Sôi động làng nghề tăm hương “trăm tuổi” Hồng Dương

Thứ Hai, 17/03/2014, 13:09
Không biết bắt nguồn từ đâu, do ai gây dựng nên, chỉ biết rằng, những năm qua, làm tăm hương đã trở thành nghề truyền thống, gắn liền với cuộc sống người dân vùng quê Hồng Dương, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Nghề làm tăm hương phát triển, cuộc sống bà con Hồng Dương không ngừng được cải thiện. Tệ nạn xã hội theo đó được đẩy lùi…

Rảo bước trên con đường bê tông liên thôn Ba Dư, Phương Nhị, Ngô Đồng… của xã Hồng Dương vào những ngày này, đâu đâu cũng bắt gặp những đống vầu, bọc tre được tập kết trước hiên nhà các hộ gia đình. Ôtô tải vận chuyển tăm hương ra vào tấp nập. Tiếng máy cắt, máy chuốt tăm réo rắt từng hồi. Chốc chốc thứ âm thanh ấy lại tựa bản nhạc ngân lên giữa vùng quê Hồng Dương yên bình. 

Anh Nguyễn Đức Khoa, Phó thôn Phương Nhị vừa dẫn chúng tôi đi tìm hiểu hoạt động sản xuất của nghề cổ truyền làm tăm hương ở đây, vừa cho hay: “Chẳng biết bắt nguồn từ đâu, xuất hiện tự lúc nào, chúng tôi chỉ biết rằng, nghề làm tăm hương đã gắn chặt với cuộc sống của bà con cả trăm năm nay rồi anh ạ!”.

Anh Khoa kể, ở thôn Phương Nhị có 300 hộ dân, thì số hộ làm tăm hương chiếm tới 2/3. Nhiều gia đình, có đến 3 thế hệ theo nghề làm tăm hương. Không ít người còn coi công việc làm tăm hương là cái nghề, cái nghiệp ăn vận vào cuộc đời mình vậy. Vâng! Chẳng vậy mà khi tiếp xúc với anh Nguyễn Xuân Huệ, ở thôn Phương Nhị, chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Anh Huệ nói rằng, nghề làm tăm hương đã đi theo anh đến nay cũng đã được ngót 13 năm rồi. Nghề làm tăm hương đã giúp anh có thêm thu nhập. Cuộc sống gia đình theo đó được cải thiện. “Cháu lớn nhà mình đang học cấp 3 trường huyện, năm nào cháu cũng được học sinh giỏi hết anh ạ. Nghề làm tăm hương đã thắp sáng bao mơ ước cho vợ chồng tôi, cho sự học các con tôi”, anh Huệ tiếp lời.

Nghề làm tăm hương ở Hồng Dương đã góp phần xóa đói giảm nghèo, đẩy lùi tệ nạn xã hội ở địa phương.

Tay thoăn thoắt rũ bó tăm, anh Huệ kể vanh vách về các công đoạn làm tăm hương. Theo anh, để đóng được kiện tăm hương cung cấp ra thị trường, bên cạnh khâu rũ tăm, người làm tăm hương phải thực hiện nhiều công đoạn như: pha chẻ, phơi nắng, chạy máy tăm, chà tăm v.v… Trong đó, phơi vầu là một trong những công đoạn mà người làm nghề “tốn” nhiều thời gian nhất. Lẽ bởi, nếu trời nắng ráo, để vầu được đưa đi pha chẻ thì phải mất đến 7-10 ngày phơi. Còn gặp lúc tiết trời ẩm ướt, mưa bão thì khoảng thời gian trên lên đến cả tháng. Vào những lúc này, hiên nhà, nơi có mái che… hễ nơi nào còn thừa khoảng trống là người làm nghề tăm hương đều tận dụng để phơi vầu cả.

Bởi thế cho nên, để cung cấp ra thị trường số lượng 2,5 tạ tăm hương, các cơ sở sản xuất phải dùng tới khoảng 1 tấn vầu và “tốn” mất 10 ngày. Nói đến đây, anh Huệ hồ hởi: Vất vả là thế, nhưng mỗi khi các công đoạn làm tăm kết thúc, kiện hàng tăm hương được chuyển lên xe ôtô, cung cấp ra thị trường, những người làm nghề như chúng tôi thấy vui lắm. Vui vì mình đã góp sức mình duy trì làng nghề, duy trì nguồn cung cấp tăm hương cho người sử dụng. 

