Sông Đồng Nai đang bị “đầu độc” nghiêm trọng

Thứ Hai, 22/06/2009, 10:35
Theo ý kiến của nhiều nhà khoa học và các cơ quan quản lý chuyên ngành thì lưu vực sông Đồng Nai hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Sông Đồng Nai (dài 586,4km) đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nước sinh hoạt cho trên 15 triệu người và sản xuất công nghiệp của các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Bà Rịa -Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh. Hiện nay, dọc theo sông Đồng Nai có 11 đơn vị khai thác nước để xử lý và cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân ở các khu đô thị và công nghiệp với công suất 1.673.000m3/ngày.

Chỉ tính riêng ở tỉnh Đồng Nai, hoạt động của các khu công nghiệp (KCN), các cơ sở ngoài KCN đã gây ô nhiễm nghiêm trọng đến chất lượng nước sông Đồng Nai làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.

Theo kết quả kiểm tra của Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, ô nhiễm màu sắc tại điểm xả thải, nhà máy xử lý nước thải tập trung của các KCN vượt nhiều lần cho phép: Biên Hòa 1 vượt 17,6 lần, Amata 38,5 lần, Tam Phước 20,5 lần, Hố Nai 14,4 lần, Long Thành  21,8 lần, Nhơn Trạch 2 vượt 43,5 lần, KCN dệt may Nhơn Trạch 13,8 lần. Còn ô nhiễm do vi khuẩn (Coliform), thì Biên Hòa 1 vượt 15.333 lần; Biên Hòa 2 vượt 500 lần; Nhơn Trạch 1 và Sông Mây vượt 4.800 lần; Tam Phước vượt 8.000 lần…

Trong số DN không nằm trong các KCN, thì 2 Công ty Men thực phẩm AB Mauri La Ngà và Công ty cổ phần Mía đường La Ngà, đóng ở xã La Ngà, huyện Định Quán thời gian qua đã xả trực tiếp nước thải không đạt tiêu chuẩn ra hồ Trị An và sông La Ngà gây ô nhiễm rất nghiêm trọng. Hiện tại, mỗi ngày Công ty Mía đường La Ngà lấy 22.700m3 nước từ sông và xả nước thải qua hệ thống xử lý ra hồ Trị An.

Được biết, hơn 2 năm trước (ngày 28/3/2007), UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản gửi: Công ty Kinh doanh hạ tầng KCN, Vedan, Mía đường La Ngà, Ajinomoto, Men thực phẩm Mauri - La Ngà, Bia và Nước giải khát Đồng Nai; yêu cầu trong năm 2007 phải đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường trước khi thải ra nguồn tiếp nhận. UBND tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu 4 công ty có lưu lượng xả thải lớn: Vedan, Ajinomoto, Mía đường La Ngà và Men thực phẩm Mauri - La Ngà phải lắp đặt thiết bị đo lưu lượng và quan trắc tự động một số thông số ô nhiễm đặc trưng.

Trong 10 KCN: Biên Hòa 1, Biên Hòa 2, Amata, Loteco, Long Thành, Tam Phước, Gò Dầu, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2 và Nhơn Trạch 3 đều đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng các thông số: pH, màu sắc, chất rắn lơ lửng, BOD5, COD, chì (Pb), Colifrom… đều chưa đạt tiêu chuẩn quy định, nhưng vẫn được thải ra suối Chùa, suối Bà Lúa, sông Cái, sông Thị Vải và sông Đồng Nai.

Các KCN: Sông Mây, Bàu Xéo, Nhơn Trạch 2 - Lộc Khang, Ông Kèo, Xuân Lộc, Nhơn Trạch 5, Định Quán và dệt may Nhơn Trạch, đã khởi công xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng đến quý III hoặc quý IV/2009 mới có thể đưa vào vận hành. Có 176 DN trong các KCN này đi vào hoạt động với lượng nước thải mỗi ngày 13.533m3, nhưng có tới 143 DN chưa có hệ thống xử lý cục bộ và đấu nối vào hệ thống xử lý tập trung, nên trong nước thải nhiều thông số ô nhiễm ở mức độ cao.

Diện tích sản xuất nông nghiệp (chủ yếu trồng lúa) ở tỉnh Đồng Nai không lớn (chưa tới 20.000ha), ô nhiễm nước thải nông nghiệp là do sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Hầu hết (100%) các hộ sản xuất nông nghiệp đều sử dụng thuốc BVTV trong canh tác, nhưng 20% số hộ không biết rõ thời gian, liều lượng, tần suất sử dụng thuốc; 75% số hộ không biết rõ về chủng loại (thuốc có nguồn gốc sinh học hay hóa học) và mức độ độc hại của thuốc đối với môi trường và con người.

