Sống trên thuyền cũng có thể đăng ký hộ khẩu Hà Nội

Thứ Tư, 11/04/2007, 10:58
Cư trú trên tàu, thuyền cũng có thể đăng ký hộ khẩu Hà Nội nếu phương tiện tàu, thuyền, phương tiện khác dùng để ở thuộc quyền sở hữu và địa chỉ bến gốc thuộc địa phận Hà Nội.

Bộ Công an đang khẩn trương hoàn tất và trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cư trú. Theo đó, dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành khoản 2 Điều 8, khoản 1 Điều 20 và Điều 12 của Luật Cư trú về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phát hiện, ngăn ngừa hành vi lạm dụng quy định về hộ khẩu làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; nơi cư trú của công dân; thời hạn đăng ký thường trú; điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Thượng tá Đỗ Văn Cương, Phó trưởng Phòng Pháp luật hành chính, kinh tế, dân sự thuộc Vụ Pháp chế (Bộ Công an), nhìn chung các quy định trong Luật Cư trú đã rõ nên có thể trực tiếp thực hiện ngay khi luật có hiệu lực thi hành, chỉ có 3 điều, khoản nói trên mới chi tiết hóa trong dự thảo Nghị định.

Đáng chú ý, qua rà soát xác định có hơn 420 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 380 văn bản đang còn hiệu lực thi hành "ăn theo hộ khẩu". Các văn bản này thuộc nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành...

- Như vậy cần phải rà soát để kiến nghị bãi bỏ toàn bộ 380 văn bản "ăn theo hộ khẩu" nói trên?

Không phải tất cả 380 văn bản liên quan hộ khẩu đều phải bãi bỏ mà phải xem xét cụ thể từng loại. Theo đó, một số văn bản quy định sai mục đích liên quan hộ khẩu như: nhà ở, điện, nước, sinh hoạt... làm hạn chế quyền tự do cư trú của công dân thì phải rà soát, kiến nghị bãi bỏ.

Nhưng có những trường hợp phải căn cứ vào việc đăng ký hộ khẩu mới thực hiện được như quyền bầu cử, ứng cử, thực hiện chế độ giao đất sản xuất cho hộ gia đình, chế độ bảo hiểm... Những vấn đề này không thể cấm sử dụng sổ hộ khẩu ngoài mục đích quản lý cư trú, do đó không bãi bỏ.

Hiện Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị yêu cầu tất cả các Bộ, ngành rà soát các văn bản liên quan sổ hộ khẩu, giao Bộ Tư pháp chủ trì thực hiện, kiểm tra xem văn bản nào cần bỏ, văn bản nào không, điều chỉnh thế nào. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ có quyết định cụ thể hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền.

- Đối tượng quan tâm nhất của chế định hộ khẩu là người dân đang sống, làm việc tại các thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. áp dụng quy định mới về hộ khẩu, liệu còn sự phân biệt người làm trong cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước với các khu vực kinh tế khác?

Đối tượng được đăng ký hộ khẩu mở rộng, không phân biệt người đó làm hay không làm gì, làm ở đâu, lĩnh vực nào, người làm ở doanh nghiệp Nhà nước hay liên doanh, doanh nghiệp tư nhân...

Trước đây chúng ta quy định phải có đủ 3 điều kiện: nhà ở, việc làm ổn định và tạm trú đủ 3 năm mới được đăng ký hộ khẩu ở thành phố thuộc Trung ương. Nay bỏ quy định có việc làm ổn định, chỉ cần có chỗ ở hợp pháp và tạm trú đủ 1 năm trở lên là được.

- Luật Cư trú quy định trong trường hợp phải thuê nhà ở hoặc ở nhờ, để được đăng ký hộ khẩu tại thành phố thuộc Trung ương, người ở thuê, ở nhờ phải được sự đồng ý bằng văn bản của chủ nhà. Quy định này sẽ khó khăn khi người ở thuê liên tục chuyển chỗ ở?

Vấn đề này có 2 trường hợp. Đối với nhà ở do Nhà nước cho thuê, cơ quan, tổ chức phân, nhà do các tổ chức kinh doanh bán, cho thuê... thì không cần sự đồng ý bằng văn bản mà chỉ cần hợp đồng thuê nhà là được.

Còn nhà của tư nhân xây dựng, cho thuê, cho ở nhờ thì người ở thuê, ở nhờ muốn được đăng ký hộ khẩu phải có sự đồng ý bằng văn bản của chủ đại diện hợp pháp. Nếu một người sau khi đăng ký hộ khẩu lại chuyển đi, thuê chỗ ở khác thì họ phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền.

Nếu không báo cáo, tự chuyển đi thì sau 24 tháng, xác định người đó không còn ở tại địa chỉ đã đăng ký thường trú thì quyết định xóa tên người đó khỏi hộ khẩu đã đăng ký tại địa bàn.

- Quy định tạm trú liên tục từ 1 năm trở lên tại thành phố thuộc Trung ương được hiểu thế nào?

Vấn đề này chúng tôi cũng đã nghiên cứu và quy định trong dự thảo Nghị định. Theo đó, việc tạm trú liên tục 1 năm trở lên ở thành phố thuộc Trung ương bao gồm cả hai trường hợp: tạm trú liên tục tại một chỗ hoặc tạm trú liên tục tại nhiều chỗ khác nhau nhưng trong phạm vi thành phố đó thì đều được tính như nhau. Giấy tờ chứng minh thời hạn tạm trú phải có xác nhận của Công an phường, xã, thị trấn hoặc sổ tạm trú.

- Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp chính là vấn đề thường bị một số người gây khó dễ, sách nhiễu, phiền hà. Nếu chúng ta không quy định rõ việc này khi áp dụng khó tránh khỏi bị nhũng nhiễu, nhất là giấy tờ chỗ ở đi thuê, ở nhờ?

Lần này, dự thảo Nghị định quy định rõ các loại giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp, công dân chỉ cần có một trong các loại giấy tờ đó là được. Chẳng hạn như giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, nếu không có thì sử dụng hợp đồng mua bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà thuộc sở hữu Nhà nước; hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán...

Giấy có xác nhận của UBND cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở..., kể cả giấy tờ chứng minh về đăng ký tàu, thuyền, phương tiện khác thuộc quyền sở hữu và địa chỉ bến gốc của phương tiện sử dụng để ở cũng được công nhận. Nghĩa là, chỗ ở hợp pháp không nhất thiết phải là nhà ở.

- Như vậy, cư trú trên tàu, thuyền cũng có thể đăng ký hộ khẩu Hà Nội?

Được, nếu phương tiện tàu, thuyền, phương tiện khác dùng để ở thuộc quyền sở hữu và địa chỉ bến gốc thuộc địa phận Hà Nội.

Trường hợp thuê nhà, ở nhờ thì giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp là hợp đồng cho thuê, mượn, ở nhờ nhà ở, nhà khác của cơ quan, tổ chức. Nếu là hợp đồng cho thuê, cho mượn, ở nhờ nhà ở, nhà khác của cá nhân thì phải có xác nhận của UBND cấp xã, phường hoặc có công chứng

Đăng Trường
.
.
.