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, cũng chính nhờ nghề làm tăm hương truyền thống này mà nhiều gia đình ở Hồng Dương có đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nay đã trở nên khá giả, có của ăn, của để. Chẳng thế mà trên dọc con đường liên thôn Phương Nhị, Ba Dư, Ngô Đồng, Ngọc Đình... chúng tôi bắt gặp khá nhiều ngôi nhà cao tầng, khang trang đang đua nhau mọc lên.

Anh Nguyễn Đức Khoa, Phó thôn Phương Nhị tiếp lời, so với thời gian trước, những năm qua, nhất là kể từ thời điểm nhu cầu tiêu thụ tăm hương của thị trường gia tăng, cuộc sống của bà con đã có đổi thay đáng kể. Nhiều cơ sở làm tăm hương đã sở hữu hệ thống máy sản xuất hiện đại, số nhân công làm việc lên đến 5-7 chục người. Đúng như lời anh Phó thôn Phương Nhị, trong ngôi nhà khang trang, chị Nguyễn Thị Ngát, chủ cơ sở sản xuất tăm hương Hưng Ngát tâm sự, bản thân chị và người chồng là anh Nguyễn Xuân Hưng vốn làm thuê thủ công cho các cơ sở làm tăm hương ở thôn bên cạnh. Song nhờ tích lũy kinh nghiệm, cũng như được sự giúp đỡ của người thân, bè bạn, năm 2010, vợ chồng chị tách ra làm ăn riêng. Cơ sở của chị không ngừng nhập thêm các loại máy sản xuất có công nghệ tiên tiến và thuê nhân công về đào tạo, làm nghề.

Đến nay, cơ sở của vợ chồng chị đã có tới 9 máy sản xuất cho năng suất tăm hương cao và hơn 50 lao động làm thuê. Hằng ngày, sản lượng tăm hương xuất ra thị trường đạt mức trên dưới 8 tạ (bình quân mỗi tạ thu về 2,5 triệu đồng). Cũng theo chị Ngát, hằng tháng, cơ sở của chị trả cho mỗi lao động làm thuê 4-5 triệu đồng/tháng. Nghe những lời tâm sự trên cũng như nhìn hình ảnh hàng chục lao động đang cặm cụi làm tăm hương cho cơ sở của vợ chồng chị Ngát, chúng tôi thêm thấy được sức sống của làng nghề tăm hương truyền thống Hồng Dương là như thế nào.

Là người con sinh ra và lớn lên ở Hồng Dương, ông Nguyễn Duy Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Dương (Thanh Oai) cũng không giấu được niềm tự hào khi nói về nghề làm tăm hương truyền thống ở xã. Ông Hùng cho biết, không rõ ông tổ làng nghề là ai, nghề bắt nguồn từ đâu, song nghề làm tăm hương ở Hồng Dương (nơi có 2.822 hộ dân) cũng đã có từ trăm năm và cũng đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận là làng nghề truyền thống rồi. Hồng Dương vốn là xã thuần nông. Ban đầu, nghề làm tăm hương xuất hiện nhiều ở Ba Dư, Phương Nhị, tuy nhiên đến nay, nghề truyền thống này đã lan ra khắp 7/7 thôn. Các sản phẩm tăm hương do người Hồng Dương làm ra với đặc điểm luôn được chà nhẵn, cắt đúng kích cỡ, mẫu mã đẹp nên thị trường tiêu thụ không ngừng được mở rộng. Nhiều thương lái ở các huyện lân cận như Phú Xuyên, Ứng Hòa (Hà Nội) cũng lui tới nhập hàng. Thậm chí, các sản phẩm tăm hương Hồng Dương còn xuất khẩu sang cả Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước châu Á khác.

Có lúc thăng và cũng có lúc trầm đấy, thế nhưng có điều dễ thấy rằng, nghề làm tăm hương truyền thống của Hồng Dương vẫn đang ngày một phát triển, ngày càng giữ nét văn hóa đặc sắc riêng của mình. Nó không chỉ làm nên thương hiệu làm tăm hương đặc trưng của làng nghề Hà Nội, mà còn góp phần xóa đói, giảm nghèo, đẩy lùi tệ nạn xã hội ở địa phương.

Ông Nguyễn Duy Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Dương (Thanh Oai, Hà Nội): Nhờ nghề làm tăm hương mà nhiều lao động ở Hồng Dương đã có công ăn việc làm; đời sống bà con được nâng lên rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo được đẩy lùi; tệ nạn xã hội được kiềm chế… Đáng chú ý, trong những năm qua, nhờ sự phát triển của làng nghề tăm hương truyền thống cũng như được sự quan tâm của các cấp, các ngành, xã Hồng Dương đã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới và đến nay xã đã hoàn thành 18/19 tiêu chí, đời sống vật chất – tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Trần Huy
.
.
.