Sống lại những làng chài Vĩnh Thái

Thứ Hai, 07/07/2014, 10:55
Cơn lốc khai thác titan ập đến các làng chài Vĩnh Thái (Vĩnh Linh, Quảng Trị) gây ra bao hậu quả khôn lường. Bà con ngư dân có ít sự lựa chọn nên phải “sống chung” với hoạt động khai thác titan diễn ra rầm rộ hằng ngày. Nhiều hộ dân còn bỏ nghề đi biển, làm thuê cho các chủ nậu khai thác titan. Nhưng qua hơn 10 năm, làng mạc nơi đây vẫn một màu trắng của cát; gió thổi rát buốt tứ bề... Năm 2014, nhiều hộ dân ở xã đã quyết định trở lại với nghề cũ của mình.

Hơn 10 năm trước, Vĩnh Thái không có đường thảm nhựa, chỉ là những con đường đất chạy ngoằn ngoèo. Nhà dân đa phần nằm giữa rừng phi lao dọc theo bờ biển. Những cánh rừng phi lao đó chắn sóng, gió và cát biển bồi lấp. Nhưng rồi, rừng phi lao ven biển đã bị những cỗ máy đào, hút titan múc gốc và  san phẳng, nay còn lại rất ít. Bà con Vĩnh Thái không còn cách nào khác, là vừa phải giữ làng, vừa lao động làm thuê cho các công ty khai thác titan để kiếm sống. Nghề đi biển vì thế trở nên mai một, không ít hộ bỏ hẳn nghề từ nhiều năm qua. Bà Nguyễn Thị Nậy, ở thôn Tân Hòa, Vĩnh Thái, cho biết: “Sau nhiều năm làm thuê cho các công ty khai thác titan nhưng cuộc sống vẫn khó khăn, chật vật; cái mất nhiều hơn được nên bà con quyết định trở lại với nghề cũ, bám biển để mưu sinh”…

Bà con ngư dân Vĩnh Thái hăng hái trở lại với nghề đi biển truyền thống.

Thôn Tân Hòa, một trong 8 thôn của xã Vĩnh Thái có số hộ dân bỏ biển nhiều nhất; nhưng nay bà con đã quay trở lại đầy đủ. Hộ nào cũng đóng mới tàu thuyền để ra khơi đánh bắt thủy hải sản. Cùng làm nghề biển, song bà con ngư dân Vĩnh Thái có những cách đánh bắt riêng, hiệu quả cao hơn và hải sản mang tính đặc trưng hơn so với các vùng biển bãi ngang khác trong tỉnh. Điển hình như thôn Đông Luật thì có nghề bủa cá chuồn, kéo mực lá…

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng thôn Đông Luật: Thôn có 93 hộ, hơn 400 nhân khẩu, đều làm nghề đi biển; với tổng cộng 32 tổ thuyền, công suất 8-12CV/chiếc. Năm nay biển bãi ngang được mùa, Đông Luật lại có cách đánh bắt riêng, giá thành thủy hải sản bán ra rất cao; 5 tháng đầu năm 2014, bình quân mỗi hộ dân đều có thu nhập trên 100 triệu đồng. Ông Phúc khẳng định, ở xã biển thì nghề biển mới là nghề bền vững; còn làm công nhân khai thác titan thu nhập còm cõi mỗi tháng chỉ vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng/người…

Báo cáo của xã Vĩnh Thái, từ đầu năm 2014 đến nay, bà con ngư dân toàn xã đã đánh bắt được hơn 500 tấn thủy hải sản, vượt trên 30% kế hoạch đặt ra. Sở dĩ lượng thủy hải sản đánh bắt được nhiều, là do bà con ngư dân ở nhiều thôn trong xã trước đây làm thuê cho các công ty khai thác titan; nhưng thời gian lại đây bà con đã chuyển trở lại nghề biển. Ông Trần Văn Thận, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái, kiêm Chủ tịch Hội nghề cá Vĩnh Thái, phấn khởi nói rằng, nghề biển của bà con Vĩnh Thái rất phong phú, cùng với nghề đánh bắt thủy hải sản truyền thống, còn có nghề lặn bắt cá, tôm ở dưới đáy đại dương; sản phẩm này bán rất được giá do tươi và ngon đặc biệt. Để khôi phục và phát triển mạnh nghề biển, một trong những ngành nghề được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, năm 2013 và 2014, địa phương không chỉ tạo điều kiện, khuyến khích bà con ngư dân đóng mới tàu thuyền, mà còn thành lập các tổ và hội nghề cá. Tổ cũng như hội đều nhằm vào việc phát triển tình đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong làm ăn kinh tế trên biển và giúp đỡ nhau lúc gặp khó khăn hoạn nạn khi ra khơi cũng như ở đất liền. Ngay khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bà con ngư dân Vĩnh Thái, cũng như toàn bộ bà con ngư dân Quảng Trị đã tăng cường ra khơi, một mặt đánh bắt thủy hải sản để mưu sinh, mặt khác góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hội nghề cá Vĩnh Thái và toàn thể bà con ngư dân ở đây đã đóng góp tiền bạc vật chất và luôn động viên cổ vũ tinh thần cho các lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư của ta đang ngày đêm làm nhiệm vụ giữ vững chủ quyền đất nước trên các vùng biển đảo thân yêu

Thanh Bình
.
.
.