, 15:30
Bà Phương, một bệnh nhân bỏng vừa được phẫu thuật hai bàn tay bị dính liền, "biểu diễn" việc rót nước và cầm cốc tự uống nước cho chúng tôi xem. Những ngón tay mới được bóc tách và ghép da, tuy cử động vẫn còn vụng về, song cảm giác được giải phóng và làm chủ đôi tay tưởng chừng có cũng như không, khiến bà rất vui.

Tai nạn bỏng thường để lại hậu quả nặng nề trên cơ thể và tâm lí người bị bỏng. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Viết Lượng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Viện Bỏng Quốc gia - có tới 60% số người bị bỏng sẽ phải hứng chịu di chứng nặng nề như: sẹo bỏng làm biến dạng khuôn mặt, không nhắm được mắt, không khép được miệng; co kéo da, cơ làm ảnh hưởng tới chức năng sống... Đó là chưa kể những sang chấn tâm lí lâu dài, làm cho nạn nhân mặc cảm, khó hòa nhập cộng đồng.

Kinh hoàng những tai nạn bỏng

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ nhiệm Khoa Bỏng trẻ em, Viện Bỏng Quốc gia, loại tai nạn bỏng thường gặp phải là bỏng nhiệt ướt (nước sôi, thức ăn đang nóng...) hoặc nhiệt khô (lửa, bô xe máy...) và bỏng do điện; trong đó bỏng nhiệt ướt chiếm tới 70 - 80%.

Trường hợp bỏng nhiệt ướt rất thương tâm mới xảy ra cuối tháng 5 vừa qua là bé Nguyễn Thị Phương Mai (2 tuổi, trú tại xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, Lào Cai). Tối 27/5, bà ngoại bé làm cỗ đón Tết Đoan ngọ (5/5 âm lịch). Trong lúc bà dọn cơm, bé Mai bị vấp, ngã ngồi vào nồi nước luộc gà còn đang bốc hơi nghi ngút, gây bỏng nặng nửa dưới người đến trên đầu gối.

TS, BS Nguyễn Minh Tâm đang thăm khám cho bệnh nhân Phương.

Hiện bé Mai đang được điều trị tại Viện Bỏng Quốc gia, tổn hại sức khỏe tới 40%; thời gian điều trị sẽ còn kéo dài nhiều tháng, nhiều đợt. Chứng kiến bé Mai gào thét trong những cơn đau, chúng tôi càng thêm xót xa khi được các BS cho biết, một số chức năng người phụ nữ sau này của bé có thể bị ảnh hưởng.

Trường hợp bỏng nhiệt khô của bé Trang (5 tuổi, con anh Nguyễn Đức Hạnh, trú tại Nông Cống - Thanh Hóa) do ngày 11/6 vừa qua ngã vào đống rơm đang cháy, khiến bệnh nhi cũng phải chịu hậu quả nặng nề...

Tình trạng trên đặt ra nhu cầu rất lớn về phẫu thuật tạo hình, phẫu thuật thẩm mỹ sau bỏng. Tại Viện Bỏng Quốc gia, các bác sĩ luôn quán triệt phương châm tận tình phục vụ người bệnh; trong đó việc phẫu thuật tạo hình được thực hiện qua các bước: trước hết là ưu tiên phẫu thuật phục hồi chức năng, sau đó phẫu thuật phục hồi thẩm mĩ.

Sự "tái sinh" kỳ diệu

Là Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình, Viện Bỏng Quốc gia, Tiến sĩ,  Bác sĩ Nguyễn Minh Tâm nhớ rõ hình ảnh bệnh nhi Ma Thị Dặu (trú tại xã Thái Sơn, Bảo Lâm, Cao Bằng) được đưa đến Viện cách nay đúng 1 năm.

Dặu bị di chứng nặng nề sau một vụ bỏng do lửa bén vào quần áo trong lúc sưởi gần bếp (tháng 12/2002, khi mới tròn 2 tuổi), da cơ bị co kéo gây vẹo người, đi lại rất khó khăn vì hai chân như bị "trói"; mông và khớp háng cùng bộ phận sinh dục và tầng môn sinh bị biến dạng hoàn toàn. Trong 6 năm từ khi bị bỏng, bé Dặu phải đại tiểu, tiện qua 2 lỗ ống thông nhau do sẹo co kéo tạo thành.

