Sớm có giải pháp khả thi cho việc "di dời trường ĐH"

Chủ Nhật, 27/02/2011, 15:32
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Tiến Lê - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương đồng thuận với chủ trương di dời, nhưng cũng đã thấm thía vất vả khi nhiều lần đi tìm đất xây trường không thành. Ông đề nghị: Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức một đoàn công tác điều tra khảo sát tổng thể các trường đại học, cao đẳng xem rõ nhu cầu, định hướng phát triển của từng trường để đưa ra giải pháp phù hợp.
>> Khó khăn lớn nhất của việc di dời 12 trường ĐH là GPMB

Không phải bây giờ chủ trương di dời các trường đại học, cao đẳng ra khỏi trung tâm các thành phố lớn mới đặt ra. Nhưng gần đây dư luận dành nhiều sự quan tâm chính là bởi vấn đề này là một phần trong nội dung bàn thảo Luật Thủ đô cũng như bản quy hoạch chung Hà Nội sau khi mở rộng đang được Chính phủ xem xét, phê duyệt. Khi chủ trương đã lâu, bàn thảo đã nhiều mà vẫn chưa hiện thực hóa được yêu cầu đặt ra, thì đấy là lúc cần thiết phải xem lại nghiêm túc những giải pháp đã làm. Trong đó, yếu tố không kém phần quan trọng là ý kiến của những trường đại học, cao đẳng diện di dời, những nhà quy hoạch, quản lý đô thị hữu trách.

"Cần" nhưng chưa "đủ"

Điểm mấu chốt có tính thời sự nhất trong vấn đề di dời các trường cao đẳng, đại học ra khỏi nội thành các thành phố trong đó có Hà Nội nằm ở "quỹ đất sạch" nơi trường đến và "quỹ đất vàng" nơi trường đi sẽ được xử lý như thế nào. Nếu như "quỹ đất sạch" nơi trường đến là yêu cầu tiên quyết thì "quỹ đất vàng" nơi các trường sau khi di dời để lại đang được nhiều ý kiến coi là nguồn lực quan trọng để đầu tư xây dựng trường mới.

Cả hai điểm mấu chốt trên đến nay đều chưa có câu trả lời. Ngoài ra, nguồn lực tài chính nào để đầu tư cơ sở vật chất cho trường mới trong điều kiện nguồn thu của các trường còn hạn hẹp; nếu có kinh phí thì sẽ xây dựng trường theo quy hoạch nào, mô hình ra sao để đáp ứng với yêu cầu, phù hợp với xu thế hiện nay… cũng là những câu hỏi còn bỏ ngỏ. Tuy vậy, hầu hết lãnh đạo các trường cao đẳng, đại học tại Hà Nội và TP HCM khi được hỏi đều bày tỏ đồng tình và cho rằng đó là tư tưởng tiến bộ.

Khuôn viên Trường Đại học Xây dựng rộng 3,4ha trong diện dự kiến di dời.

Tiến sĩ Lê Văn Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết: Chúng tôi đồng tình với yêu cầu di dời để có điều kiện xây dựng trường mới, góp phần quy hoạch thành phố khang trang, hiện đại, cho dù đến nay mới duy một lần được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức buổi làm việc với các trường bàn về nội dung này.

Thấm thía với khu đất hẹp (3,4ha) của trường nằm mặt đường Giải Phóng, đáp ứng yêu cầu đào tạo gần 19.000 sinh viên (nếu tính cả hệ tại chức là 29.000 sinh viên), cố gắng xoay xở cũng không thể tạo nên cơ sở đào tạo tốt được - ông Thành nói. Bởi thế, hưởng ứng chủ trương di dời, 10 năm trước Trường Đại học Xây dựng đã lập dự án xin thành lập cơ sở II tại Khu quy hoạch đại học Tây Nam Hà Nội. Giấy tờ đã cơ bản, thành phố đã có công văn đề nghị trường làm thủ tục cấp đất… nhưng rồi rơi vào im lặng.

