Sơ sẩy “chết người” ở trường thi: Tại ai?

Chủ Nhật, 08/07/2007, 16:08
Nguyễn Mai Hoa, thí sinh thi Đại học năm 2007 bức xúc khi đọc thông tin từ một tờ báo “1 thí sinh ngớ ngẩn mang theo điện thoại di động (ĐTDĐ) vào phòng thi”. Theo Mai Hoa, lỗi không chỉ từ thí sinh, và trong nhiều trường hợp không đáng bị coi là “ngớ ngẩn”.
>> Những sự cố hi hữu mùa thi

Tại Huế, 1 thí sinh bị đình chỉ thi do mang ĐTDĐ vào phòng. Tại Cần Thơ, đình chỉ 1 thí sinh do phát hiện có ĐTDĐ (4/7). Tại An Giang, một thí sinh bị phát hiện có chuông điện thoại đổ trong những phút cuối làm đề thi.

Sai một ly, đi một năm!

Thí sinh này giải thích, cuộc điện thoại “chết người” nguy hại ấy là vì gia đình gọi điện thoại hỏi thăm làm bài thế nào? Thậm chí, có trường hợp thí sinh đã nộp bài, vô tư sử dụng điện thoại trong phòng thi, và bị đình chỉ ở Trường ĐH Ngoại Thương Hà Nội.

Tất cả phần nhiều do nguyên nhân không biết, không nghe... chứ không phải cố ý.

Tuy nhiên, cái giá phải trả cho sự  "không biết" này là bị dừng thi. Chưa kể, nếu thí sinh muốn thi các đợt 2, 3 cũng không còn cơ hội. Hôm qua, Ban chỉ đạo Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2007 của Bộ GD-ĐT đã rà soát và công bố danh sách toàn bộ các thí sinh vi phạm quy chế thi trong đợt thi đầu tiên (khối A).

Theo đó, 17 thí sinh đăng ký thi đợt 2, 11 thí sinh đăng ký thi đợt 3 (cao đẳng), trong đó có 4 thí sinh thi cả 2 đợt, sẽ không còn tiếp tục được bước vào phòng thi năm nay.

Tại TP. Cần Thơ, tới môn thi cuối cùng, 3 thí sinh bị đình chỉ do đưa bản tuần hoàn Mendeleep vào phòng. Đây là những bản tuần hoàn cũ, có dòng chữ “Được phép đưa vào phòng thi”!

Giám thị coi thi tại điểm thi Trường TH Y tế cho biết, do không đi nghe phổ biến quy chế thi, nên thí sinh bất ngờ trước quyết định... khóc như mưa vì bị đình chỉ trong môn cuối.

Ngoài ra, những trường hợp thí sinh đến muộn giờ thi quá 15 phút, không được giải quyết cho vào xảy ra ở nhiều nơi. Điều đáng buồn là năm nào cũng xảy ra tình trạng này!

Một thí sinh tên Hiếu, thi tại Cần Thơ bị trễ 20 phút, không được vào trong môn cuối. Hiếu giải thích lý do chậm của mình khi năn nỉ Hội đồng thi: “Do mưa bất ngờ to quá (Cần Thơ ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới sáng 5/7), đợi một lúc thì tắc đường quá lâu, không thể đến kịp”. Thí sinh này ở quê lên, nên tắc đường lâu cũng là... một sự lạ.

Ngoài sự cố ĐTDĐ, vô tình mang tài liệu vào phòng, tắc đường... có những sự cố khá hy hữu. Không ảnh hưởng nguy hại tức thì như đình chỉ thi, nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới kì thi quan trọng cuối cùng của 12 năm đèn sách.

Thí sinh Bích Uyên (Vĩnh Long), bị ngất xỉu tại điểm thi trường Lương Thế Vinh, TP.Cần Thơ. Nguyên do từ trước, Bích Uyên bị ốm. Nhưng nguyên nhân gần nhất là do mặc áo quá chật nên... khó thở.

