Sống bên miệng “thủy thần”

Thứ Tư, 25/08/2010, 10:16
Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân sống ven sông Như Ý (phường Xuân Phú, TP Huế) luôn phải đối mặt với tình trạng sạt lở và sự xâm thực mạnh mẽ của dòng sông. Nhiều nơi sông đã tiến vào tận móng nhà. Trong khi người dân đang hoang mang lo sợ khi mùa mưa bão sắp tới thì chính quyền địa phương vẫn còn rất lúng túng với các biện pháp nhằm đảm bảo tính mạng và của cải cho người dân.

Nỗi lo sông "nuốt" nhà

Tình trạng sạt lở và xâm thực trên sông Như Ý đoạn chảy qua địa phận của phường Xuân Phú dài gần 1.000m, lấn sâu vào gần 20m và tiến tận đến sát móng nhà của người dân. Trước kia, nhà dân cách sông là một con đường nhỏ và nhiều cây cối. Tuy nhiên, sau trận "Đại hồng thủy" năm 1999 con đường và cây cối đã bị dòng nước cuốn trôi, khoảng cách an toàn giữa nhà dân và dòng sông giờ không còn, tính mạng của hàng trăm hộ dân đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Bà Hà Thị Cam (tổ 11, phường Xuân Phú), đến giờ vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ về trận lũ năm xưa, bà nhớ lại: "Hồi đó lũ dữ lắm, nước chảy cuồn cuộn, cuốn trôi cả dãy đất cạnh bờ. Nhiều nhà sống cạnh sông bị nước nhấm chìm hẳn đi. Nhìn dòng nước dữ mà đến bây giờ tôi vẫn thấy sởn gai ốc".

Hiện tại phường Xuân Phú, 7 tổ dân phố đang phải đối diện với tình trạng sạt lở, đó là các tổ: 5, 6, 7, 8, 10, 11 và tổ 15. Trong đó, tổ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của tình trạng sạt lở và xâm thực của dòng sông là tổ 11. Dòng nước đã ăn sâu vào tận móng nhà, hơn 10 hộ gia đình nằm ngay sát dòng nước và có nguy cơ bị nước cuốn đi bất cứ lúc nào.

Nhà anh Ngô Văn Anh (tổ 11) ở ngay sát bờ sông, tâm sự: "Nhiều đêm đang ngủ bỗng nghe cái ầm một tiếng, giật mình tôi hốt hoảng trong nhà chạy ra thì thấy miếng đất cạnh bờ nhà mình đã bị nước sông cuốn trôi. Từ sau hôm đó không đêm nào mình ngủ ngon được nữa, cứ sợ nước sông đánh vào rồi chết lúc nào không biết thôi". Đã nhiều lần anh Anh kè đá vào nhưng đều bị nước cuốn sạch.

Sông đã tiến sát đến tận móng nhà của người dân.

Chờ… tái định cư

Tình trạng sạt lở và xâm thực ngày càng nghiêm trọng của sông Như Ý đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống cũng như sinh hoạt thường ngày của người dân. Nhiều hộ gia đình đã sử dụng nhiều biện pháp để chống lại "thủy thần" nhưng đều vô ích, Trong khi đó chính quyền địa phương thì đang còn rất lúng túng trong cách giải quyết vấn đề này.

Tổ trưởng tổ dân phố 11, ông Đặng Thử, bức xúc cho biết: "Thấy sông lấn nhà nhiều quá, chính quyền cũng nhiều lần về đo đạc, cắm mốc ranh giới để xây kè chống sạt lở. Rồi nhiều lần họ về họp dân, hứa sẽ di dời chúng tôi đi nơi khác nhưng cho đến nay vẫn không thấy đâu. Chúng tôi không thể cứ sống chung với "thủy thần" như thế này mãi được".

Chị Nguyễn Thị Tâm (tổ 11, phường Xuân Phú), tâm sự: "Nhà tui ở sát sông rồi, có lẽ mấy năm nữa là bị sạt lở hết mà thôi. Cả nhà và đất có hơn 80 mét vuông giờ muốn bán kiếm ít tiền để chuyển đi nơi khác mà không ai mua. Không biết khi mô chúng tôi mới được di dời ra khỏi vùng nguy hiểm ni đây".

Trước sự lo lắng của người dân, bà Hồ Thị Chiến, Chủ tịch UBND phường Xuân Phú, cho hay: "Vào cuối năm 2008 Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã phê duyệt dự án xây bờ kè, đồng thời di dời các hộ dân trong diện bị sạt lở đi nơi khác. Tuy nhiên, cho đến nay chúng tôi vẫn chưa thấy có động tĩnh gì từ phía tỉnh cũng như thành phố, trong khi người dân đang rất lo lắng khi mùa mưa bão đang đến gần".

Đất và nhà thì không thể di dời được, trong khi hàng năm tình trạng sạt lở và xâm thực của sông Như Ý ngày càng tiến sát nhà dân. An cư mới có thể lập nghiệp nhưng không biết những hộ dân nơi đây bao giờ mới có thể an cư? Câu hỏi trên được đặt ra đã nhiều năm rồi nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa mãn lòng dân

Xuân Hải Long
.
.
.