'Sói biển" Mai Phụng Lưu có tàu mới

Thứ Tư, 10/08/2011, 12:10
Chiều tối 8/8, bên chiếc tàu cá mới mua, ông Mai Phụng Lưu còn gọi là "sói biển" (ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) cùng 10 thuyền viên khác đã đạp sóng ra khơi thẳng tiến về Hoàng Sa đánh bắt hải sản.
>> Phút hội ngộ của 9 ngư dân đảo Lý Sơn

Ngẫm lại cuộc đời anh gắn liền với biển cả, với 4 lần bị tàu nước ngoài bắt giữ khi đang đánh bắt hải sản trên vùng đất Tổ quốc của mình, tưởng "sói biển" trắng tay sẽ gục ngã trước những tai nạn trên con đường mưu sinh và bảo vệ chủ quyền hải đảo. Nhưng giờ đây "sói biển" lại một lần nữa đạp sóng ra khơi mang theo cả ý chí mãnh liệt của những ngư dân nối bước cha ông bám biển Hoàng Sa, Trường Sa.

Trước khi ra khơi lần này, ông Mai Phụng Lưu tâm sự với chúng tôi: "Nói thật, gần cả năm nay không được ra Hoàng Sa, tôi nhớ lắm. Từng ngày anh ra bờ biển Lý Sơn ngóng về Hoàng Sa mong được trở lại vẫy vùng. Đến hôm nay tôi đã sắp được toại nguyện".

Tàu cá mới của ông Mai Phụng Lưu trên đường rời đảo Lý Sơn ra khơi.

Qua nhiều sự kiện, cả nước đều biết đến người hùng Mai Phụng Lưu. Ông là một thuyền trưởng can đảm, có nhiều kinh nghiệm. Suốt 30 năm qua, ông đã gắn bó như ruột thịt vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Vì thế, người ta gọi ông là "sói biển". Liên tiếp những lần gặp nạn, Mai Phụng Lưu chỉ còn bàn tay trắng phải nằm bờ, nợ nần chồng chất. Giữa tháng 7 vừa qua, Mai Phụng Lưu được Ngân hàng Đông Á trích 300 triệu đồng từ quỹ tín dụng "Cùng ngư dân bám biển", cho vay ưu đãi với lãi suất 14%/năm nhằm giúp ông thoát khỏi khó khăn, tiếp tục ra khơi đánh bắt hải sản.

Có tiền, ông Mai Phụng Lưu cùng một người quen hùn vốn mua tàu, ngư lưới cụ và các trang thiết bị cần thiết để ra khơi bám biển và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

"Mua tàu cũ, sửa sang và sắm lại phương tiện thêm máy móc, ngư cụ cũng phải có đến 800 triệu đồng. Đây là số tiền quá lớn đối với ngư dân chúng tôi. Dù biết phía trước còn nhiều trở ngại, nhưng dù thế nào đi nữa tôi sẽ cố gắng bám biển trả lãi. Mà biết đâu trúng quả đậm, chỉ cần một chuyến trả hết nợ thì sao", đầy tự tin ông Lưu cho biết.

Theo ông Mai Phụng Lưu, tàu cá mới có công suất nhỏ, vì thế chi phí mỗi chuyến ít và thời gian ngắn. Nếu một, hai năm tới làm ăn thuận buồm xuôi gió, ông sẽ tiếp tục nâng công suất tàu lên. Ông Lưu bộc bạch: "Dù sao được làm chủ trên con tàu của mình thỏa chí ngang dọc trên vùng biển Tổ quốc của mình thì không có cảm giác gì bằng. Chứ những năm trước đi tàu của người ta, mỗi khi bị tàu nước ngoài bắt mình lo lắm, lo chúng lấy tàu thì biết làm sao trả cho chủ nậu…".

Ông Mai Phụng Lưu tiếp tục ra khơi, người con của biển sẽ được về với biển. Chiếc tàu của ông sẽ giúp cho 10 lao động khác trên đảo Lý Sơn có công ăn việc làm. Và chính ở những nơi biển cả khó lường, bằng kinh nghiệm, bản lĩnh vững vàng, ông sẽ chèo lái con thuyền vượt qua sóng gió đem con cá, con tôm về lại đất liền.

Và hơn bao giờ hết, ông Mai Phụng Lưu đầy kiêu hãnh khi nhìn lá cờ Tổ quốc lại tung bay trên con tàu thẳng tiến về mảnh đất ruột thịt Hoàng Sa, Trường Sa

Thành Sự
.
.
.