Sởi và thủy đậu đang lây lan, cạn kiệt vaccin ngừa bệnh

Thứ Tư, 19/02/2014, 09:04
Khoa Nhiễm - Thần kinh ngày 17/2 chật kín bệnh nhi và người thân đi theo chăm sóc. Các phòng nội trú đều chật kín. Quá tải, khu vực hành lang, khu vực cầu thang thuộc lầu I của khoa đều có phụ huynh trải chiếu cho con trẻ nằm đỡ. Trẻ nóng sốt quá, nhiều phụ huynh dùng khăn nhúng nước ấm lau người, hạ sốt cho trẻ ngay trên băng ca đặt tại hành lang. Trong các phòng bệnh, bệnh nhi nằm kép từ 2 - 3 trẻ/giường. Đa số bị sởi và thủy đậu.

Trong phòng 101 của khoa, có khoảng 6 giường nhưng số trẻ mắc bệnh sởi nằm gấp đôi, phần lớn là trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Phòng 107 chật kín trẻ bị thủy đậu. Nhiều trẻ mắc thủy đậu còn trong độ tuổi chưa phải chích ngừa nhưng mắc bệnh, chủ yếu do lây từ người lớn sang. Trong số người lớn đi theo, nhiều người còn đang mang “vết tích” thủy đậu trên cổ, trên mặt đang trong quá trình điều trị.

BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1 cho biết, khoa tiếp nhận bệnh nhi mắc sởi rải rác từ cuối tháng 11-2013. Bệnh nhi nhập viện bắt đầu gia tăng cao từ sau Tết, và hiện nay thì đã vào mùa dịch truyền nhiễm. Đáng chú ý, mọi năm chủ yếu là trẻ từ tỉnh nhập viện thì năm nay lại chủ yếu là thành phố. Liên quan tới độ bao phủ của tiêm chủng mở rộng bệnh sởi đã “hổng” thời gian vài năm trở lại đây, do bà con bỏ, quên tiêm cho trẻ mũi 2 nên bệnh tái phát.

Dịch sởi - thủy đậu đang bùng phát, rất cần ngành Y tế có biên pháp hữu hiệu để ngăn chặn.

Trong khoa cũng có nhiều bệnh nhi đến từ Long An, Tây Ninh, Bình Dương là nơi giáp ranh thành phố, do nhiều bà mẹ do sốt ruột chuyển thẳng con lên để yên tâm. Nhiều ca khá nặng nhập viện, nhưng rất may chưa có trường hợp nào tử vong do sởi hay thủy đậu từ đầu năm tới nay. Trong bệnh sởi, lo nhất là nếu trẻ có bệnh nền là tim mạch, hô hấp mãn tính hay có cơ chế miễn dịch kém thì cũng là nguy cơ tử vong cao.

Phòng kế hoạch tổng hợp BV Nhi Đồng 2 TP.HCM cũng cho biết, tháng 1-2014, bệnh viện đã tiếp nhận, chẩn đoán 711 trẻ mắc bệnh này và từ tháng 2 tới nay đã có trên 400 ca trẻ thủy đậu tới khám.

Theo BS Khanh, vaccin ngừa thủy đậu không nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng của quốc gia, là chương trình dịch vụ. Giá chích ngừa tại nước ngoài là khoảng 30 USD/mũi. Chích nhắc lại mũi 2 sau 1-3 tháng. Tại Việt Nam, dù các công ty nhập khẩu vaccin nhập về bán cho người dân với giá thấp hơn hẳn là trên 300.000đ/mũi. Nhưng 6 - 7 tháng nay tại các bệnh viện và trung tâm y tế dự phòng đều kêu không còn vaccin ngừa thủy đậu. Có lẽ vì vậy số bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu trúng vào mùa dịch thêm gia tăng.

