Sông Vàm Cỏ Đông tê liệt giao thông vì lục bình

Chủ Nhật, 13/07/2014, 06:04
Đã không còn vẻ đẹp và thơ mộng khi đứng trên cầu trong buổi chiều tà nhìn từng mảng lục bình trôi lững lờ trên sông… mà lục bình (bèo tây) đã phủ đầy mặt sông Vàm Cỏ Đông khiến cho những người dân lao động hai bờ khóc ròng.

Theo ước tính của các chuyên gia, hiện nay suốt chiều dài 151km của sông Vàm Cỏ Đông trên đất Tây Ninh bắt đầu từ xã Hòa Hiệp (huyện Tân Biên), qua các huyện Châu Thành, Bến Cầu, Hòa Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng hiện có khoảng 5 triệu m2 mặt sông bị lục bình che phủ. Đây chính là chỉ dấu ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đã làm giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh Tây Ninh gần như tê liệt.

Chính quyền tỉnh đã tốn không ít công sức, tiền bạc trong nhiều năm qua để giải quyết, nhưng chưa có giải pháp nào khả thi.

Với nông dân sống quanh hai bờ sông Vàm Cỏ Đông, đi lại và vận chuyển bằng ghe xuồng là phương tiện chính thì nay “kẹt cứng” lục bình, muốn qua sông phải luồn lách mất khá nhiều thời gian và nhiên liệu. Tại cầu Bến Sỏi, xã Thành Long (huyện Châu Thành) gần như không nhìn thấy mặt nước mà chỉ một màu xanh của lục bình phủ đầy mặt sông. Một nông dân tên Dũng cho biết: Thấy lục bình ớn tận óc. Nó không trôi đi nhanh là tụi tui đói chết chắc. Đây là những chủ ghe chuyên chở mướn các loại nông sản theo sông Vàm Cỏ Đông. Một chủ ghe giải thích: bình quân một ngày chạy 5-6 chuyến, giá 300 ngàn/chuyến chưa trừ chi phí xăng dầu. Nhưng do lục bình đầy sông, giờ chỉ chạy 2-3 chuyến là đuối. Dầu nhiên liệu tốn gấp 2 lần, không lời một xu, còn lỗ nặng.

Lục bình ken kín đặc mặt sông khiến người dân điêu đứng.

Cũng nạn lục bình, hàng trăm hộ dân sống bằng nghề đánh bắt, nuôi thủy sản trên sông cũng lâm cảnh khốn khổ. Đã có nhiều người phải bỏ đi làm nghề khác mưu sinh. Anh Lê Văn Sang, gần 30 năm sống với nghề đánh bắt dọc sông Vàm Cỏ Đông lắc đầu chua chát: Hơn nửa cuộc đời gắn bó với nghề chài lưới trên dòng sông này, đoạn nào nhiều cá tôm tôi biết rất rõ. Ngày xưa cũng có lục bình, nhưng làm cho dòng sông đẹp hơn, còn bây giờ cá tôm sống không nổi. Lục bình che kín mặt sông, chùm rễ rất to, chiếm hết lòng sông nên thiếu oxy cá không còn chỗ thở. Trên nhiều đoạn sông tại xã Cẩm Giang (huyện Gò Dầu), lục bình trôi về đặc sông, nhiều người dân đã “sáng kiến” căng dây ngang sông chặn lục bình, nên phía trên ùn ứ càng nhiều, dày hơn. Không chỉ có xuồng ghe nhỏ mới bị nạn lục bình, những ghe vài chục tấn cũng chung số phận. Cách cảng Bến Kéo, xã Long Thành Nam không xa, một chiếc ghe khá lớn đang gầm gừ hết cỡ, khói phun mù mịt, nhưng vẫn không thoát khỏi đám lục bình. Những người dân trên bờ cho biết: Chiếc ghe đó chở hàng từ cảng Bến Kéo về miền Tây, bị kẹt từ trưa đến giờ, liên tục rồ máy gỡ lục bình quấn chân vịt chắc hết dầu...

Theo kinh nghiệm của nhiều lão nông tại đây, lục bình phát triển nhiều là do những nhà máy, cơ sở chế biến tinh bột mì, chế biến mủ cao su ở 2 bên bờ sông xả thải ra, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước. Nước càng ô nhiễm, lục bình càng phát triển nhanh, mùa mưa nước chảy mạnh, lục bình theo dòng trôi xuống hạ nguồn nên ghe thuyền đi lại được. Dọc sông Vàm Cỏ Đông có rất nhiều nhánh kênh, rạch nhỏ từ các khu dân cư đổ ra sông như hình xương cá. Được biết, hệ thống giao thông thủy của Tây Ninh dài hơn 600km, nhưng lượng hàng hóa vận chuyển qua đường này không đáng kể, chỉ khoảng 3%. Hiện nay, do lục bình đầy sông nên tình hình giao thông đường thủy gần như ngưng trệ. Cảng Bến Kéo lớn nhất Tây Ninh, hiện tại cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Từ Tây Ninh, lục bình còn trôi về xuôi tại tỉnh Long An cũng đang là một vấn nạn khiến chính quyền và người dân rất lo lắng, bất an

Hoàng Châu
.
.
.