Ca mổ được tiến hành vào tháng 9/2008, với sự tham gia của những y bác sĩ giỏi Viện Bỏng Quốc gia. Các bác sĩ đã mổ rạch các đường "đuôi cá kép" theo nếp lằn mông, bẹn... rồi bóc tách giải phóng tối đa những điểm bị co kéo; tiến hành ghép da nhiều chỗ. Sau 7 ngày, vết mổ liền và Dặu được cho tập phục hồi chức năng...

Sức khỏe của Dặu tiến triển tốt, các chức năng cơ bản được phục hồi, dáng đi trở lại bình thường. Cha của Dặu tuy không nói được tiếng phổ thông, chỉ bập bẹ vài câu "cảm ơn", nhưng trong đôi mắt của anh luôn ngời lên sự biết ơn những người đã "tái sinh" con gái mình.

Trường hợp bệnh nhi Triệu Thị Ngọc (4 tuổi) cũng nan giải không kém bé Dặu. Ngọc bị bỏng ở cổ và ngực gây co kéo cổ cứng nhắc; miệng luôn lòng thòng nước dãi vì không khép được.

Nhìn cô bé người cứng nhắc,  cằm bị dính liền vào ngực nên đầu rất khó cử động; ai cũng thương cảm, xót xa. Nếu không được phẫu thuật, cháu bé sẽ bị biến dạng xương sống, cơ tay; sinh hoạt sẽ rất khó khăn. Đây là một ca mổ rất phức tạp, do bác sĩ Tâm làm kíp trưởng cùng các y bác sỹ giàu kinh nghiệm, kéo dài 3 giờ đồng hồ. Bệnh nhi được gây mê bằng phương pháp nội khí quản.

Những đôi tay vàng của các bác sĩ đã tỉ mỉ gỡ từng bó da, rồi nối, xếp lại các cơ, mạch máu và những dây thần kinh... để giải phóng co kéo. Phần da từ đùi, sườn, hông của bé Ngọc (chiếm khoảng 2% diện tích cơ thể) được bóc ghép vào diện tích mổ giải phóng co kéo... Sau khi bình phục, bé Ngọc đã cử động, sinh hoạt ổn định, miệng đã khép kín và ăn uống bình thường...

Đi cùng Tiến sĩ Nguyễn Minh Tâm, chúng tôi tới thăm bệnh nhân Dương Thị Thu Phương (56 tuổi, trú tại phường 3, TP Đà Lạt, Lâm Đồng). Bà Phương bị bỏng sâu độ III, diện tích bỏng 61%; do rò rỉ khí ga gây cháy nổ tại nhà riêng.

Điều trị qua nhiều bệnh viện, cuối cùng bà được đưa tới Viện Bỏng Quốc gia từ tháng 12/2008 với nhiều di chứng nặng nề, hai bàn tay bị dính liền, khuỷu tay bị co cứng. Gần một năm trời bà không tự sinh hoạt được, từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân đều do chồng bà phục vụ.

Sau những lần được các bác sĩ Viện Bỏng Quốc gia phẫu thuật, bà Phương phục hồi khá tốt... "Sống được vầy là phúc lớn lắm rồi chú ơi! Những người nằm cấp cứu cùng tôi chết nhiều lắm!" - bà Phương phấn khởi nói; rồi "biểu diễn" việc rót nước và cầm cốc tự uống nước cho chúng tôi xem.

Những ngón tay mới được bóc tách và ghép da, tuy cử động vẫn còn vụng về, song cảm giác được giải phóng và làm chủ đôi tay tưởng chừng có cũng như không, khiến bà rất vui.

"Tôi nói thì tất nhiên rồi, song lát nữa chú gặp các bác sĩ, chú cứ nói giúp tôi một lời cảm ơn nghen!" - bà Phương xúc động nhờ tôi

Trần Duy Hiển
.
.
.