Ngày 17/2, qua trao đổi với bác sĩ Phạm Ngọc Anh Tuấn (Khoa khám bệnh Viện Pasteur TP HCM) được biết,  từ đầu năm 2014 đến nay, khu khám bệnh của Viện Pasteur TP HCM cũng có 138 trường hợp có biểu hiện sốt phát ban dạng sởi và có một số trường hợp xét nghiệm dương tính với sởi. Có nhiều ca phụ huynh tới xin chích ngừa thủy đậu cho con nhưng Viện cũng như Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, vaccin ngừa thủy đậu hết từ lâu. Lo ngại là TP HCM đúng lúc đang vào vụ dịch sởi, thủy đậu. Thời tiết giao mùa vừa lạnh, ẩm thuận lợi cho sự phát triển của bệnh.

Nhiều trẻ em chờ đến lượt khám thủy đậu tại TP Hồ Chí Minh.

Bác sĩ Tuấn cũng giải thích: Viện Pasteur TP HCM chỉ là một đầu mối phân phối  vaccin, thông qua các công ty nhập khẩu vaccin để chích ngừa phòng bệnh cho người dân chứ không phải là nơi sản xuất. Tôi được biết, có 2 công ty chính tại TP.HCM là GlaxoSmithKline (GSK) và Sanofi Pasteur tại Việt Nam, có chức năng nhập khẩu vaccin về Việt Nam. Nhưng hơn 1 năm nay, riêng Sanofi Pasteur tại Việt Nam đã ngưng việc nhập khẩu vaccin này, hiện toàn TP chỉ còn một đầu mối duy nhất là Công ty GlaxoSmithKline (GSK), nhưng 8 tháng nay, công ty này cũng không nhập nữa.

Trả lời về việc có một số phòng khám tư trên địa bàn có bán vaccin ngừa thủy đậu nhưng giá rất cao, khoảng trên 1 triệu đồng/mũi, BS Tuấn khẳng định, không phải do các công ty không bán được vaccin nên không nhập về mà do từ cuối 2013, có những lô hàng sau kiểm định không đạt nên các công ty không nhập về nữa. Còn nếu có vaccin không chính hãng bán tại phòng khám tư, phụ huynh phải cân nhắc khi chọn lựa chích ngừa cho trẻ vì ngoài vaccin của chính hãng là GSK nhập về đảm bảo an toàn, còn vaccin từ nguồn khác, đa số của Hàn Quốc thì không được kiểm định.

Trong tình hình không có vắc xin ngừa bệnh, dịch sởi và thủy đậu lại đang lây lan nhanh tại TP HCM, theo BS Trương Hữu Khanh, BV Nhi Đồng 1 TP HCM, nếu trẻ mắc bệnh sởi, cha mẹ phải chăm sóc cho con cẩn thận và xác định thời gian kéo bệnh hơi dài, không thể một, hai ngày mà ít nhất là cả tuần tới 10 ngày. Với bệnh sởi, do trẻ mắc bệnh bị sốt nên hay ói, biếng ăn, quan trọng nhất là chăm sóc dinh dưỡng cẩn thận, vì nếu không sau kỳ phát bệnh sởi, trẻ sẽ suy dinh dưỡng, còi cọc.

Với bệnh sởi, không nên kiêng ăn, kiêng tắm hay kiêng gió. Điều này đã được phổ biến rất kỹ rồi nhưng hầu hết trẻ được đưa tới khoa qua lời kể của cha mẹ cho thấy toàn làm ngược lại những lưu ý này của bác sĩ. Vệ sinh răng miệng vì sởi nốt phát ban dễ nhiễm trùng. Không nên trùm mền cho trẻ vì tăng thêm thân nhiệt khi sốt, gây cho trẻ dễ bị co giật. Khi thấy trẻ đi ngoài phân có máu, sốt co giật, chảy mủ tai, thở mệt, hay bay hết ban trên mặt, trên người rồi mà vẫn sốt thì phải lập tức đưa trẻ tới BV ngay vì khả năng triệu chứng này là đã biến chứng...

H.Nga
.
.
.