Sống tạm bợ giữa dự án treo

Thứ Ba, 13/01/2009, 15:28

Từ bao đời nay, người dân 3 xã Bình Trị, Bình Định Nam và Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, Quảng Nam khổ cực vì thiếu nước, mỗi năm chỉ làm được 2 vụ lúa, năng suất thấp, cứ 10 nhà thì 4 nhà đói nghèo… Cùng cực, túng quá, những ai còn sức lao động bỏ làng đi hết.

Năm 2003, khi dự án hồ thủy lợi Đông Tiễn phê duyệt lần đầu, huyện Thăng Bình kiểm kê nhà cửa, đất đai, ruộng vườn của 211 hộ nằm trong quy hoạch khu lòng hồ, rồi treo đó.

Đến tháng 10/2007, dự án được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt đầu tư lần hai, dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào năm 2010, tuy nhiên, dự án chậm triển khai do kinh phí bồi thường cho hàng trăm hécta đất thu hồi quá lớn.

Đã bao đời khổ cực vì thiếu nước, quá khát khao nước nên đã có 1.819 hộ dân 3 xã tự nguyện hiến một phần đất (trị giá khoảng 14 tỉ đồng) để xây hồ… Giữa năm 2008, khoảng 150 hộ dân trong khu vực lòng hồ lên Khu tái định cư (TĐC) Đông Tiễn xây nhà, định cư… và họ tiếp tục khổ vì thiếu nước, thiếu điện, đất đai cằn cỗi trồng cây gì cũng chết. Tết sắp cận kề, nỗi niềm mong ngóng của họ càng thêm cháy bỏng…

Khu TĐC thiếu nước, thiếu điện và thiếu… đường

Chúng tôi tìm về Khu TĐC Đông Tiễn thuộc xã Bình Trị, huyện Thăng Bình trong cơn mưa tầm tã. Từ đầu làng, đập vào mắt chúng tôi là những ngôi nhà mới xây, màu vôi còn rất tươi, những hàng cột điện thẳng tắp… Nhưng khi chỉ còn cách làng chừng 50 mét, nhìn con đường duy nhất vào làng tưởng chỉ bị nước mưa ngập, nhưng thực ra, đó là những “ổ voi” sâu hoắm, liên tiếp, lênh láng mà không ít người lần đầu vào làng đã ngã sõng soài cả xe lẫn người.

Ngoài vài chục nhà được hóng mặt ra con đường nhựa xuống cấp, gập ghềnh chạy từ đầu làng đến cuối làng này, mấy chục nhà khác chẳng có đường để vào. Đất đồi núi được mang về đây san ủi làm mặt bằng cho khu TĐC này trời mưa xuống nơi thì nhão nhoét, nơi thì lầy lội. Còn trời nắng thì khô khốc, chẳng trồng cây nào sống được, rất nhiều cây ăn quả, bóng mát được người dân bứng từ vườn nhà cũ về trồng đều chết khô, trơ cành cây đen đủi.

Hiện đã có khoảng 150 hộ dân nằm trong khu vực lòng hồ Đông Tiễn đã ra làm nhà ở khu TĐC này, nhưng họ lại đang chịu cảnh thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt, không có đường để đi cho đàng hoàng…

Bà Trần Thị Cầu bức xúc: "Họ (chủ đầu tư) cứ bảo ra Khu TĐC làm nhà ở đi, ngoài đó đã có đủ rồi. Chúng tôi đã vì lợi ích chung để công trình được triển khai xây dựng đúng tiến độ. Nhưng khi ra đây, nước không có để dùng, phải thuê khoan giếng, rồi mua máy bơm nước về bơm lên chứ bơm tay chi nổi. Nhưng cũng có một số nhà khoan không có nước phải đi nhờ hàng xóm. Còn điện thì thấy hàng cột chạy trước nhà mà đâu có câu dùng được, kéo nhờ từ nhà dân lâu năm ở đây nên điện yếu lắm. Còn đường thì chẳng ra đường, ruộng chẳng ra ruộng…".

Bao giờ dân mới an cư?

Công trình hồ thủy lợi Đông Tiễn được xây dựng trên diện tích 170ha, diện tích mặt hồ 107ha, dung tích 7,7 triệu mét khối với tổng vốn đầu tư xây dựng hơn 146 tỷ đồng do Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư. Công tác giải phóng mặt bằng cho Khu TĐC Đông Tiễn được chủ đầu tư làm tốt và nhanh chóng. Còn công tác giải tỏa, đền bù cho 211 hộ dân khu vực lòng hồ và việc để 150 hộ dân ở đây sống trong cảnh thiếu điện, nước, đường sá đi lại như hiện nay, cũng đáng để bàn. Tiền đền bù, hỗ trợ đã ít, lại chi trả theo kiểu nhỏ giọt và hiện vẫn chưa chi trả hết cho dân, nên vẫn còn hơn 40 hộ khu vực lòng hồ chưa di dời ra…

Việc chậm chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cộng với việc để 150 hộ dân ở đây sống trong cảnh thiếu điện, nước, đường sá đi lại như hiện nay được chủ đầu tư giải thích là do thiếu vốn. Tuy nhiên, lại thấy dấu hiệu trục lợi của một số cá nhân.

Bấy lâu nay, người dân ở đây đồn nhau chuyện chậm chi trả là do chủ đầu tư đã gửi tiền ở ngân hàng để trục lợi tiền lãi. Ông P.H - một người dân ở đây khẳng định chắc nịch: "Ngày 9/12/2008 họ chi trả, nhưng bắt dân ký và ghi là chi trả ngày 5/5/2008! Ở thời điểm quý II, quý III của năm 2008 lãi suất của ngân hàng rất cao, tiền tỉ đền bù cho dân nếu cứ gửi ngân hàng, chắc chắn họ đã trục lợi không ít! Riêng nhà tôi, tiền đền bù và hỗ trợ tổng cộng được 79 triệu đồng, nhưng mới nhận được 48 triệu.  

Mong chủ đầu tư cùng các cấp chính quyền Quảng Nam cần nhanh chóng và nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho khu TĐC mà cụ thể là hệ thống đường giao thông, điện lưới, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân và tính sinh kế lâu dài...

Viết Nam
.
.
.