Phương Uyên, bạn thân của Bích Uyên đi thi cùng cho biết, trước khi vào phòng thi, Bích Uyên đã kêu rất khó chịu vì chật chội.

Chuyện sơ sẩy quên kính, quên máy tính, thậm chí... quên cả bút... xảy ra hàng ngày trong kì thi qua.

Phụ huynh phải hỗ trợ

Trước điểm thi ĐH Cần Thơ, phụ huynh Hoàng Văn Linh (Vĩnh Long) chia sẻ: “Công tác hậu cần của phụ huynh phải luôn đặt cẩn thận lên hàng đầu. Thí sinh đi thi, áp lực thi cử, lần đầu lên phố rất nhiều lo âu, lại tập trung thi nên những việc sơ sẩy, dù nhỏ nhặt như quên kính, quên bút hay mang điện thoại vào phòng thi hoàn toàn có thể xảy ra. Vì thế, phụ huynh cần chú ý giúp con em mình những việc nhỏ nhặt. Thậm chí phải coi đó như một trách nhiệm”.

Phụ huynh này cho biết, để trang bị cho con mình đi thi an toàn, trước khi vào phòng thi, ĐTDĐ đưa lại cho ba từ ngoài cổng. Dù trước khi thi học sinh được nghe đầy đủ phổ biến quy chế thi, nhưng phụ huynh Linh vẫn theo dõi sát sao các phương tiện truyền thông về kì thi đại học, để nhắc nhở thêm con mình.

Theo ghi nhận của chúng tôi, thí sinh không đi nghe phổ biến quy chế thi tại các hội đồng thi không hẳn tất cả đều biết rành rẽ về nội quy, quy chế. Thế nhưng buổi phổ biến quy chế thi ở các điểm thi, vẫn vắng bóng hàng chục thí sinh...

Võ Văn Thếch (Bạc Liêu) cho biết, do nhà xa, đi xe đò khó khăn nên em đến Cần Thơ từ tối ngày 3/7. Không đi nghe phổ biến quy chế, làm thủ tục nên sáng 4/7, Thếch phải đến khá sớm trước giờ thi. Cách thức làm bài thi trắc nghiệm thi tốt nghiệp đã nghe phổ biến, đã làm rồi nên không bỡ ngỡ nhiều, nhưng vẫn lo ngại lỡ thi ĐH có gì khác, nên phải hỏi kĩ lại bạn bè.

Thếch còn cho biết, ở trường THPT, trước kì thi tốt nghiệp, còn nghe có người nói được đưa bảng tuần hoàn vào phòng thi, người nói không. Hỏi lại giáo viên dạy hoá mới bảo là không!

Thí sinh Nguyễn Thị Cẩm Tú tại điểm thi Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (TP.Cần Thơ) cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Theo Cẩm Tú, nếu các Sở GD-ĐT làm thêm một việc là gửi tất cả thông báo quy chế thi của Bộ về các trường cấp 3, các trường dán lên bảng thông báo hoặc khu vực trung tâm để học sinh lưu tâm thì sẽ tiện hơn rất nhiều.

Nghe nhắc 1, 2 lần vẫn có thể quên nhưng thỉnh thoảng đọc bằng mắt mình thì không thể quên được - Cẩm Tú khẳng định.

Nói về trường hợp 3 thí sinh đưa bảng tuần hoàn vào phòng thi, T.S Lê Việt Dũng (Ban chỉ đạo kì thi tuyển sinh ĐH.Cần Thơ) chia sẻ: “Trường hợp nhiều giáo viên ở trường tỉnh không cập nhật thông tin mới dặn dò thí sinh đi thi là điều dễ xảy ra".

Thực tế, có rất nhiều học sinh các tỉnh miền Tây Nam bộ rất ít khi đọc báo, chứ chưa nói gì tới internet. Đây là nguyên do lí giải những thí sinh ở tỉnh, vùng sâu vùng xa lại thường sơ sẩy nhiều hơn những thành thị lớn, và có những sơ sẩy “hồn nhiên” nguy hại đến thế

Theo Thu Hương (VietNamnet)
.
.
.