“Sóng ngầm” đằng sau dịch vụ cầm cố giấy tờ xe

Thứ Bảy, 17/12/2011, 11:32
Để "nắm đằng chuôi", chủ cầm đồ luôn đưa ra 3 loại hợp đồng: Thứ nhất là 1 bản hợp đồng vay tiền (gồm số tiền vay tương đương khoản tiền thu về sau khi đặt đăng ký xe cùng lãi suất/ngày, thời hạn phải trả); thứ hai là giấy bán xe và cuối cùng là hợp đồng cho thuê xe (cho thuê chính chiếc xe mà mình sở hữu, có giấy đăng ký đi kèm).

Nhắc đến việc cầm đồ theo kiểu “thế chấp” – cầm giấy tờ xe, trong giới dân chơi ở Hà Nội hầu như ai cũng biết đến. Nhiều người nghĩ đăng ký xe thông thường chỉ có công dụng chứng thực chiếc xe máy, ôtô thuộc quyền sở hữu của mình, song thời gian qua, nó đã thành một món tài sản cầm cố với số tiền 5-7 triệu đồng, thậm chí lên đến cả chục triệu đồng (đối với xe máy) và hàng trăm triệu đồng đối với ôtô.

Tại một số cửa hàng kinh doanh cầm đồ, chủ cơ sở đã kiêm thêm hoạt động cho vay “thế chấp” – ai có nhu cầu cầm giấy tờ xe với giá thành cao đều được đáp ứng.

Tiếp xúc với nhiều tay “anh chị” trong lĩnh vực cầm đồ của khu phố Đặng Dung, Phó Đức Chính (quận Ba Đình); Láng Thượng (quận Đống Đa)…, chúng tôi được biết, so với việc cầm cố tài sản thông thường, việc cầm giấy tờ xe đã đem lại mức lãi suất cao cho chủ các cơ sở dịch vụ “ngầm” này. Chưa hết, để “lách” cơ quan chức năng, một số chủ cơ sở còn núp bóng cửa hàng mua bán điện thoại di động, đồ gia dụng nhỏ lẻ để hoạt động cầm đồ, cầm cố tài sản, “bốc họ”.

Nhiều cửa hàng cầm đồ hiện đang kiêm thêm dịch vụ cầm cố giấy tờ xe.

Tại hiệu cầm đồ trên khu vực gần phố Cửa Bắc, chúng tôi đã có dịp chứng kiến hoạt động kinh doanh cho vay nặng lãi theo kiểu “thế chấp” - cầm cố giấy tờ xe của chủ cơ sở có tên H. “cua” nơi đây.

Chiều 13/12, khi tới đây, chúng tôi chứng kiến anh Dũng, 30 tuổi, nhà ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) đem chiếc xe SHi 150cc cùng toàn bộ giấy tờ “thế chấp” - vay lấy tiền. Sau khi đối chiếu số khung, số máy cùng độ mới chiếc xe, H. “cua” ra giá giấy đăng ký xe trên được cầm với số tiền 30 triệu đồng với mức lãi suất 7 ngàn đồng/1 triệu/ngày.

Sau cuộc ngã giá trên, H. “cua” đã gọi cậu nhân viên trông cửa hàng nơi đây đưa ra 3 tờ “hợp đồng” để hợp thức hóa việc cầm đăng ký chiếc xe trên. Cuộc giao dịch diễn ra chưa đầy 10 phút. Theo như H. “cua” lý giải thì việc tạo ra 3 tờ giấy hợp đồng, khế ước này không ngoài mục đích “bắt thóp” con nợ khi có nhu cầu cầm cố giấy tờ xe.

Đã có không ít vụ việc phát sinh khi dịch vụ cầm cố giấy tờ xe dạng này xuất hiện. Bởi chủ cơ sở cung cấp dịch vụ “thế chấp” tài sản chỉ cần lơ là trong hoạt động kinh doanh sẽ trở thành “cầu nối” của tội phạm.

Mới đây, ngày 6/12, Công an phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) đã phát hiện Lại Xuân Lượng, 22 tuổi, tạm trú tại phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai (Hà Nội) đang có hành vi sử dụng giấy đăng ký xe giả để cầm cố chiếc xe máy Honda Lead BKS 30L6 - 66xx tại một hiệu cầm đồ trên phố Minh Khai.

Tại cơ quan điều tra, Lượng khai nhận, trước đó sau khi lấy trộm được chiếc xe trên đã đi “đặt” làm giả bộ đăng ký xe mang chính tên của mình. Rồi sau đó đem đi tiêu thụ tại các cơ sở cầm đồ thì bị phát hiện, bắt giữ. Đáng lưu ý, với thủ đoạn này, Lượng từng tiêu thụ trót lọt một chiếc xe máy khác do phạm pháp mà có. Không chỉ sử dụng giấy tờ xe máy giả để cầm cố, một số đối tượng còn làm giả giấy tờ để thuê xe ôtô đi cầm cố. Lúc này, do số giấy tờ xe được làm giả hết sức tinh vi, nên chủ cầm đồ nhanh chóng bị “sập bẫy” nếu không cảnh giác.

Với thủ đoạn tương tự, Phạm Thanh Tùng, ở quận Hoàn Kiếm cùng Nguyễn Quang Anh, ở quận Đống Đa (Hà Nội) đã dùng giấy tờ giả thuê xe ôtô Innova trị giá 500 triệu đồng của anh Vũ Xuân L, ở Tam Trinh, quận Hoàng Mai rồi đem đến cửa hiệu cầm đồ do anh Đ.Q.H ở Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) làm chủ, đặt lấy tiền tiêu xài. Vụ việc này, sau đó đã bị Công an quận Hoàn Kiếm khởi tố vụ án khởi tố bị can đối với Tùng và Anh về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ít ai biết rằng, khi tìm tới dịch vụ cầm cố này, chính người cầm cố giấy tờ xe cũng gánh chịu hệ lụy, đó chính là mức lãi suất “cắt cổ”. Đơn cử, để cầm cố bộ giấy tờ - đăng ký một chiếc xe máy với giá 10 triệu đồng, ngay thời điểm lấy tiền, chủ cầm đồ luôn cắt một khoản tiền phế từ 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng, thậm chí là cả 2 triệu đồng. Điều đó cũng đồng nghĩa với 15% đến 20% khoản tiền vay đã “mất trắng”. Đấy còn chưa kể đến khoản tiền lãi 6 – 7 ngàn đồng/1 triệu đồng/ngày.

Đáng kể, trong cuộc giao dịch “ngầm” này, người bị yếu thế về mặt pháp lý nếu có tranh chấp xảy ra chính là dân đi cầm cố giấy tờ. Vì trong quá trình cầm cố giấy tờ xe, chủ cầm đồ luôn đưa ra 3 loại hợp đồng, giấy tờ để người cầm cố ký tên và xác nhận. Thứ nhất là 1 bản hợp đồng vay tiền (gồm số tiền vay tương đương khoản tiền thu về sau khi đặt đăng ký xe cùng lãi suất/ngày, thời hạn phải trả); thứ hai là giấy bán xe và cuối cùng là hợp đồng cho thuê xe (cho thuê chính chiếc xe mà mình sở hữu, có giấy đăng ký đi kèm).

Theo như H. “cua”, cách áp đặt giấy tờ trên không ngoài mục đích buộc các “con nợ” đúng hẹn phải thanh toán cả gốc lẫn lãi, nếu không sẽ bị thu hồi chiếc xe (chiếc xe có giá trị gấp 2-3 lần khoản tiền mà chủ cầm đồ đưa ra để cầm cố đăng ký xe)

Trần Huy
.
.
.