Ông Thành nhấn mạnh, phải có đất sạch xây dựng cơ sở II trước, rồi mới di chuyển trường ra được vì đào tạo không thể dừng lại. Quá trình này không thể chỉ một hay hai năm, mà có thể mất 5 đến 10 năm tùy từng trường có những yêu cầu đặc thù, công trình riêng có phục vụ đào tạo như khu vực thực nghiệm chẳng hạn. Khó khăn nữa là kinh phí, hầu hết các trường kinh phí hạn hẹp.

Gần đây, nhiều nhà đầu tư cũng đã tìm đến trường đề nghị hợp tác để khai thác quỹ đất sau khi di dời để lấy kinh phí đầu tư trường mới. Đây cũng là nguồn quan trọng nếu được phép, nhưng qua phác thảo đã xuất hiện vướng mắc: Thứ nhất, nhà đầu tư yêu cầu bàn giao mặt bằng nhanh, điều này là rất khó đối với trường đại học; thứ hai, là phải có "sổ đỏ" để lập dự án. Thực tế, không riêng gì Trường Đại học Xây dựng mà nhiều trường cao đẳng, đại học khác tại Hà Nội đến nay cũng chưa được cấp "sổ đỏ". Ông Thành đề nghị, Chính phủ chỉ đạo thật quyết liệt, có cơ chế thực hiện, lộ trình rõ ràng thì chủ trương di dời các trường đại học mới đến đích.

Nằm trong danh sách các trường dự kiến phải di dời, quyền Hiệu trưởng Đại học Răng-hàm-mặt Trương Mạnh Dũng đồng thuận về chủ trương nhưng băn khoăn về quỹ đất sạch xây trường. Ông Dũng rất e ngại về tốc độ giải phóng mặt bằng nếu việc này giao cho trường phải lo. Tốt nhất là giao cho một cơ quan nào đứng ra lo quy hoạch, tạo quỹ đất sạch sau đó giao cho các trường.

Chia sẻ với vướng mắc về đất di dời, lãnh đạo Viện Đại học Mở cho biết: Đây là lần thứ tư nhà trường hướng đến nơi định cư mới. Ba lần trước đều không thành, vì lần I được giao đất ở xã Cổ Nhuế, Từ Liêm nhưng trường không có tiền đầu tư xây dựng hạ tầng; lần hai giao 7ha ở Mỹ Đình nhưng ngay sau đó thay đổi quy hoạch và gần đây là tại Khu đại học Tây Nam Hà Nội cũng bị thay đổi do mở rộng Thủ đô.

Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Tiến Lê-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương đồng thuận với chủ trương di dời, cũng đã thấm thía vất vả khi nhiều lần đi tìm đất xây trường không thành. Ông đề nghị: Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức một đoàn công tác điều tra khảo sát tổng thể các trường đại học, cao đẳng xem rõ nhu cầu, định hướng phát triển của từng trường để đưa ra giải pháp phù hợp.

Lắng nghe tiếng nói người trong cuộc

Như thế, chuyện nên hay không di dời các trường đại học, cao đẳng nói chung không còn nhiều bàn cãi, vì mục tiêu hướng đến là quy hoạch các trường đại học, cao đẳng đến nơi có quỹ đất đủ rộng để phát triển. Thật không công bằng, trước ý kiến cho rằng phải di dời các trường cao đẳng, đại học ra khỏi trung tâm thành phố vì các cơ sở này gây ách tắc giao thông, quá tải hạ tầng… Thử hỏi, các trường cao đẳng, đại học thì liên quan gì đến quỹ đường, liên quan gì đến năng lực phương tiện vận tải công cộng, đến tình trạng xâm thực quỹ đất các trường đại học mà lại "kết" cho cái lỗi nặng đó! Giả thiết khi trường đại học, cao đẳng đi rồi, quỹ đất đó phát triển chung cư cao tầng, xây dựng khách sạn, trung tâm thương mại… thì có làm tăng mật độ người và phương tiện hay không?

Tiến sĩ Trần Trọng Hanh và Tiến sĩ Lê Văn Thành.