Sông Đồng Nai đoạn chảy qua TP Biên Hòa.

Kết quả đo dư lượng thuốc BVTV trong mặt nước sông La Ngà tại cầu La Ngà; sông Rạch Buông tại cầu Khỉ, vùng bán ngập xã Thanh Bình thuộc lòng hồ Trị An; hoặc đo dư lượng thuốc BVTV tích lũy trong trầm tích đáy giữa hồ Trị An và sông Rạch Buông cho thấy tổng hóa chất BVTV chưa vượt tiêu chuẩn cho phép. Nhưng hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng được nhu cầu tưới, vào mùa khô các mương thủy lợi thường bị cạn, nên nguồn nước hồi quy từ các vùng đất canh tác nông nghiệp ra sông Đồng Nai và hồ Trị An rất ít.

Từ đó, dư lượng hóa chất sử dụng trong nông nghiệp có thể ngấm xuống tầng nước ngầm và trầm tích, vào đầu mùa mưa nước chảy tràn từ các vùng canh tác nông nghiệp sẽ gây ô nhiễm nước sông, hồ.

Chưa hết, ở vùng bán ngập hồ Trị An do mùa lũ mực nước dâng lên gây ngập làm thối rữa cây trồng là một trong những nguồn chính gây ô nhiễm hữu cơ cho nước hồ Trị An. Một số hộ nông dân còn vứt các bao bì đựng hóa chất BVTV xuống hồ làm suy giảm chất lượng nước và làm nhiễm độc các sinh vật sinh sống ở đây.

Chăn nuôi được coi là thế mạnh và có mức tăng trưởng khá, đang từng bước trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp ở Đồng Nai. Tuy nhiên, chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Đồng Nai (một địa phương có đàn gia súc gia cầm lớn nhất nước) ở nhiều hình thức khác nhau đang gây ra những ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường, đặc biệt là môi trường nước. Một loại hình chăn nuôi khác cũng đang gây ra ô nhiễm nguồn nước sông Đồng Nai và hồ Trị An là nuôi cá lồng, bè.

Theo số liệu của ngành nông nghiệp Đồng Nai, huyện Định Quán có nhiều bè cá nhất (613 bè), TP Biên Hòa 531 bè và huyện Vĩnh Cửu 198 bè. Phần lớn các hộ nuôi cá bè không có đất trên bờ, sống chủ yếu trên bè (mỗi hộ 4-5 người), do vậy nguồn tiếp nhận nước thải và rác thải rắn sinh hoạt là hồ Trị An, sông Đồng Nai và sông La Ngà.

Những năm gần đây, hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra khá nhiều (một năm 1-2 lần), thường xảy ra vào cuối mùa khô (từ tháng 2-4). Hầu như các hộ nuôi cá lồng ở khu vực cầu La Ngà cho rằng cá chết hàng loạt là do nguồn nước bị ô nhiễm do nước thải của 2 công ty: mía đường La Ngà và men thực phẩm Mauri - La Ngà. Điều này đúng, nhưng việc cá chết hàng loạt không được vớt lên và xử lý kịp thời sẽ bị phân hủy, trở thành nguồn gây ô nhiễm nước hồ Trị An và hạ lưu sông Đồng Nai.

Hiện nay, nước trong hồ Trị An và hạ lưu sông Đồng Nai được sử dụng để cung cấp nước sạch cho người dân và các khu công nghiệp ở Đồng Nai, tỉnh Bình Dương và TP HCM. Qua kiểm tra, giám sát nguồn nước sông Đồng Nai đầu vào của các nhà máy nước: Biên Hòa, Thiện Tân, Long Bình (Đồng Nai), Dĩ An (Bình Dương) và Thủ Đức (TP HCM) có nguy cơ ô nhiễm cao do chất hữu cơ, vi sinh và rắn lơ lửng vượt quá giới hạn cho phép. Khi nguồn nước bị ô nhiễm nặng thì quy trình công nghệ xử lý nước sẽ không đủ khả năng xử lý đảm bảo nước đạt tiêu chuẩn theo quy định của ngành y tế. Ngoài ra, chi phí sẽ tăng lên do phải xây dựng thêm các bể lắng sơ cấp, bể trộn, diệt khuẩn bằng Ozon và khi vận hành còn phải thêm hóa chất, nhân công.

Bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai và hồ Trị An khỏi bị ô nhiễm do bất cứ nguồn thải nào gây ra là rất quan trọng và phải có giải pháp quyết liệt: đóng cửa những cơ sở, DN nào không có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường

Công Trường
.
.
.