Cần phải nói thêm rằng, tình trạng các trường cao đẳng, đại học manh mún như hiện nay phần do hoàn cảnh trước đây để lại, nhưng phần nhiều do buông lỏng trong quản lý tạo nên. Chúng ta đều biết Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội vốn được giao khu đất rộng xe hơi chạy thẳng cánh. Nhưng với thời gian, bây giờ nó đã chứa trong mình cả một phường hành chính nhiều vạn dân cộng với những hoạt động xâm lấn, khiến nay muốn quy hoạch lại cũng không còn quỹ đất.

Tiến sĩ Trần Trọng Hanh-nguyên Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc Bộ Xây dựng, người đã tham gia nhiều lần quy hoạch Thủ đô Hà Nội cho biết: Ngay từ bản quy hoạch năm 1998, chúng ta đã chủ trương quy hoạch hệ thống các trường đại học. Cả nước có 5 khu quy hoạch đại học tại Hà Nội, TP HCM, Huế, Đà Nẵng, Tây nguyên. Sau này, riêng Hà Nội đã dành khu đất rộng 350ha phía Tây Nam để quy hoạch các trường nhưng cuối cùng không khả thi vì nhiều lý do khách quan trong đó có cả chuyện chúng ta chưa quyết liệt vượt qua những trở ngại vấp phải. Điển hình của những vướng mắc là việc giải phóng mặt bằng Đại học quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc. 10 năm sau khi Chính phủ cho phép thực hiện dự án đại học quốc gia (khu đô thị đại học) rộng 1.250ha tại Hòa Lạc, đến nay mới giải phóng được gần 60% diện tích dự án, nhiều hạng mục của dự án vẫn để cỏ mọc.

Ông Cấn Văn Lai-Trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Thạch Thất cho biết: Có nguyên nhân từ chính sách đền bù thay đổi nhanh, nhưng cũng vì nhiều hạng mục dự án có đất rồi mà chưa xây dựng, khiến người dân trong vùng dự án có tâm lý chây ì chưa chịu giao đất để chờ được bồi thường giá mới cao hơn.

Quy hoạch xây dựng các trường đại học, cao đẳng ra địa chỉ mới là một thách thức lớn động chạm tới nhiều vấn đề phức tạp.

Tiến sĩ Lê Văn Thành-Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng phản ánh: Kể từ khi có thông tin di dời trường, hàng trăm cha mẹ sinh viên khắp các tỉnh thường xuyên gọi điện chất vấn lãnh đạo nhà trường bao giờ di chuyển, để họ lo chỗ ăn ở cho con em họ, kể cả thanh lý hợp đồng thuê, mua nhà trước đây cho con em họ. Chính vì tác động to lớn của việc di dời trường, ông Thành đề nghị: Cần có cuộc khảo sát, đánh giá lại toàn bộ cơ sở vật chất, chiến lược phát triển của từng trường làm cơ sở quy hoạch nơi định cư mới.

Để làm tốt chủ trương đó, với kinh nghiệm của chuyên gia quy hoạch và cả những việc không thành công trước, Tiến sĩ Trần Trọng Hanh góp ý giải pháp: Trước hết, phải đánh giá toàn bộ các trường đại học, cao đẳng ở các trung tâm lớn nhất là Hà Nội, TP HCM về cơ sở vật chất, danh tiếng, chiều hướng phát triển… Trên cơ sở đó, các trường công lập, các trường có nhiều điểm tương đồng cần phải tập hợp để tái cấu trúc lại theo mô hình được phê duyệt một cách hoàn chỉnh. Trong quá trình rà soát, nên mạnh tay chấn chỉnh những trường không có cơ sở vật chất và những điều kiện đào tạo như quy định. Xây dựng các đô thị đại học không nên quá xa trung tâm, mà nên ở khu vực lân cận đường vành đai IV nhằm tránh những hệ lụy không đáng có. Các trường đại học, cao đẳng tư không có điều kiện có thể đến thuê địa điểm tại các đô thị đại học do Nhà nước xây dựng.

Ông Hanh nhấn mạnh, để cuộc di dời thành công thì phải căn cứ trên cơ sở đề án rà soát sắp xếp các trường đại học, cao đẳng chứ không phải cứ xây dựng trường ở nơi xa vắng sau đó mới thu hút người đến như bài học trước đây

Thanh Phong
.
.
.